Phạt hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới: Có chấm dứt được định kiến giới trong gia đình?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hệ tư tưởng trọng nam khinh nữ tuy chỉ là tàn dư của xã hội cũ để lại nhưng vẫn phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi gia đình người Việt. Để xóa bỏ dần những quan điểm lạc hậu đó, Đảng, Nhà nước ta coi việc bình đẳng giới là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước.
Bức ảnh đạt giải nhất cuộc thi ảnh “Những gia đình bình đẳng Việt Nam” do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp Bộ VHTTDL, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2017.
Bức ảnh đạt giải nhất cuộc thi ảnh “Những gia đình bình đẳng Việt Nam” do Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam phối hợp Bộ VHTTDL, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức năm 2017.

Chủ gia đình phải là nam giới?

Vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới ảnh hưởng đến sự phát triển của mỗi gia đình người Việt có thể thấy qua vụ việc của gia đình ông Nguyễn Quang T tại huyện Hương Hồ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vợ chồng ông T sinh được ba người con gái. Hai con lớn đã lấy chồng xa, ông và vợ sống cùng con út. Các con của ông T rất ngoan ngoãn, hiếu lễ với cha mẹ.

Tuy nhiên, ông T lại là con trưởng trong gia đình. Với vị trí của người con trưởng, ông T có “nghĩa vụ” nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Cũng vì những định kiến như vậy nên khi ông T không có con trai, người thân của ông T đã quay lưng, hắt hủi vợ chồng ông. Họ buộc ông cùng vợ con phải chuyển khỏi ngôi nhà xây dựng trên mảnh đất tổ tiên để lại, không cho ông làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đẩy vợ chồng ông T rơi vào hoàn cảnh không có chỗ nương thân. Cũng từ đây, mâu thuẫn gia đình ông T ngày càng kéo dài, tình nghĩa anh em, chú cháu, họ hàng nội tộc bị sứt mẻ chỉ vì quan niệm xưa cũ “có một thằng con trai đã là có, còn có mười đứa con gái cũng bằng không”.

Ở góc độ khác, theo một số chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến định kiến giới, bất bình đẳng giới dẫn tới bạo lực trên cơ sở giới xảy ra trong gia đình xuất phát từ suy nghĩ, quan niệm chấp nhận của phụ nữ. Nhiều phụ nữ có quan niệm sai lầm rằng, chồng, bạn trai có quyền được ra quyết định, thậm chí có quyền được… đánh vợ (!).

Số liệu thống kê Hội LHPN Việt Nam đưa ra năm 2020 cho thấy, 1/3 phụ nữ ở Việt Nam ủng hộ nam giới, chứ không phải phụ nữ, phải là người ra quyết định và là chủ gia đình. Phụ nữ ở khu vực nông thôn đồng tình với quan điểm này nhiều hơn hẳn so với phụ nữ ở thành thị. Tỷ lệ chung phụ nữ đồng tình với quan điểm này không thay đổi kể từ năm 2010, mặc dù nhóm phụ nữ trẻ hơn ít đồng tình với quan điểm này hơn.

Hơn một nửa phụ nữ được phỏng vấn (52%) đã đồng tình với ít nhất một lý do hoặc tình huống mà có thể chấp nhận việc chồng đánh vợ. Ví dụ việc người vợ “không chung thủy” (45%) hoặc “không chăm sóc con cái” (27%). Những quan điểm này được nhóm phụ nữ có trình độ học vấn thấp và phụ nữ sống ở khu vực nông thôn ủng hộ nhiều hơn so với nhóm phụ nữ sống ở khu vực thành thị…

Để pháp luật đi vào cuộc sống

Qua phân tích trên có thể thấy hiện nay hệ tư tưởng trọng nam khinh nữ tuy chỉ còn là tàn dư của xã hội cũ để lại, không còn nặng nề như trước nhưng vẫn phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển của của mỗi gia đình người Việt. Vì vậy, để xóa bỏ dần những quan điểm lạc hậu đó, Đảng, Nhà nước ta đang coi việc bình đẳng giới là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước. Chúng ta đã ban hành những văn bản luật quan trọng để khẳng định sự bình đẳng giữa nam và nữ như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới… Mới đây nhất, ngày 28/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 125/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới, có hiệu lực từ 1/1/2022, thay thế cho Nghị định số 55/2009/NĐ-CP ngày 10/6/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới.

Theo Vụ Bình đẳng giới, Bộ LĐ-TB&XH, Nghị định số 125 đã bổ sung quy định xử phạt đối với một số hành vi vi phạm về bình đẳng giới như: hành vi phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định; hành vi ép buộc hoặc nghiêm cấm người khác lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp vì định kiến giới; hành vi vận động, xúi giục, ép buộc hoặc cản trở người khác tham gia học tập, đến trường, lựa chọn môn học, ngành, nghề học tập, đào tạo vì lý do giới tính…

Dư luận xã hội rất đồng tình với những quy định cụ thể của Nghị định như phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi cản trở hoặc không cho thành viên trong gia đình thực hiện các hoạt động tạo ra thu nhập hoặc đáp ứng các nhu cầu khác của gia đình vì lý do giới tính; đối xử bất bình đẳng giữa các thành viên trong gia đình vì lý do giới tính. Có thể hiểu nếu người chồng ngăn cản không cho vợ đi làm vì lý do giới tính thì có thể bị phạt tới 5 triệu đồng; mặc nhiên coi việc vợ phải làm việc nhà, coi việc sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản là nghĩa vụ của vợ bị phạt từ 5-7 triệu đồng…

Có thể nói, Nhà nước Việt Nam đã ghi nhận sự bình quyền giữa nam và nữ và được ghi nhận bằng hình thức cao nhất là quy định trong các văn bản pháp luật. Tuy nhiên, để các chủ trương, chính sách và luật pháp đi vào cuộc sống, thực sự phát huy tác dụng cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đồng bộ, thống nhất và thực chất trong cả hệ thống chính trị. Thực tế cho thấy, vẫn còn có nơi, có lúc, bình đẳng giới vẫn còn thực hiện chưa triệt để hay còn qua loa, đại khái. Thậm chí, có nơi còn xem đây là việc của Hội phụ nữ hoặc bình đẳng giới chỉ nói về phụ nữ. Nếu như vậy, sẽ khó xóa bỏ được định kiến giới và con đường đi tới bình đẳng giới sẽ còn muôn vàn thử thách, khó khăn.

Đọc thêm