Chủ nhân của chiếc một chiếc xe máy tình cờ phát hiện những bông hoa nhỏ li ti mọc trên xe của mình. Người này đã biết đây là loài hoa ưu đàm quý hiếm theo quan điểm Phật giáo.
Hoa nở... trên xe máy
Chiều 8/8, anh Võ Minh Nhật (SN 1985, quê Bình Định), hiện là nhân viên của một công ty máy tính trên đường Nguyễn Văn Linh (Đà Nẵng) thông tin về việc hoa ưu đàm mọc trên xe máy của mình.
Theo anh Nhật, vào sáng cùng ngày khi dắt xe đi làm, anh chưa phát hiện hoa mọc trên xe nhưng đến khoảng 14h, khi đang dắt xe để đi công việc thì anh phát hiện những đốm hoa li ti mọc trên phía trước của chắn nước bánh xe máy.
Những đốm trắng li li này được cho là loài hoa |
Những bông hoa mọc sát nhau thành một chùm với khoảng 20 bông có sợi màu trắng rất nhỏ, bông hoa bé như đầu cây kim cũng có màu trắng. Khi rọi ánh sáng vào, hoa phát quang và lấp lánh trông rất đẹp.
Anh Nhật cho biết, khi phát hiện ra những bông hoa này và trước đây có theo dõi báo chí nên biết được những bông hoa này có tên là “ưu đàm”. Từ khi phát hiện ra chùm hoa này, nhiều người trong công ty đổ xô ra xem, người dân khu vực đó cũng kéo đến xem rất đông.
Theo anh Nhật, anh rất bất ngờ với loài hoa huyền thoại “3 ngàn năm” mới nở này và nở ngay trên chiếc xe máy của mình. Mọi người cho rằng đây là điềm may với anh Nhật vì loài hoa này rất hiếm khi xuất hiện.
Trước đây, dư luận cũng đã từng xôn xao về một loài hoa được gọi tên “Ưu Đàm” nở trên chuông đồng ở đền Tràng Kênh (Hải Phòng) hay mọc trên cửa kính, thanh nhôm, song sắt cửa của gia đình ông Đinh Gò (ở thôn Diêm Điền, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên).
Ngay sau đó, lại có tin, gia đình Thạc sĩ Lê Văn Mậu (giáo viên môn sinh vật trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, TP Tuy Hòa, Phú Yên) phát hiện, trên lá cây sả trước nhà có một khóm hoa màu trắng li ti, giống hình dáng loài hoa nhà ông Đinh Gò.
Quan sát bằng mắt thường, thấy cây hoa có chiều cao khoảng 80 mm, hoa có hình chuông, màu trắng nhiều cánh, có nhị, thân mảnh như sợi tơ, được sắp xếp vươn theo hướng sáng, một số hoa nở ra có nhụy; quan sát bằng kính lúp có thể thấy có nhiều tính chất để khẳng định đây là một loài thực vật, hoa có hình dáng như những chiếc chuông nhỏ, phần thân hoa trong trắng như sợi tơ...
Sự thật về khái niệm Hoa ưu đàm
Tuy nhiên, trong từ điển Phật học Hán Việt ghi rõ hoa Ưu Đàm, tiếng Phạn là Udumbara, Trung Quốc dịch là Ô-đàm, gọi đầy đủ là Ưu-dam-bát-la, Ô-đàm-bạt-la, Ô-đàm-bát-la, Uất-đàm, Ưu-đàm-bát hoa, gọi tắt là Đàm hoa, dịch nghĩa là hoa Linh thụy (điềm lành linh thiêng), hoa Thụy ứng (hoa ứng hiện điềm lành), hoa Không khởi.
“Cây Ưu Đàm không thuộc loại hoa quả, mọc ở các nơi như núi Himalaya, cao nguyên Đê-can và nước Xây-lan… Thân cây cao hơn một trượng. Lá có hai thứ: một thứ phẳng trơn, một thứ thô nhám, cả hai thứ đều dài 3,33 cm, nhọn đầu.
Hoa lưỡng tính rất bé, mọc kín ở lõm sâu trong đài hoa nên thường nhầm là loại cây không hoa. Hoa xếp như nắm tay hoặc như ngón tay cái, thành chùm hơn chục đóa, ăn được nhưng vị không ngon”.
Hay tại cuốn sách Huyền Ứng Âm Nghĩa, quyển 21 mô tả về Ưu đàm: “Lá cây hoa này tựa như lá cây lê, quả to bằng nắm tay, vị ngọt, có hoa nhưng ít xuất hiện”.
Vậy đâu là loài hoa 3.000 năm nở 1 lần
Theo thầy Thích Minh Trí, Trụ trì chùa Phúc Lâm (Biên Hòa - Đồng Nai), đối với nhà Phật, thời gian nở của hoa Ưu Đàm là 3.000 năm/lần, mang ý nghĩa biểu tượng hơn là nghĩa thực của nó.
Theo Từ điển Phật học Nhật-Anh (Japanese - English Buddhist Dictionary, Daito Shuppansha, 1965), trong các kinh văn nhà Phật, hoa Ưu Đàm thường tượng trưng cho những gì hiếm có khác thường.
Trong khi đó website en.wikipedia.org ghi rõ Udumbara (cây Ưu Đàm), tên khoa học là Ficus racemosa (syn. Ficus glomerata Roxb.), thuộc họ Dâu tằm (Moraceae), thường được gọi là cây Cluster Fig hay cây Goolar (Gular) Fig, Việt Nam gọi là cây sung/cây vả, có nguồn gốc từ Úc, Đông Nam Á, và Ấn Độ.
Cũng theo website này, trong mục cây Ficus racemosa liên quan đến Phật giáo viết: “Cả cây, hoa và quả của sung đều được gọi là Udumbara (tiếng Phạn, tiếng Pali; tiếng Devanagari: उडुम्बर tức hoa đàm hay Ưu Đàm hoa) trong Phật giáo…”
“Từ những điều này đem so sánh tài liệu nhà Phật và thông tin trên báo chí về hoa “Ưu Đàm” được tìm thấy ở Hải Phòng, Phú Yên và một số nước trên thế giới trong thời gian qua, có thể khẳng định đây chỉ là một loài hoa lạ, không phải hoa Ưu Đàm”, thầy Thích Minh Trí nhìn nhận.
Nhật Thanh (tổng hợp)