Homestay đang kéo nhiều du khách dừng chân đến gần cánh cửa tâm thức xanh riêng có của A Lưới. Từ đây một số đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt người phụ nữ có cơ hội thay đổi trong phát triển sinh kế trên chính vẻ đẹp giàu bản sắc làng bản ấy.
Khám phá quyến rũ làng bên thác
Vượt qua những ngọn đèo quanh co chúng tôi từ phố ngược lên ngàn 70 km ngang qua đỉnh đồi thông Cội Nguồn thị trấn có hai chữ “A Lưới” lớn như vẫy chào. Đầu hè, hoa sim, mua khoác lên chân đồi “tùng váy” tím xòe nở nghịch đùa với nắng gió vùng cao quyến rũ người đam mê “xê dịch” trải nghiệm. Đi tiếp chừng 3km đã đến làng du lịch văn hóa cộng đồng A Nôr - Việt Tiến (xã Hồng Kim) cạnh bên thác A Nôr tựa làn mây trắng chảy tràn chốn hạ giới.
Khách lẻ chỉ cần gõ từ khóa homestay A Lưới trên mạng xã hội hay khách tour thông qua công ty lữ hành có thể dễ dàng đặt chỗ lưu trú thú vị cho chuyến du lịch miền sơn cước. Một trong những địa chỉ đáng ghi nhớ là ngôi làng nhỏ A Nôr - Việt Tiến có khoảng 6 homestay. Làng được dòng họ Kêr Pa Cô chọn làm nơi an cư lạc nghiệp của dòng tộc từ xa xưa có tên gọi là PaNon – A Nôr.
Môi mỉm cười, nhanh nhẹn và tháo vát, chị Hồ Thị Sâm (35 tuổi), người “quản gia” đồng bào Pa Cô của homestay Anôr House được chủ báo có khách đến nhận phòng liền ra mở cổng. Chị niềm nở đón chúng tôi đến với căn nhà sàn gỗ tựa lưng vào chân đồi. Căn nhà có những phòng thoáng đãng ngập tràn ánh sáng, có hiên trà, hố lửa được bao quanh bởi một khu vườn xanh ngát mơ mộng điểm tô các loại hoa: hồng, dã quỳ, anh đào… Phía trước căn nhà là một dòng suối mát chảy rì rầm. Chị Sâm sửa soạn căn phòng sạch sẽ, trải ga, thay gối mọi thứ ngăn nắp cho chúng tôi ở lại.
|
“Chiều nay thực đơn có nấu xôi nếp than, thịt nướng, rau sắn xào, khoảng 6 giờ rưỡi tối dùng bữa để các em đi chơi về đồ ăn còn nóng hổi”, chị Sâm giới thiệu ẩm thực độc đáo của người Pa Cô không quên hỏi, quan tâm vài điều nhỏ nhặt để chúng tôi thoải mái nhất. Buổi chiều, khi mặt trời chếch về phía Tây trôi xuống dần sau rặng núi Trường Sơn hùng vĩ, trời mát rượi, chị Sâm nhóm lửa hướng dẫn cho khách nướng thịt heo bản với gia vị của đồng bào Pa Cô… Ánh lửa bập bùng cũng là khi khách và người bản địa bắt đầu bén chuyện.
Trời nghiêng đêm, từ dưới con dốc của làng tại homestay Nhuận Thoa tiếng khèn, tiếng thanh la, tiếng chiêng bắt đầu nổi lên … Chị Sâm xúng xính mặc chiếc váy thổ cẩm dệt từ vải dèzng, tươi như một đóa đỗ quyên rừng vội vã hòa vào đoàn dân ca dân vũ của tổ dịch vụ làng Anor – Việt Tiến. Nghe một người phụ nữ đồng bào Pa Cô vốn chỉ biết làm nương, làm rẫy, làm thuê những công việc đốn củi, bóc keo… nay bận rộn làm kinh tế về đêm, chúng tôi không khỏi thích thú, tò mò đi theo.
