Theo Trung tâm Hội An, di tích Thanh Chiếm được phát hiện và đào thám sát vào tháng 7.1989 và đã phát hiện nhiều hiện vật của nền văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại cách ngày nay 2.500 đến 3.000 năm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tầng văn hóa của di tích tương đối dày, chứa các di vật liên quan đến việc sinh sống, cư trú của cư dân Sa Huỳnh, Chăm pa và các lớp cư dân Hội An thời Đại Việt như đồ gốm Sa Huỳnh, gốm Chăm, gốm sứ Trung Quốc, gốm sứ Hizen của Nhật Bản và gốm đất nung Thanh Hà - Hội An.
Nhằm mục đích nhận diện những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích khảo cổ Thanh Chiếm cũng như bổ sung hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hội An, trên cơ sở quyết định cấp phép của Bộ VHTTDL, vào tháng 8/2019, Trung tâm Hội An đã hợp tác với Trường đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Quảng Nam triển khai thăm dò, khai quật khảo cổ di tích Thanh Chiếm.
Sau hơn 3 tháng thăm dò, khai quật đã phát hiện 6 mộ chum và nhiều hiện vật tùy táng là đồ gốm gia dụng và minh khí, công cụ và vũ khí bằng sắt, đồ trang sức bằng đá; thủy tinh như khuyên tai hình vành khăn, hạt chuỗi mã não, thủy tinh, đá ngọc.
Kết quả đã xác định rõ hơn về quy mô và tính chất của di tích Thanh Chiếm, cung cấp thêm nhiều thông tin quý về táng tục của cư dân Sa Huỳnh nói chung và tại Hội An nói riêng, đồng thời bổ sung hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Hội An.
Hiện Trung tâm Hội An phối hợp với Trường Đại học KHXH&NV xử lý hiện vật khảo cổ di tích Thanh Chiếm, chỉnh lý thống kê phân loại, gắn ghép phục dựng, đo vẽ và đăng ký số ký hiệu hiện vật để lập hồ sơ khoa học và tiến tới trưng bày giới thiệu, phát huy giá trị của hiện vật thu thập được.
Từ năm 1994, TP Hội An đã thành lập Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh, hiện đang trưng bày bộ sưu tập gồm 946 hiện vật liên quan đến cư dân cổ thuộc hệ văn hóa Sa Huỳnh - cư dân được coi là chủ nhân của tiền cảng - thị sơ khai Hội An, từng có quan hệ, giao lưu với cả khu vực Đông Nam Á, Nam Ấn Độ và Trung Hoa.