Các nhà khảo cổ học đã làm rõ các đặc điểm chung của đàn tế giao phương Đông, làm rõ những nét đặc sắc riêng của đàn tế Việt Nam, khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc rất cao của vương triều Hồ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Chính điều này đã góp phần làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
[links()] Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thành nhà Hồ thuộc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Thanh Hóa vừa tổ chức cuộc họp công bố kết quả sơ bộ khai quật khảo cổ học tại bãi đá cổ An Tôn, cửa phía Nam Thành nhà Hồ và Đàn tế Nam Giao nhà Hồ.
|
Thành nhà Hồ vừa được công nhận là di sản văn hóa thế giới |
Trong thời gian qua, các nhà khảo cổ học khai quật khảo cổ trên 50% diện tích phía Bắc đàn tế Nam Giao. Mặt bằng tổng thể của di tích này đang dần lộ rõ năm tầng đàn và mặt bằng của đàn tế. Các tầng nền đàn được xây bó nền bằng đá; móng nền đàn được xây bằng đá phiến và đá phấn có màu đỏ son, màu vàng nhạt, độ dày hơn 1m. Tổng diện tích mặt bằng đàn tế khoảng 30.000m2; khối lượng đất đào đắp xây dựng nền đàn ước khoảng 30.000m3.
Trên mặt các nền đàn tế Nam Giao nhà Hồ, người xưa đã xây dựng rất nhiều loại cấu trúc khác nhau như: ba vòng tường đàn, 12 đoạn tường nhỏ, sân đàn, đường thần đạo, viên đàn (nơi tế trời), các nền đàn thờ đa thần, trai cung, giếng vua, thần khố (kho tàng), thần trù (nhà bếp), năm cổng lớn, 12 cổng nhỏ, 26 cống thoát nước.
Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Tống Trung Tín, vòng tường lớn nhất của đàn tế Nam Giao nhà Hồ là vòng tường ngoài cùng (gọi là tường T3) đã chia mặt bằng đàn tế làm hai phần: nội đàn và ngoại đàn. Ngoại đàn là phần phía ngoài vòng tường lớn T3 - nơi có sân đàn để đón đoàn tế lễ của hoàng đế, hoàng gia và triều đình, có các kiến trúc để cất trữ, hoặc chuẩn bị đồ tế lễ. Ngoại đàn gồm toàn bộ nền 5 và các dấu tích kiến trúc ở nền 4; khu vực này đã tìm thấy dấu tích thần đạo gồm năm làm đường khác nhau rộng 9,5m, dấu tích thần trù 9 gian,… và sân đá. Tại nội đàn, các nhà khảo cổ học phát hiện được nhiều chi tiết thú vị như: tại kiến trúc nền 4 có dấu tích quan trọng là cổng đàn, thần đạo, giếng vua, trai cung; khu vực này chưa khai quật hết.
Tại các kiến trúc nền 3, hiện còn dấu tích các tường đàn, cổng đàn, thần đạo, sân gạch; hai cụm kiến trúc đối xứng Đông- Tây, rất có thể đây là nơi chuẩn bị sắp xếp các đồ tế lễ trước khi đưa lên đàn tế chính thức.
Tại các kiến trúc của nền 2, là nơi có các kiến trúc quan trọng nhất của đàn tế, cũng là nơi hoàng đế tiến hành các nghi lễ tế Đàn Nam Giao, giao tiếp với thượng đế, thần linh, cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt; khẳng định tính chính danh của vương quyền, quốc gia, dân tộc của triều Hồ và vương triều Hồ. Kiến trúc nền đàn 1 - viên đàn nằm ở vị trí cao nhất của di tích đàn tế Nam Giao. Trên mặt nền 1 có dấu tích của viên đàn - hình tròn tượng trưng cho trời.
Ông Tống Trung Tín khẳng định, qua việc khai quật khảo cổ học tại di tích đàn tế Nam Giao nhà Hồ, kết hợp với đợt nghiên cứu bảo tồn cấp thiết năm 2012 đã làm rõ hầu hết cấu trúc mặt bằng tổng thể nửa phía Bắc của đàn tế. Qua đó, các nhà khảo cổ học đã làm rõ các đặc điểm chung của đàn tế giao phương Đông, làm rõ những nét đặc sắc riêng của đàn tế Việt Nam, khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc rất cao của vương triều Hồ cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Chính điều này đã góp phần làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ.
Hiện nay, một phần lớn các di tích xuất lộ tại đàn tế Nam Giao đã được bảo tồn nguyên trạng dưới lòng đất theo đúng thỏa thuận giữa UBND tỉnh Thanh Hóa với Bộ VHTT&DL.
Thành nhà Hồ - Niềm tự hào đất Việt Tối 16/6/2012, tại quần thể Khu di sản Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao tổ chức lễ đón bằng công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa Thế giới. Tại buổi lễ, ngài Eric Falt (trợ lý Tổng Giám đốc, phụ trách quan hệ đối ngoại và thông tin công) đại diện cho bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova đã trao bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ của UNESCO cho đại diện Ủy ban UNESCO Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. Ngài Eric Falt chúc mừng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự được nhận bằng công nhận Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ; đồng thời mong muốn tỉnh Thanh Hóa phát huy giá trị di sản văn hóa Thành nhà Hồ theo đúng cam kết với UNESCO. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Với việc UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Thành nhà Hồ từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại, đây là niềm vinh dự, là cơ hội để chúng ta giữ gìn, phát huy tốt hơn nữa giá trị của di sản; đồng thời đặt ra những yêu cầu hết sức nghiêm túc trong việc bảo tồn, phát huy theo Luật Di sản văn hóa Việt Nam và công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa thiên nhiên thế giới. Chúng ta cần nghiên cứu, làm rõ thêm các giá trị của công trình, hiện vật còn nằm trong lòng đất của di sản này; thực hiện tốt các cam kết với UNESCO về các biện pháp bảo tồn và phát huy di sản...”. |
Trọng Hùng – Hà Đồng