Tại buổi làm việc với Liên đoàn LS Việt Nam sáng qua (19/9), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, cần có đội ngũ LS phát triển để bảo vệ công lý, chế độ, quyền con người, quyền công dân. Muốn vậy, LS phải là một trong những định chế cần thiết của quá trình tố tụng và phải làm rõ vị trí pháp lý của LS trong quá trình này.
|
Những bức xúc, vướng mắc về quyền hành nghề được các LS gửi đến Chủ tịch Quốc hội cùng đại diện các Bộ, ban, ngành và được chia sẻ sâu sắc. Đó là câu chuyện về giấy chứng nhận người bào chữa “cản đường” LS tham gia tố tụng, là chuyện LS không được tham gia ngay từ đầu giai đoạn điều tra nên mới có những vụ án oan, sai, có những hành vi bức cung, dùng nhục hình, chuyện những quyền hành nghề hợp pháp của LS tuy “luật đã mở nhưng vẫn nhiều ràng buộc, hạn chế”…
Theo góc nhìn của giới LS, chính tình trạng “quyền anh, quyền tôi” khiến những khó khăn trong quá trình LS hành nghề, vướng mắc giữa LS và các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thể được giải quyết dứt điểm. Vì vậy, các LS kiến nghị Quốc hội sớm sửa đổi những điểm còn khiếm khuyết của pháp luật, bổ sung các qui định để thay đổi cách nhìn về vai trò, vị trí của LS, thu hẹp khoảng cách giữa LS và các cơ quan tiến hành tố tụng để “dù bất đồng quan điểm thì đều phải thống nhất làm rõ sự thật khách quan” như ý kiến của LS Lê Minh Tâm.
Đơn cử chuyện “chỗ ngồi”, LS Phan Thông Anh kiến nghị đưa bên buộc tội (đại diện VKS tại tòa) “xuống đất” ngồi cùng bên gỡ tội (LS) mới là công bằng, không để LS phải “ngước lên như cầu xin” khi tranh luận cùng kiểm sát viên. Còn LS Nguyễn Đình Thơ thấy phải sửa luật để “không thể có chuyện ngược đời là không ai có thể nhờ LS thay cho người bị tạm giữ, tạm giam, bị can, bị cáo khi họ đang phải ở nơi giam giữ”.
Bức xúc trước chế độ “báo cáo án” đang diễn ra tại một số địa phương, nhất là sau khi TAND TP.Hà Nội có Công văn số 13 yêu cầu các Thẩm phán báo cáo trước về đường lối xét xử để chỉ đạo và Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã yêu cầu TANDTC báo cáo về việc này, LS Nguyễn Đình Thơ cho rằng: “đó là sự thật đau lòng, đi ngược nguyên tắc xét xử, cần phải giải quyết ngay để góp phần hiện thực hóa và tăng cường hiệu quả tranh tụng tại tòa”.
Không cần những LS “cãi cho lấy được”
Trong khi xã hội rất cần LS nhưng vẫn nhiều LS phải “ngồi không”, thất nghiệp vì theo báo cáo của Liên đoàn LS Việt Nam, hiện cả nước có hơn 8.000 LS, song LS mới chỉ tham gia 20% số vụ án hình sự và khoảng 2% số vụ án dân sự do Tòa xét xử. Nếu tính trên tổng số vụ việc được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết thì LS mới chỉ tham gia được khoảng 8% vụ việc.
“Không có việc làm thì làm sao LS phát triển? Đây là vòng luẩn quẩn, chưa giải quyết được nên cần có cơ chế, hoàn thiện pháp luật tố tụng theo hướng để các LS có “đất dụng võ” - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp TƯ Lê Thị Thu Ba đặt vấn đề. Nhưng bà cũng lưu ý, dù cần LS nhưng xã hội “không chấp nhận những LS “cãi cho lấy được, ” bất chấp qui định pháp luật”.
Nhận thấy hiện ta đang thiếu LS bào chữa, tư vấn trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài do rào cản ngôn ngữ, khiến phải thuê LS nước ngoài với phí rất đắt, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Liên đoàn LS và bản thân mỗi LS cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu hội nhập. Một vấn đề quan trọng khác được đại diện các Bộ, ban, ngành “gửi gắm” Liên đoàn là “đấu tranh quyết liệt, cùng các cơ quan, tổ chức không để LS chạy án, môi giới, vi phạm pháp luật bị kỷ luật hay xử lý hình sự” làm ảnh hưởng đến hình ảnh, vị thế của LS.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tán thành với các ý kiến đồng thời đề nghị LS và các tổ chức xã hội nghề nghiệp của LS “khắc phục tình trạng LS vừa thiếu, vừa yếu lại còn tiêu cực”, tạo thành sức mạnh “không chỉ ở phạm vi trong nước, trong 1-2 lĩnh vực mà phải vươn ra thế giới, trên tất cả các lĩnh vực phải “cãi” được hết”. Đặc biệt, giới LS phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp, tận dụng thời cơ các dự án luật về tố tụng, tổ chức đang xây dựng, sửa đổi để “luật hóa vai trò, vị trí của LS”, góp phần giúp Quốc hội triển khai Hiến pháp, tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí vì “pháp luật phải nghiêm thì công lý, công bằng mới được bảo đảm”.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường: “Bộ Tư pháp đánh giá cao vai trò của Liên đoàn LS Việt Nam thực sự là “ngôi nhà chung” của giới LS và chia sẻ với những kiến nghị, khó khăn của giới LS trong quá trình hành nghề, nhất là về việc giấy chứng nhận. Cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ được Liên đoàn đề ra cho nhiệm kỳ tới, nhưng quan trọng là Liên đoàn và LS phải thực hiện đúng các qui định của Luật LS. Trước mắt, cần chuẩn bị tốt và bài bản hơn nữa cho Đại hội đại biểu LS toàn quốc lần thứ II để trả lời cho câu hỏi “thành lập Liên đoàn rồi có bền vững hay không”.