Đó là ý kiến của giảng viên Tôn Nữ Thảo Lan Viên, Đại học công nghệ Sài Gòn, một người dành nhiều thời gian giảng dạy, nghiên cứu tâm lý cho học sinh tiểu học. Chị Lan Viên bày tỏ lo lắng rằng việc phạt tiền giáo viên khi đánh học sinh, hay xúc phạm nhân phẩm sẽ khiến cho giáo viên lâm vào thế khó khi đứng trên bục giảng.
“Giáo dục đúng nghĩa là làm cho người dạy lẫn người học trở nên hoàn thiện hơn. Tri thức được trao tặng không chỉ một chiều mà giáo viên cần hiểu rằng họ cũng được trao tặng từ học sinh.
Tôn trọng là tinh thần cốt lõi, nếu không có điều đó giữa học sinh và giáo viên sẽ rạn nứt, giáo dục vô nghĩa. Bởi con người đi học không chỉ có kiến thức mà còn học các mối quan hệ xã hội.
Khi quan hệ xã hội mà cụ thể là chuyện thầy trò, thầy phạt trò rồi thầy bị phạt bằng tiền thì học sinh nhìn vào sự kiện đó sẽ thấy sự lệch lạc”, nữ giảng viên lo lắng.
|
Giảng viên Tôn Nữ Thảo Lan Viên cho rằng xử phạt bằng tiền trong giáo dục sẽ gây nên sự lệch lạc. |
Người viết nhiều lần đi họp phu huynh cho con trai, cô chủ nhiệm lớp 1 là một người mực thước, hiền từ. Cô tâm sự, bây giờ "rất sợ phụ huynh". Chỉ cần ai đó quay clip cô giáo đang phạt học sinh là coi như sự nghiệp dạy học biết bao nhiêu năm đổ vỡ.
“Nhiều người họ không biết việc cô phạt hay hi hữu quát mắng học sinh thì cũng vì mong cho các em nề nếp, nhưng khi clip tung lên mạng thì nạn nhân là các thầy cô giáo. Nghề dạy học bây giờ quá nhiều áp lực lắm", cô giáo này giãi bày.
Cô giáo của con tôi và nhiều nhà giáo khác cho rằng, nếu Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục được thông qua, thầy cô biết học sinh hư, ngỗ ngược… có thể không dám "nói to", có thể thành yếu đuối...
Con trai đang phải ép ăn, ép học, ép cả đi ngủ..., tôi đồng cảm với tâm tư các thầy cô giáo. Những người được mệnh danh là mẹ thứ 2 của hàng chục, hàng trăm đứa con mỗi năm, hầu hết trong lứa tuổi "dở dở ương ương". Không ít trẻ nghịch ngợm đến mức tai quái, chẳng thế mà dân gian có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”... Hàng ngày đến lớp, họ chịu áp lực từ nghề, từ hiệu quả truyền dạy kiến thức, giáo dục đạo đức cho học sinh, áp lực thành tích nhà trường, rồi áp lực “cơm áo gạo tiền” cho gia đình... Họ sẽ phải làm thế nào để "không sợ trò" mà vẫn đưa học trò vào khuôn khổ trường lớp?.
Cuốn sách mà tôi rất thích và có ảnh hưởng tới giáo dục tới nhân loại là cuốn: Những tấm lòng cao cả của nhà văn Ý Edmondo De Amicis. Nó mở ra một thiên đường giáo dục mà ở đó tình thầy trò được kết nối đầy yêu thương.
Những người thầy ở truyện là những bậc thầy sư phạm khi tiếp nhận đủ tính cách học sinh từ ngoan, học giỏi đến ngỗ ngược, nhưng bằng sự thấu hiểu tâm lý học sinh, các thầy là tấm gương cao cả để học sinh tiến bộ, vun đắp keo sơn giữa tình thầy trò, cũng như tình yêu quê hương, đất nước.
Giáo dục là việc khó, nhất là khi mà giáo dục đang có nhiều biến chuyển khiến nhiều người lo âu. Vậy thì phải đặt trọng tâm vào người thầy, xây dựng cho người thầy một điểm tựa để họ an tâm truyền thụ kiến thức cho học sinh.
Làm sao để ngăn ngừa hiệu quả bạo lực học đường là một bài toán mà ngành giáo dục đang đau đầu tìm lời giải và sẽ phải giải quyết thấu đáo vì hình ảnh cao quý của người thầy. Tuy nhiên, nếu áp dụng hình thức phạt tiền, người thầy đến lớp với vẻ e dè, ám ảnh mức tiền phạt, liệu họ có đủ năng lượng say mê xây đắp ước mơ cho học sinh?.
Điều 32 Dự thảo Nghị định quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
Ngoài ra, nếu vi phạm, giáo viên còn buộc phải xin lỗi công khai học sinh hoặc bị đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng.
Dự thảo Nghị định này bắt đầu được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 28.9 đến 25.11, sau đó sẽ được ban hành chính thức.