Pháp luật quy định xử lý hành vi tung tin giả như thế nào?

(PLVN) - Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến mới, hết sức phức tạp thì một số tài khoản Facebook lại hùa nhau đăng tải, chia sẻ thông tin giả “phát biểu chỉ đạo” của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về công tác phòng chống dịch Covid- 19. Làm sao để ngăn chặn những tin giả kiểu này đang thu hút sự quan tâm của dư luận?
Nhiều nghệ sĩ từng bị mạng xã hội tung tin gia đình đã đăng "Cáo phó".
Nhiều nghệ sĩ từng bị mạng xã hội tung tin gia đình đã đăng "Cáo phó".

Tin giả ngày càng “lộng hành”

Mới đây, trên mạng xã hội chia sẻ chóng mặt một phát ngôn được cho là của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về tình hình dịch bệnh. Nguyên văn “phát ngôn” này có nội dung như sau: “Tuần sau là mốc quan trọng! Chúng ta có tầm 4-6 ngày để nó chuyển giai đoạn từ 75 ca lên mức 100-500 ca! Và có khoảng 8-12 ngày (sau khi thiết lập mốc 500) để lên mức 1000-5000 ca! Rất cần truyền thông để bà con ở nhà! Hạn chế đi lại 01 tuần để đợt sóng này biểu hiện lâm sàng hết và khoanh lại! Việc hạn chế ra ngoài lúc này là cực kỳ cần thiết. Chúng ta sẽ làm lại từ đầu. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một ý chí! Chúng ta sẽ làm lại từ đầu (PTT. Vũ Đức Đam). Khẩn cấp nhờ chia sẻ! Hãy là một công dân có trách nhiệm”.

Qua quá trình kiểm tra, đại diện Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) ngay lập tức xác nhận nội dung thông tin trên là giả mạo. VAFC đã chuyển thông tin này đến cơ quan chức năng để điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Đồng thời, Trung tâm cũng dán nhãn “Tin giả” và thực hiện cảnh báo để người dân thận trọng và tỉnh táo trong việc tiếp nhận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, tránh làm phức tạp tình hình về dịch bệnh Covid, vi phạm các điều cấm trên không gian mạng.

Thông tin giả được chia sẻ trên mạng.
Thông tin giả được chia sẻ trên mạng.  

Trước đó, vào ngày 29/1, VAFC cũng phát hiện và cảnh báo một số tin không rõ nguồn gốc như: “24h đêm mai phong tỏa Hà Nội”, “Hà Nội 24h đêm mai đóng hết cửa ngõ”… lan truyền trên mạng xã hội. Hay khi xuất hiện một ca bệnh ở Quảng Ninh , trên mạng lan truyền văn bản liên quan đến hành trình của bệnh nhân này không đúng sự thật; rồi một vài thông tin khác không đúng gây hoang mang trong dư luận, làm khó khăn cho công tác điều hành phòng chống dịch. 

Có thể thấy, từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại một số tỉnh, thành phố miền Bắc, tin giả liên quan đến dịch liên tiếp được đăng tải, chia sẻ, gây hoang mang trong dư luận. Người dân cần tỉnh táo trước các thông tin này.

Thực tế, vấn nạn tin giả không hề mới mẻ nhưng vẫn đang tiếp diễn ngày càng nhiều. Trước những tin giả về Covid trên chỉ vài ngày, dân tình cũng đua nhau chia sẻ về việc nhạc sĩ Trần Tiến qua đời vì bệnh ung thư vòm họng. Nhạc sỹ Trần Tiến là cây đại thụ trong làng nhạc Việt nên thông tin này lập tức làm người hâm mộ và đồng nghiệp của ông không khỏi hoang mang, bàng hoàng. Bản thân nhạc sĩ Trần Tiến và gia đình ông vô cùng bức xúc, buộc phải lên tiếng khẳng định đây là thông tin thất thiệt và tuyên bố sẽ kiện những người tung tin giả về việc này. 

Vừa thiếu văn hóa và đạo đức,vừa vi phạm pháp luật.

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội - cho biết: "Những thông tin sai sự thật về việc một người đã chết trong khi người đó vẫn còn sống, khỏe mạnh, đặc biệt đối với các nghệ sĩ, những người nổi tiếng đang diễn ra ngày càng nhiều, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống và tinh thần của những người này. Trước nhạc sĩ Trần Tiến thì rất nhiều các nghệ sĩ và người nổi tiếng khác như: Hoài Linh, Thúy Nga, MC Lại Văn Sâm, Khánh Ly..., cũng đã từng bị vướng vào những tin đồn thất thiệt này.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng
 Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Những hành vi tung tin giả này là rất đáng lên án, không chỉ thể hiện sự thiếu văn hóa và đạo đức của những kẻ vi phạm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Đây là hành vi sử dụng “không gian mạng để thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác” bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018.

Về xử lý hành chính, điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có nêu hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân” sẽ bị phạt hạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Đây là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức.

Trường hợp cá nhân có những hành vi vi phạm như trên thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật, vi phạm pháp luật. Đồng thời, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có trách nhiệm xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có) cho người bị vi phạm theo quy định của pháp luật. 

Theo Luật sư Hùng, vụ việc này một lần nữa cho thấy vấn nạn tin giả trên không gian mạng vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Các thông tin giả, sai sự thật, thậm chí là xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, xúc phạm người khác vẫn xuất hiện rất nhiều và lan truyền rất nhanh chóng trên không gian mạng. 

Do vậy, mỗi người cần phải hết sức tỉnh táo, sáng suốt trong việc tiếp cận và xử lý các thông tin trên không gian mạng. Mọi người nên tiếp cận các nguồn, kênh thông tin chính thống, để có thể kiểm tra, nắm bắt được các thông tin chính xác và đầy đủ nhất; không nên vội vàng tin, đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, để tránh tiếp tay cho những kẻ tung thông tin thất thiệt, bịa đặt, gây ra những ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh, triệt để các hành vi vi phạm, nâng cao hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, tăng cường tính răn đe và phòng ngừa vi phạm. 

Trao đổi với báo chí, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM Từ Lương cho hay, hiện nay đơn vị phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý rất nghiêm hành vi tung tin giả, sai sự thật trên mạng. “Tâm lý của người dân thường nóng vội chia sẻ những thông tin lạ, sốc mà họ chưa kiểm tra xác minh”, ông nói. Tuy nhiên, ông Lương cảnh báo: “Theo Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi tung tin giả trên không gian mạng gây ảnh hưởng xấu, nghiêm trọng đến xã hội có thể bị xử phạt từ 200 triệu đồng – 1 tỷ đồng và có thể bị xử lý phạt tù từ 2-7 năm”.

Ông Lương cũng cho biết tại TP HCM hiện nay có khoảng 12 triệu tài khoản Facebook thường xuyên tương tác, phát sinh và đăng tải các thông tin từ cơ quan báo chí. Bởi thế, ông đề nghị các cơ quan báo chí khi tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn, nhiều nền tảng cần cân nhắc, thận trọng trong xử lý thông tin để tránh bị các đối tượng lợi dụng gây hoang mang, nhiễu loạn thông tin.

Đọc thêm