Biện pháp tạm thời trong một số trường hợp cần thiết
Tạm đình chỉ chính là một biện pháp tạm thời sẽ được áp dụng trong một số trường hợp cần thiết và có căn cứ pháp luật để ra quyết định tạm đình chỉ. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì thông thường sẽ xảy ra việc tạm đình chỉ trong công tác với những trường hợp sau: Tạm đình chỉ công tác đối với công chức, cán bộ; Tạm đình chỉ công tác đối với viên chức; Tạm đình chỉ công tác khi có vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng.
Như vậy, có thể thấy việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật rất rộng, trải dài hầu hết mọi lĩnh vực. Nhưng nếu chỉ bao quát về các hoạt động, làm việc của các đối tượng lao động, làm việc hiện nay và được mọi người quan tâm rộng rãi thì phải kể đến quy định tạm đình chỉ công tác đối với công chức cán bộ, viên chức và người có chức vụ, quyền hạn.
Theo Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), đối với cán bộ, công chức là những người nắm chức vụ, chức danh, quyền hạn trong tổ chức Đảng, Nhà nước hoặc các tổ chức chính trị xã hội khác được điều chỉnh bởi Luật Cán bộ, Công chức năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2019. Luật này quy định đầy đủ về cán bộ, công chức; bầu cử, tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức; nghĩa vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức và điều kiện bảo đảm đi hành công vụ.
Cán bộ, công chức phải là những người có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường chính trị vững vàng do đó các quy định về điều kiện, nhiệm vụ, nghĩa vụ của cán bộ, công chức là rất chặt chẽ cũng như có nhiều quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức khi không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình hay vi phạm pháp luật,…
|
Luật sư Hùng. |
Theo Điều 78, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), cán bộ vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật như: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức; Bãi nhiệm. Còn đối với công chức, các hình thức kỷ luật bao gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức và Buộc thôi việc. Cụ thể hơn, Chính phủ gần đây quy định từng trường hợp vi phạm cụ thể đối với các hình thức xử lý kỷ luật tại Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
Riêng về hình thức tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ công chức, Thạc sỹ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết: Theo quy định tại Điều 81, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi bổ sung năm 2019), cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức có thể ra quyết định tạm đình chỉ công tác trong thời gian xem xét, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nếu để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý.
Như vậy, trong trường hợp này, căn cứ để tạm đình chỉ bao gồm hai điều kiện sau: Đang trong thời gian xem xét và xử lý kỷ luật và Nếu như để cán bộ, công chức đó tiếp tục làm việc thì có thể gây ra khó khăn cho việc xem xét và xử lý.
Thời hạn tạm đình chỉ công tác không quá 15 ngày, trường hợp cần thiết có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 15 ngày; nếu cán bộ, công chức bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử thì thời gian tạm giữ, tạm giam được tính là thời gian nghỉ việc có lý do; hết thời hạn tạm đình chỉ công tác nếu cán bộ, công chức không bị xử lý kỷ luật thì được tiếp tục bố trí làm việc ở vị trí cũ.
“Siết” chặt hơn khi cán bộ có hành vi tham nhũng
Tuy nhiên, theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018 và Điều 47 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, nếu có căn cứ cho rằng người nào có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và có thể gây khó khăn cho việc xem xét, xử lý nếu vẫn tiếp tục làm việc thì người đó có thể bị tạm đình chỉ công tác hoặc tạm thời chuyển vị trí công tác trong thời hạn 90 ngày.
Điều 43 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP cũng quy định, việc quyết định tạm đình chỉ công tác đối với người mà có chức vụ, quyền hạn chỉ được thực hiện khi có các căn cứ để cho rằng người đó có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và việc này có thể gây ra khó khăn cho việc xem xét và xử lý nếu như vẫn tiếp tục làm việc.
Cụ thể là, căn cứ để cho rằng người có chức vụ, quyền hạn có hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tham nhũng khi thuộc vào một trong những trường hợp sau: Có văn bản yêu cầu từ cơ quan Thanh tra, cơ quan Kiểm toán nhà nước, cơ quan điều tra, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; Qua xác minh và làm rõ nội dung theo đơn tố cáo thì có phát hiện người có chức vụ, quyền hạn đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; Qua công tác tự kiểm tra ở trong tổ chức, cơ quan, đơn vị phát hiện ra người có chức vụ, quyền hạn đã thực hiện hành vi có dấu hiệu tham nhũng; Qua công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành phát hiện ra người có chức vụ, quyền hạn đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Người có chức vụ, quyền hạn cũng được coi là có thể gây ra khó khăn cho việc xem xét, xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi người đó có một trong những hành vi sau: Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu hoặc là cung cấp thông tin và tài liệu không đầy đủ, sai sự thật; Cố ý trì hoãn, trốn tránh và không thực hiện yêu cầu của người có thẩm quyền trong quá trình xác minh và làm rõ hành vi tham nhũng; Tự ý tháo gỡ niêm phong tài liệu và tiêu hủy thông tin, tài liệu, chứng cứ; tẩu tán đi tài sản có liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hay ảnh hưởng của mình, của người khác hoặc là dùng hình thức khác để che giấu đi hành vi vi phạm pháp luật, gây nên khó khăn cho việc xác minh và làm rõ.
Về quyền của người bị tạm đình chỉ công tác, theo khoản 2 Điều 81 Luật Cán bộ, công chức, trong thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử, cán bộ, công chức được hưởng lương theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, Nghị định số 112/2020/NĐ-CP mới đây bổ sung quy định trường hợp cán bộ công chức viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bị tạm đình chỉ chức vụ thì không được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Còn căn cứ theo Điều 51 của Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì người mà có chức vụ, quyền hạn trong thời gian bị tạm đình chỉ sẽ không được giữ nguyên chế độ, chính sách cũng như các quyền, lợi ích hợp pháp khác như khi ở vị trí công tác trước khi tạm đình chỉ.