Phát động sáng kiến 'Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam'

(PLVN) -14.720 cây gậy trắng sẽ được phát tặng cho người mù sau Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng và lễ phát động sáng kiến 'Cây gậy trắng cho người mù Việt Nam' do Bộ KH&ĐT tổ chức hôm 5/12.
Các đại biểu trao biểu trưng cây gậy trắng.

Đây là sáng kiến được Bộ KH&ĐT thống nhất chủ trương và tổ chức triển khai trong chương trình hoạt động của Bộ năm 2019.

Chia sẻ ý tưởng này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ý tưởng này xuất phát từ sự đồng cảm cá nhân sau một lần ông bị đau chân, phải nằm ở nhà.

"Tôi đã được xem nhiều chương trình truyền hình về cuộc sống của những người khuyết tật. Tôi cũng được chứng kiến những câu chuyện về sự tử tế, cách ứng xử hết sức nhân văn và sự hy sinh vô giá của những người đang sống cùng, đồng hành với người khuyết tật. Đặc biệt,nhất là khi tôi được xem, được nghe, được chứng kiến những tài năng của người khuyết tật đang hằng ngày vươn lên để khẳng định mình trong các lĩnh vực. Điều đó đã làm tôi thực sự xúc động và cảm nhận những câu chuyện đã chạm đến trái tim tôi..."- Ông nhớ lại.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược, mặc dù công việc ngày càng nhiều và phức tạp, bên cạnh việc nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được Đảng và Nhà nước giao, Bộ KH&ĐT vẫn luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xã hội, quyết tâm dành thời gian và công sức, tổ chức nhiều hoạt động xã hội có ý nghĩa như ủng hộ người nghèo, hỗ trợ đồng bào ở những nơi bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lụt, giao lưu, trợ giúp những đối tượng yếu thế, người khuyết tật... với một mục tiêu duy nhất là Vì sự phát triển của cộng đồng.

Ông cho biết, từ  xúc cảm đó đã thôi thúc ông phải làm điều gì đó để có thể sẻ chia, giảm bớt khó khăn, giúp người khuyết tật có một cuộc sống hạnh phúc hơn, được quan tâm, tạo điều kiện, được thụ hưởng một cách công bằng từ những thành quả của quá trình phát triển đất nước. Và hơn thế nữa là những con người đó được tham gia, thỏa sức sáng tạo và cống hiến,.. .

Ý tưởng của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT sau đó đã được tập thể Lãnh đạo Bộ thống nhất, Bộ KH&ĐT đã đề ra chủ trương và quyết tâm thực hiện một số hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực, vừa nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, hưởng ứng các phong trào hướng tới cộng đồng, người dễ bị tổn thương, vừa khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa nhân ái, tốt đẹp của dân tộc ta trong toàn cơ quan, từ đó, lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong toàn xã hội.

Toàn cảnh buổi lễ 

Được biết, hiện cả nước hiện nay có khoảng 24 triệu người thuộc nhóm yếu thế của xã hội ở các nhóm khác nhau, trong đó có hơn 6 triệu người khuyết tật, riêng người mù và khiếm thị là khoảng 3 triệu người.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây thực sự là những con số đáng suy ngẫm, phải làm gì để đảm bảo sự phát triển bao trùm và bền vững giữa phát triển kinh tế với xã hội.

“Làm gì ở đây không chỉ đơn thuần là nhân lên những hành vi ứng xử nhân văn, sự tử tế giữa con người với con người, làm cho người khuyết tật tự tin hơn, có điều kiện sống tốt mà còn phải thiết kế và thực thi các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế và người khuyết tật.”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Phát biểu tại sự kiện, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã nhấn mạnh, chương trình không chỉ để công bố sáng kiến mà còn là một cuộc tổng kết về quá trình thực hiện các chính sách xã hội và đóng góp vào an sinh xã hội. Theo đó, Bộ KH&ĐT đã lựa chọn đối tượng là những người khuyết tật để giúp đỡ và chia sẻ.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội, hiện Việt Nam đang thực hiện cam kết phát triển bền vững. Theo đó, cần thực hiện 3 trụ cột về phát triển bền vững để không ai bị bỏ lại phía sau như Liên Hợp quốc đã khẳng định. 

Trong 3 trụ cột thì trụ cột thứ 2 là thực hiện bình đẳng xã hội, chăm lo những người yếu thế, phụ nữ, trẻ em, những người khuyết tật để thể hiện sự bình đẳng.

“Để bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau, chúng ta cần nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó, cần có những trái tim nhân hậu. Sáng kiến hôm nay chính là những trái tim nhân hậu, là tình yêu thương giữa những con người.!”- Phó chủ tịch Quốc hội nhận mạnh. 

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng bày tỏ hy vọng, những chương trình ý nghĩa như sáng kiến cây gậy trắng cho người mù của Bộ KH&ĐT sẽ lan tỏa rộng khắp, trở thành cầu nối giúp người yếu thế hòa nhập cộng đồng tự tin hơn, an toàn hơn, vì một xã hội nhân văn và ngày càng văn minh.

Ngay sau buổi Lễ , 14.720 cây gậy trắng sẽ được trao tặng cho người mù và Bộ KH&ĐT kỳ vọng chương trình sẽ tiếp tục được lan toả để số gậy sẽ được nhân lên tới 1 triệu cây hoặc có thể nhiều hơn nữa, đáp ứng được nhu cầu của tất cả những người khuyết tật…

Năm 1921, một người khiếm thị ở Anh phát hiện nếu sơn trắng cây gậy sẽ gây chú ý và dễ nhìn thấy hơn đối với những người lái xe, qua đó gia tăng độ an toàn cho người sử dụng gậy trên đường phố. Từ đó cây gậy trắng được xem như biểu tượng nhận dạng người khiếm thị, đồng thời là công cụ di chuyển hữu hiệu của họ. 

Năm 1931 tại Pháp, Guilly d’Herbemont đã phát động một phong trào gậy trắng quốc gia giành cho người mù. Ngày 7 tháng 2 năm 1931, Guilly d’Herbemont đã trao hai chiếc gậy trắng tượng trưng giành cho người mù trước sự có mặt của một số bộ trưởng Pháp. Hơn 5000 cây gậy trắng sau đó đã được gửi đến những cựu chiến binh Pháp mù từ Thế chiến thứ nhất và người dân thường mù. Từ đó tạo thành phong trào và thói quen sử dụng Gậy Trắng trong cộng đồng người mù ở Pháp và lan toả trên toàn thế giới.

Kể từ năm 1964, ngày 15-10 hằng năm chính thức trở thành Ngày an toàn của cây gậy trắng của nước Mỹ, sau này trở thành Ngày quốc tế cây gậy trắng được nhiều quốc gia công nhận.

Đọc thêm