Giá trị nông sản chưa ngang tầm
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích trồng cây ăn trái ở ÐBSCL có trên 362.000ha, chiếm 70% sản lượng trái cây cả nước. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu rau quả của DN cả nước đạt 3,36 tỉ USD, với các thị trường lớn chủ lực như: Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc…
Thống kê của ngành Nông nghiệp, quý I-2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả nước đạt 944 triệu USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số này có sự đóng góp rất lớn của ngành trái cây vùng ÐBSCL. Nhiều loại trái cây đặc sản của ÐBSCL đã có sự tăng trưởng về sản lượng trong các tháng đầu năm nay.
Cụ thể, sản lượng một số loại cây ăn trái ở ÐBSCL tăng, gồm: bưởi đạt 143.300 tấn, tăng 2,4%; thanh long 326.300 tấn, tăng 4,3%; xoài đạt 236.700 tấn, tăng 1,3%; dứa 134.300 tấn, tăng 7%; chuối 653.400 tấn, tăng 2,5%... so với cùng kỳ năm 2020.
Hiện Việt Nam xếp thứ 17 về xuất khẩu nông lâm thủy sản trên thế giới: kim ngạch năm 2020 đạt 41,2 tỷ USD tuy nhiên mới chiếm 1,95% giá trị nhập khẩu nông lâm thủy sản của thế giới, chính vì vậy, thị trường thế giới với 7,8 tỷ người (số liệu 9/2020) với nhu cầu tiêu thụ nông lâm thủy sản rất lớn, sẽ còn nhiều dư địa để Việt Nam phát triển.
|
Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế VN 2020 tại Cần Thơ với chủ đê Ứng dụng Khoa học – Công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. |
Tuy nhiên, nông sản ÐBSCL vẫn chưa thể tạo ra giá trị lớn, còn nhiều điểm nghẽn chưa được khơi thông như chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch. Nhiều loại nông sản tiêu thụ chủ yếu ở dạng tươi thô hoặc chưa qua chế biến sâu nên tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lớn và chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng…
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, nguồn cung sản lượng nông nghiệp của nước ta hàng năm khoảng 48,63 triệu tấn lúa ngô; 26,8 triệu tấn rau quả; 4,58 triệu tấn cây công nghiệp lâu năm; sản phẩm chăn nuôi có 6,5 triệu tấn thịt, sữa và 13,8 tỷ trứng; 8,4 triệu tấn thủy sản; 20,5 triệum3 gỗ và lâm sản.
Cả nước có trên 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Tuy nhiên, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, trình độ quản lý chất lượng sản phẩm còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tổn thất sau thu hoạch còn lớn, dao động từ 10 - 25%, phương pháp bảo quản còn đơn giản, lạc hậu.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng, trong những năm qua sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL và nước ta nói chung phát triển vượt bật. Nhiều ngành hàng như lúa gạo, thủy sản, cà phê ... đã nằm trong nhóm các nước dẫn đầu về giá trị xuất khẩu. Dù đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng có thể nhìn nhận nhiều tiềm năng của ngành nông nghiệp chưa được khai thác hiệu quả, tiêu thụ nông sản của nông dân còn nhiều khó khăn.
“Công nghiệp chế biến, chế biến sâu, công nghiệp bảo quản của nhiều ngành hàng chưa được quan tâm và phát triển. Nhiều loại nông sản như rau quả của nước ta chỉ tiêu thụ dạng tươi nên tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch tương đối cao, tỉ lệ gia tăng của sản phẩm chế biến còn thấp... Do đó, việc tìm ra các giải pháp nâng cao công nghệ chế biến, thúc đẩy phát triển thị trường nông sản là vấn đề quan trọng cần giải quyết”, ông Trường nhấn mạnh.
|
Chế biến nông sản giúp giải quyết bài toán nâng cao giá trị gia tăng. |
Nông sản chế biến sẽ giúp giải được “bài toán khó”
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hiện nay nông sản trong nước có 20 - 30% thông qua chế biến xuất khẩu. Trong khi đó Đài Loan họ có gần 80% nông sản thông qua chế biến mới bán ra thị trường. So sánh hai con số nói trên giữa hai nước, từ đó ngành nông nghiệp chúng ta phải có phương án chủ động nông sản qua chế biến tạo ra giá trị gia tăng, giải bài toán cung vượt cầu, giảm áp lực cho nông dân thường gặp cảnh trúng mùa rớt giá.
Chính những sản phẩm chế biến sẽ khắc phục tình trạng nông sản nước ta được mùa mất giá. Khả năng chế biến nông sản trong nước rất lớn. Vấn đề là Nhà nước và doanh nghiệp bắt tay kết nối mở rộng thị trường, cùng nghiên cứu khoa học công nghệ chế biến và bảo quản sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản.
Chế biến là tạo ra giá trị gia tăng, nhưng nếu nghĩ đơn thuần chế biến chỉ để xuất khẩu là phiến diện, bởi nhu cầu tiêu thụ nông sản của 100 triệu dân trong nước là khá lớn. “Sản phẩm chế biến giải quyết được hai việc đó, một là bớt cung đi, thay vì bán cả vườn thì chúng ta bớt lại sản phẩm đó. Nguyên tắc giá cả là thể hiện sự khan hiếm của hàng hóa, ít thì giá tăng, nhiều thì giá giảm, đó là bàn tay vô hình của thị trường sẽ điều chỉnh câu chuyện đó. Thành ra câu chuyện không chỉ giúp tạo ra giá trị gia tăng cho một ngành hàng nông sản, mà chúng ta giúp phát triển các ngành nông sản đi vào quy luật chuỗi giá trị”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng: “Việc tăng khả năng chế biến cho nông sản Việt Nam là rất cần thiết. Ðể làm được điều này, trước hết phải phát triển vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng và chú trọng sản xuất ra sản phẩm chất lượng cao để đưa vào chế biến. Ðồng thời, tăng cường ứng dụng các máy móc và công nghệ mới.
Hiện nay, nước ta đã có nhiều nhà máy chế biến nông sản nhưng số lượng nhà máy ứng dụng các công nghệ cao còn hạn chế, với khoảng hơn 50 nhà máy và công suất khoảng 1,2 triệu tấn/năm. Gần đây, có một số nhà máy lớn hiện đại, với công suất lớn được đầu tư phát triển như: nhà máy của Tập đoàn TH, nhà máy của Công ty Lavifood… Ðây là tín hiệu tích cực và cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển các nhà máy như vậy mới có thể chế biến và tiêu thụ hết các sản phẩm của người dân”.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoàng Cung - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch Ðại Thuận Thiên, TP Cần Thơ, cho biết: “Bảo quản trái cây là điều cần thiết trong chu trình sản xuất, canh tác. Khi đã là doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, nhất là doanh nghiệp quy mô lớn thì bắt buộc phải đầu tư bảo quản trái cây. Nếu không, thiệt hại sẽ cao hơn và cộng vào giá thành sẽ làm doanh nghiệp mất đi lợi thế cạnh tranh.
Tùy loại cây trồng, mà tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao hay thấp, có thể 2% và có thể 80%. “Ví dụ trái xoài xuất khẩu, không thể đi lênh đênh trên biển 30-35 ngày qua Mỹ, Canada… mà không có bảo quản thì chỉ 3-5 ngày, trái xoài sẽ hư. Nhất là rủi ro về thời tiết và dịch Covid-19 như hiện nay, sản phẩm có thể phải lưu kho. Nên cần có bảo quản tốt”, ông Cung nói.