Vừa lên ngôi đã đương đầu giặc ngoại xâm
Trần Nhân Tông là con trai trưởng của Trần Thánh Tông, ông được truyền ngôi vào tháng 11/1278, năm ông chưa đầy 20 tuổi. Vừa lên ngôi, vị hoàng đế trẻ sớm phải đương đầu với hiểm họa xâm lược từ đế quốc Mông - Nguyên hùng mạnh ở phương Bắc.
Ngay sau khi ông đăng quang, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt cử Lễ bộ thượng thư Sài Thung sang Đại Việt, lấy cớ Nhân Tông “không xin mệnh mà tự lập” (nghĩa là tự xưng làm vua mà không chịu xin phép “thiên triều” Nguyên) để ép Vua Trần sang triều kiến. Trần Nhân Tông đã đối đãi tử tế với Sài Thung, nhưng kiên quyết không sang chầu.
Thung đành đi tay không về nước. Nhân Tông lại sai Trịnh Đình Toản và Đỗ Quốc Kế sang cống nạp nhà Nguyên. Tháng 12/1279, Hốt Tất Liệt giam cầm Đình Toản ở thành Đại Đô, rồi ép Quốc Kế đi cùng một phái bộ mới của Sài Thung sang dụ Đại Việt. Nhân Tông vẫn không nhân nhượng, mặc dù Thung đã dọa nạt rằng nếu không sang chầu, “thì hãy sửa sang thành trì của ngươi, để đợi sự phán xét”.
Đứng trước hiểm họa xâm lược từ Mông Cổ, Hoàng đế đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển kinh tế, đảm bảo sự ổn định và đoàn kết trong nước. Cụ thể, tháng 1 âm lịch năm 1280, ông ra lệnh hợp nhất hệ thống đo lường để thúc đẩy thương mại trên toàn quốc. Ngoài ra, ông khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất.
Nhờ vậy, Đại Việt đã “được mùa to, lúa ruộng ở hương Trà Kiều thuộc Khoái Lộ một giò hai bông” (theo Đại Việt Sử ký Toàn thư) vào tháng 10 âm lịch năm 1280. Mùa xuân năm 1284, Hoàng đế lại sai vét sông Tô Lịch nhằm biến sông này thành trục giao thông chính của kinh đô.
Trên phương diện chính trị -xã hội, Trần Nhân Tông cho điều tra và cập nhật dân số, đồng thời giải quyết nhanh các khiếu nại oan sai của người dân. Đại Việt Sử ký Toàn thư thuật lại, Chi hậu cục thủ Đỗ Khắc Chung có người em tên Đỗ Thiên Hư từng kiện cáo một người; dù Thiên Hư trái về cả tình lẫn lý nhưng viên quan xử án tỏ ra bênh vực.
Người bị kiện thấy Vua Trần Nhân Tông đang đi ngoài thành bèn đón và kêu oan. Nhà vua phán: “Đó là do sợ mà né tránh Khắc Chung đấy”, rồi cử ngay Chánh chưởng nội thư hỏa là Trần Hùng Thao kiêm chức Kiểm pháp quan để điều tra lại, cuối cùng Thiên Hư phải nhận sai. Sử quan nhà Hậu Lê Ngô Sĩ Liên có nhận định về việc làm của Vua Trần Nhân Tông.
Cũng trong năm 1280, thủ lĩnh người Ngưu Hống tại Đà Giang là Trịnh Giác Mật nổi dậy, Trần Nhân Tông sai Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đi thuyết phục phiến quân quy hàng. Trần Nhật Duật nhờ khéo ngoại giao và hiểu biết văn hóa dân bản địa đã thu phục được Giác Mật mà không phải giao chiến.
Chiêu Văn vương đưa cả nhà Giác Mật vào chầu Trần Nhân Tông. Nhà vua hết mực khen ngợi Nhật Duật, sau này tha Giác Mật và gia đình về Đà Giang. Từ đây, Ngưu Hống thần phục Đại Việt cho đến khi nổi dậy vào mùa đông năm 1329, thời Trần Hiến Tông.
|
Về giáo dục, năm 1281, Trần Nhân Tông dựng nhà học ở phủ Thiên Trường (đất phát tích của hoàng triều, nay thuộc Nam Định). Cũng từ đầu đời Vua Nhân Tông, chữ Quốc ngữ bắt đầu được sử dụng rộng rãi trong các tác phẩm thơ văn ở Đại Việt.
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, dưới trướng Nhân Tông có Hình bộ thượng thư Nguyễn Thuyên thạo thơ phú Quốc ngữ; năm 1282, khi có cá sấu tới sông Hồng, hoàng đế sai Nguyễn Thuyên làm văn tế cá sấu thả xuống sông. Sau này cá sấu bỏ đi, nhà vua cho là Nguyễn Thuyên có tài như Hàn Dũ, mới đổi gọi là Hàn Thuyên.
Không những đương đầu với người Mông Cổ, Trần Nhân Tông đã xây dựng mối quan hệ tích cực với nước Chiêm Thành ở phía Nam. Tháng 12/1282, ông đã gửi 2 vạn quân cùng 500 chiến thuyền sang hỗ trợ người Chiêm chặn đánh cánh quân Nguyên của Toa Đô. Nhưng trong các văn thư gửi cho người Nguyên, Trần Nhân Tông một mực phủ nhận hành động này.