Phụ nữ Pa Cô làm dịch vụ phát triển sinh kế
Anh Nguyễn Ngọc An, hướng dẫn viên thuộc công ty Connect Travel khoe với chúng tôi về chương trình du lịch cộng đồng, khám phá trải nghiệm văn hóa đồng bào Pa Cô tại A Lưới mới mở trong tháng 4. Anh đưa đoàn tham quan và tắm suối tại thác A Nôr với ba dãy thác liên hoàn tuyệt đẹp, trải nghiệm gội đầu, xông răng bằng thảo dược bí truyền của người Pa Cô.
|
Du khách khám phá văn hóa bản địa qua các ngành nghề thủ công truyền thống. |
“Chúng tôi đi tour hai ngày một đêm. Tối nay trở về bên Homestay, đoàn hơn 10 người nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống thường nhật của đồng bào Pa Cô. Các làng nghề truyền thống: Đan lát, làm chổi đót cùng trải nghiệm làm món bánh A Quát (còn gọi là bánh sừng trâu, bánh tình yêu). Ăn tối với ẩm thực truyền thống rất thú vị thực sự làm tôi ấn tượng”, chị Nguyễn Thị Tâm, một khách du lịch từ Đà Nẵng cho biết.
Dưới ánh bửa, bập bùng điệu múa Ra Zooc rộn ràng, hòa theo tiếng trống chiêng, khèn bè, điệu Câr Lơi ấm áp tinh người. Tiếng hát của người con gái Pa Cô hòa ca trong những tiếng cười tinh khôi giúp du khách trôi đi muộn phiền mang đến trải nghiệm văn hóa độc đáo … như lạc trong chương trình âm vang đại ngàn của cao nguyên Đắc Lắk, Gia Lai.
“Ban đầu, chúng tôi mới gặp khách rất muốn trò chuyện nhưng không biết phải nói như thế nào, sợ mình nói mà khách không hiểu. Nhưng bây giờ chúng tôi gặp khách chủ động hỏi khách muốn gì để phục vụ, những lúng túng hồi đầu cũng dần thay bằng sự thân thiện…”, bà Hồ Thị Kê, đội dịch vụ làng Việt Tiến nói về những bỡ ngỡ ban đầu.
Bà Hồ Thị Kê chia sẻ, đi vác keo, bóc keo cũng được 120.000 – 180.000 VNĐ/ngày nhưng khi chúng tôi làm dịch vụ đón khách, hướng dẫn khách nấu ăn, trải nệm, phục vụ ẩm thực truyền thống… chúng tôi cảm thấy trong công việc như làm việc nhà còn được giải trí, chỉ vất vả khi khách đông phải đi lại nhiều nhưng được làm việc mình thích nên rất vui.
“Tôi mua được điện thoại thông minh, sắm tủ lạnh, tiền học cho con … cũng nhờ một phần có thêm công việc phục vụ du khách”, chị Hồ Thị Sâm nói.
Tổ dịch vụ làng A Nôr - Việt Tiến hiện có 10 phụ nữ từ 18 – 42 tuổi, một già làng 103 tuổi. Các chị đã tập luyện dân vũ với nhau, được dự án Trường Sơn Xanh tập huấn về cách thức tiếp đón khách, trang trí món ăn của đồng bào. Hoạt động từ năm 2018, tổ dịch vụ đã có nhiều cải tiến từ chỗ chỉ đón khách tới các homestay đến việc phục vụ ăn uống, nay có thêm dân ca dân vũ, gội đầu, xông răng…
|
Đêm dân ca dân vũ tại homestay Nhuận Thoa, làng Việt Tiến, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. |
“Nếu như chỉ tham gia hoạt động văn nghệ, múa hát dân ca dân vũ mỗi người sẽ nhận được 50.000 – 100.000 VNĐ/lượt, được thêm 100.000 – 200.000/ ngày nếu phục vụ khách tại homestay, ăn uống. Chị Lê Thị Nhuận Thoa - chủ homestay Nhuận Thoa vừa chia tiền công cho chị em trong tổ dịch vụ vừa cho biết.
“Tôi rất muốn có một số vốn nhỏ để từ kinh nghiệm phục vụ homestay tôi có thể tự mở một homestay của riêng mình để đón khách. Sắp tới, có lẽ tôi sẽ mở dịch vụ nấu ăn phục vụ khách để dần góp tiền sửa lại căn nhà mà tôi mong muốn sẽ làm homestay. Những người phụ nữ chưa bao giờ đi qua nương rẫy làng ấy nay đang nhìn xa hơn từ những bước đi nhỏ trong nghề dịch vụ.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh A Lưới đang có những đột phá trong phát triển du lịch khi gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số. Các điểm du lịch, homestay, làng văn hóa du lịch cộng đồng, chuỗi nhà hàng ở làng A Nôr (xã Hồng Kim), A Huơr – Pa E (xã Quảng Nhâm); A Ka (xã A Roàng); suối A Lin, thác A Nôr, suối Pâr le … đang mang đến cho phụ nữ miền sơn cước vốn sống dựa vào rừng nhiều cơ hội thay đổi và phát triển sinh kế bền vững.