'Phát ngôn Sơn Trà' và chuyện khó tin, mà thật!

(PLO) - Ông Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có những ý kiến tâm huyết và thẳng thắn, đưa ra dữ kiện khoa học và cơ sở pháp lý  trong việc bảo vệ thiên nhiên, môi trường tại bán đảo Sơn Trà. Chỉ riêng cái văn bản kiến nghị được coi như “tâm thư” gửi Thủ tướng Chính phủ của ông đã có hàng ngàn người ủng hộ. Điều đó cho thấy có nhiều người dân Đà Nẵng và cả nước đồng lòng và đồng hành với ông.

Vì thế, dư luận tỏ ra bất ngờ và ngỡ ngàng trước một công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch yêu cầu ông kiểm điểm về “phát ngôn Sơn Trà” trong một cuộc tọa đàm khoa học mới đây. Văn bản này cho thấy một sự “cửa quyền”, áp dụng biện pháp quản lý lỗi thời “mệnh lệnh hành chính”, tiếp tục theo kiểu “cho phép” và “cấm” đối với các bài hát mà Bộ này từng áp dụng gần đây với một kết thúc “vô tiền khoáng hậu” và hạ màn bẽ bàng trước dư luận. Thế mà, sự ứng xử thiếu văn hóa đó của một cơ quan quản lý văn hóa lại tiếp diễn!

Thế nhưng, dư luận còn chưa kịp nổi giận trước hành vi ứng xử này thì lập tức, cái công văn “yêu cầu kiểm điểm” đó đã lại do chính người ký nó “yêu cầu thu hồi”. Lại thêm một sự hạ màn bẽ bàng nữa của ngành Văn hóa!

Tuy nhiên, có những mặt tốt của sự chết yểu rất nhanh một văn bản hành chính. Đó là, khi nhận ra sai lầm thì có những động thái khắc phục ngay, “xin rút lại những lời vừa nói” cũng là một sự ứng xử có văn hóa, biết tôn trọng dư luận.

Cái văn bản “xin rút” đó ra đời khi cái văn bản “bị rút’ còn đang trên đường tới tay “khổ chủ”, ban hành trong một ngày chủ nhật, báo chí vừa đăng cái công văn “yêu cầu kiểm điểm” thì sau 2 tiếng đăng tiếp cái văn bản “yêu cầu thu hồi”, quả là một sự kiện chưa từng có trong nền quản lý hành chính nước nhà. Mặt xấu của động thái này là để lại một dư âm khó chịu trong dư luận, không hiểu người ta quản lý hành chính kiểu gì!

Điều đáng nói nhất, để lại sự tệ hại nhất chính là cái văn bản “yêu cầu kiểm điểm” đối với một người không thuộc “cấp dưới” của mình, đối với một tổ chức không phải thuộc quyền mình quản lý. Đặc biệt, đó là thái độ “cả vú lấp miệng em” đối với những ý kiến không thuận tai mình, hòng dập tắt đi sự phản biện của dư luận xã hội. Muốn tạo ra sự đồng thuận thì đây là cách làm dở nhất, phi đạo lý nhất.

Chủ trương của Nhà nước ta là coi trọng những ý kiến phản biện, hơn nữa, đang mong muốn mở ra các cuộc đối thoại thẳng thắn về những vấn đề có chính kiến khác nhau. Vậy mà, Bộ Văn hóa lại cư xử như thế, rõ ràng đi ngược lại với những chủ trương tốt đẹp từ lãnh đạo đất nước, mong muốn sự đồng thuận xã hội qua tranh luận, phản biện, tìm ra sự thật, lẽ phải và sự công bằng!