Pháp luật đang giữ thế thượng phong

(PLO) -Việc bắt một cán bộ lãnh đạo khi ông ta đương chức, đang làm việc, quyền hành trong tay là chuyện hy hữu xưa nay. Thường là phải trải qua một quá trình "đánh động" rất lâu, rồi xem xét kỹ lưỡng hành vi phạm tội, sau đó xử lý về mặt Đảng rồi hành chính, cuối cùng, mới khởi tố bị can và cùng lắm thì mới phải thực hiện lệnh tạm giam, bắt giữ.
Hình minh họa

Giờ thì việc đó không còn hy hữu nữa mà mới đây, việc bắt giam một Phó chủ tịch UBND thành phố Việt Trì (Phú Thọ) với hành vi cố ý làm trái trong lĩnh vực quản lý đất đai là một dẫn chứng. Bị bắt khi đang giữ một cương vị lãnh đạo chủ chốt của thành phố thì ngoài việc phạm tội quả tang chỉ có trong trường hợp hành vi gây ra là rất nghiêm trọng, cần có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Việc bắt giữ này cũng thể hiện sự can thiệp kịp thời và đảm bảo tính nghiêm minh của cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Phú Thọ - nơi vừa "đánh" một vụ án mang tầm quốc gia là vụ đánh bạc nghìn tỷ bằng công nghệ cao và có sự dính líu của những tướng lĩnh ngành công an. Vụ bắt giữ cán bộ lãnh đạo có hành vi tham nhũng này cũng chứng tỏ rằng không có một chỉ thị nào cấm theo dõi, điều tra đảng viên cả - điều mà dư luận vẫn băn khoăn cho dù đã có ý kiến khẳng định công khai là không có điều cấm đó. Việc bắt giữ này là một đòn giáng mạnh vào tham nhũng đất đai vốn là một lĩnh vực có rất nhiều khuất tất và là môi trường màu mỡ cho nạn tham nhũng sinh sôi.

Một hiện tượng rất đáng quan tâm là gần đây, nhiều vụ án được điều tra mở rộng chứ không bị "khoanh lại" như từng làm. Điển hình nhất là các vụ tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng hoặc đầu tư, xây dựng. Vụ bắt trùm buôn lậu gỗ Phượng "râu" ở Tây Nguyên đã kéo theo nhiều cán bộ trong lĩnh vực quản lý rừng phải dính vòng lao lý, gần đây, khởi tố thêm một Hạt trưởng và Hạt phó kiểm lâm ở vụ án này.

Hoặc vụ Vũ "nhôm" đã có thêm một người bị khởi tố ngoài những cựu quan chức Đà Nẵng, đó là người "chạy" hộ chiếu vào Mỹ cho Phan Văn Anh Vũ với giá hàng trăm nghìn đô. Vụ này cũng chứng tỏ việc những tội phạm có thế lực thường "dấm chỗ" sẵn cho mình ở nước ngoài khi phải tẩu thoát, tránh sự trừng phạt của pháp luật.

Một số vụ việc khác gây bức xúc trong dư luận và có những biểu hiện vi phạm pháp luật được chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra chứ không "giữ lại để nghiên cứu, xem xét" rồi ỉm đi như trước nữa. Việc gian lận thi cử vừa rồi là một ví dụ về sự chuyển biến này.

Những động thái kể trên chứng tỏ pháp luật đang giữ thế thượng phong trong việc điều chỉnh các mối quan hệ của xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự trị an và công bằng xã hội. Đó là những tín hiệu khả quan cho tinh thần thượng tôn pháp luật trong đời sống chính trị - xã hội hiện nay./.