Bộ LĐTB&XH yêu cầu các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt, các địa phương có trách nhiệm xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em.
Đối với những vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, được xã hội, cộng đồng dân cư quan tâm, Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, xử lý các vấn đề. Các địa phương phải chủ động thông tin, báo cáo cho Bộ LĐTB&XH, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ trẻ em để được hướng dẫn giải quyết; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất, nổi cộm, phức tạp để phối hợp, hỗ trợ giải quyết.
Bộ LĐTB&XH đề nghị các địa phương kiện toàn hoặc thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như trung tâm công tác xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh hoặc cấp huyện, phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học.
Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em...