Ông cũng cùng cha là Trần Thánh Tông mở hội nghị quân sự Bình Than năm 1282, phân công các tướng lĩnh đi đóng giữ những nơi hiểm yếu để chuẩn bị chống đỡ các mũi tiến công của địch. Năm 1284, ông lại cùng cha mở hội nghị Diên Hồng để cùng nhất trí trẻ già một lòng đánh địch. Chưa bao giờ tinh thần đánh giặc ở nước ta phát triển mạnh như dưới thời Vua Trần Nhân Tông. Cả nước sôi sục chuẩn bị, quân sĩ quyết không đội trời chung với địch.
Quả nhiên quân ta đã giành được những chiến thắng oanh liệt. Trận Bạch Đằng (9/4/1288) đại thắng đã đè bẹp ý đồ bành trướng của đế quốc Nguyên Mông, đế quốc cường bạo nhất hồi bấy giờ, đã chiến thắng từ Âu sáng Á, song không làm gì xoay chuyển nổi tình thế ở Việt Nam.
Chiến công này là của toàn dân, của những vị nguyên soái, đại tướng tài giỏi như Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão… Song công lao đầu tiên thuộc về hai cha con Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Trong cả hai lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông, hai ông đã trở thành ngọn cờ đoàn kết toàn dân, lãnh đạo nhân dân Đại Việt vượt qua bao gian khó để giành thắng lợi huy hoàng.
Trị vì anh minh
Sau hai cuộc kháng chiến chống Nguyên thắng lợi, Vua Trần Nhân Tông đã bắt tay vào việc tái thiết kinh tế, xã hội Đại Việt. Khoảng tháng 5/1288, ông xuống chiếu đại xá thiên hạ và cắt giảm thế má, sưu dịch cho dân chúng.
Đặc biệt, các vùng bị chiến tranh tàn phá đều được miễn thuế và sưu dịch hoàn toàn. Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, trong thời gian này Trần Nhân Tông đã hòa giải thành công sự bất hòa của một số quan viên trong triều.
Khoảng năm 1289–1290, sản xuất nông nghiệp bị đình trệ do sự chuyển biến thất thường của thời tiết. Năm 1289 có tình trạng “hạn từ tháng 6 mùa hạ đến tháng 10 mùa đông”, sau đó “mùa hạ, tháng 4, sông Tô Lịch chảy ngược (sông này hễ có mưa to thì nước rút, tràn và chảy ngược)” và đến tháng 9 âm lịch năm 1290, nạn đói xảy ra khiến nhiều người phải bán ruộng đất và bán cả con mình làm nô tỳ cho người khác. Trước tình hình này, Vua Nhân Tông chỉ thị phát chẩn thóc cho người dân và bãi bỏ thuế đinh.
|
Quần thể di tích Núi Yên Tử. |
Chính sách trị dân của ông đã giúp Đại Việt dần dần phục hồi sau những năm chiến tranh và đói kém. Năm 1293, khi sứ nhà Nguyên là Lương Tăng và Trần Phu sang Đại Việt đã chứng kiến một Đại Việt phồn vinh với những hình ảnh như “lúa mỗi năm gặt bốn lần, tuy vào mùa đông rét, mạ vẫn phơi phới”, hay “thôn xóm đều có chợ, mỗi hai ngày họp một lần, trăm món tạp hóa đều dồi dào” và “thuyền bè nước ngoài đều đến rất đông, buôn bán trên thuyền rất nhộn nhịp”.
Công nghiệp và thủ công nghiệp của Đại Việt cũng lớn mạnh tạo điều kiện cho triều đình tu bổ, xây mới toàn bộ những cầu, đường và cung điện đã bị đốt phá trong chiến tranh.
Khi đất nước sạch bóng quân thù, Trần Nhân Tông cũng đã chủ động đến việc khuyến khích trồng dâu nuôi tằm, chiêu mộ dân khai khẩn ruộng hoang, mở rộng các công trình thủy lợi, đạ xá cho thiên hạ. Nơi nào bị địch tàn phá thì tha sưu thuế, những nơi khác thì giảm thuế hoặc miễn theo thứ bậc khác nhau. Ông luôn nhắc nhở các quần thần phải biết thương dân. Có lần ông trực tiếp phân xử cho người dân đón đường thưa kiện, vạch rõ cái sai của quan lại cận thần.
Một nét đặc biệt đó là Trần Nhân Tông rất thích đi du lịch, ông thường tổ chức những chuyến đi gần xa để vừa trò chuyện, thuyết lý về những quan điểm triết học, tôn giáo của ông, vừa để thu thập thêm nhiều kiến văn trong hay ngoài nước.
Trần Nhân Tông nhường ngôi năm ông 35 tuổi. Sau 15 năm trị vì, Trần Nhân Tông đi tu trở thành thủy tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp danh Hương Vân Đại Đầu đà và tu hành theo thập nhị đầu-đà (mười hai điều khổ hạnh). Ông còn có đạo hiệu là Trúc lâm đại đầu đà hay Trúc Lâm đại sĩ.
Ông được xem là triết gia lớn của phật học. Lý thuyết của phái Trúc Lâm do ông khởi xướng là không kêu gọi tín đồ lìa bỏ cuộc sống trần tục, không ép xác khổ hạnh mà đề cao nhân nghĩa, giáo dục lòng nhân đạo, không phân biệt giàu sang, luôn luôn nhớ đến cội nguồn. Trần Nhân Tông qua đời năm 1308 tại am Ngọa Vân, trên núi Yên Tử (Đông Triều, Quảng Ninh).
(còn tiếp)