Phát triển các điểm đến, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch mang thương hiệu Việt

(PLVN) - Ngày 27/9,  Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Hà Nội do bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Cuộc vận động TP làm Trưởng đoàn đến kiểm tra việc triển khai thực hiện cuộc vận động tại Sở Du lịch Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' tại Sở Du lịch Hà Nội.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì kiểm tra việc triển khai thực hiện Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' tại Sở Du lịch Hà Nội.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, năm 2023, thực hiện Kế hoạch số 337/KH-BCĐCVĐTP của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội về việc triển khai chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2023, Sở Du lịch đã tuyên truyền, phổ biến thông tin đến các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch để tham gia Chương trình. Hiện nay, Ban tổ chức đang tổ chức chấm điểm các sản phẩm tham gia chương trình.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đẩy mạnh thực hiện các mô hình điển hình trong thực hiện Cuộc vận động nhằm tăng cường, đổi mới nội dung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đặc biệt là trên nền tảng mạng Internet, mạng xã hội, các hội chợ, sự kiện xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát huy vai trò của các chủ thể kinh doanh dịch vụ du lịch, như: điểm đến, đơn vị lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, quảng bá sản phẩm chất lượng, giá cả công khai, phù hợp tới đông đảo người tiêu dùng. Khuyến khích các đơn vị xây dựng sản phẩm trải nghiệm mới, đặc sắc, nâng cao tính cạnh tranh, đặc biệt quan tâm phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn gắn với chương trình nông thôn mới, nhất là các sản phẩm OCOP 4 sao trở lên của nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm đến du lịch.

Đáng chú ý, Sở Du lịch đã chủ động tham mưu, phối hợp cùng các cấp, các ngành, các doanh nghiệp triển khai hiệu quả, phù hợp với tình hình mới trong các hoạt động của ngành. Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam đã nhận thức sâu sắc mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động và thúc đẩy hoạt động du lịch tới các điểm đến ở Hà Nội, ưu tiên mua sắm hàng sản xuất trong nước, quà lưu niệm, đặc sản địa phương của Hà Nội trong chuyến đi.

Bên cạnh đó, Sở đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp bao gồm: phát triển các điểm đến, xây dựng các tour, nhóm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, tổ chức đa dạng các hoạt động du lịch sôi nổi, hấp dẫn thu hút được sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Các hoạt động tuyên truyền quảng bá đã giới thiệu được nhiều điểm đến hấp dẫn cho du khách.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho biết, thời gian qua, du lịch Hà Nội đã có những bước chuyển biến tích cực, đóng góp rõ nét vào nền kinh tế Thủ đô. Đồng chí đánh giá cao ngành đã có nhiều chuyển biến ở nhiều lĩnh vực, tổ chức các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch, có nhiều hoạt động hấp dẫn và được nhiều bình chọn, giải thưởng du lịch quốc tế. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương cho rằng Sở cần bám sát vào hai Nghị quyết của Thành phố về phát triển du lịch, đây là cơ hội, cú hích cho du lịch Thủ đô phát triển hơn. Do đó, phải nắm bắt cơ hội để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào nền kinh tế của Thành phố, phát triển một cách bền vững.

Thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương đề nghị Sở Du lịch tiếp tục làm tốt công tác thông tin, truyền thông về phát triển du lịch tương xứng vị trí tiềm năng của Hà Nội. Đồng thời, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được chỉ ra trong hai Nghị quyết của Thành ủy, khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay để xây dựng và hoàn thiện sản phẩm du lịch, du lịch văn hóa, làng nghề, sinh thái, ẩm thực hướng đến sản phẩm hoàn chỉnh, độc đáo, có tính chuyên nghiệp cao.

Cùng với đó, Sở nghiên cứu tổ chức được các sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế trên cơ sở quan tâm, đầu tư và nâng tầm các sự kiện sẵn có gắn với tên gọi mang bản sắc riêng của Thủ đô. Ngoài ra, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài để cùng hướng về mục tiêu phát triển du lịch Thủ đô; tham mưu Thành phố triển khai những chương trình xúc tiến đầu tư thương mại, hạ tầng kỹ thuật du lịch và kết hợp chặt chẽ với các các doanh nghiệp, hiệp hội gắn với các chương trình lớn của Thành phố.

Đọc thêm