Phí cao, thủ tục rườm rà, người dân “ngại” sang tên xe

Những ngày qua, dư luận ồn ào chuyện ra đường nếu không đi xe chính chủ sẽ bị phạt nặng. Người tham gia giao thông cũng hoang mang vì bản thân mình đang sử dụng những chiếc xe mang tên người khác. Tuy nhiên, một nghịch lý là lo ngại như vậy nhưng lượng người đến đăng ký làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lại không tăng đáng kể…

Những ngày qua, dư luận ồn ào chuyện ra đường nếu không đi xe chính chủ sẽ bị phạt nặng. Người tham gia giao thông cũng hoang mang vì bản thân mình đang sử dụng những chiếc xe mang tên người khác. Tuy nhiên, một nghịch lý là lo ngại như vậy nhưng lượng người đến đăng ký làm thủ tục chuyển quyền sở hữu lại không tăng đáng kể…

Mức phí quá cao đồng nghĩa với các giao dịch ngầm, mua bán trao tay ngày càng phổ biến
Mức phí quá cao đồng nghĩa với các giao dịch ngầm, mua bán trao tay ngày càng phổ biến

Ra đường là sợ… cảnh sát giao thông

Chị Nguyễn Thị Thư, nhà ở Thượng Mỗ, Đan Phượng, Hà Nội có chiếc xe máy cũ dùng để đi làm nhưng mấy hôm nay chị phải chuyển sang đi xe đạp, vì sợ… mấy anh cảnh sát giao thông ở đầu ngõ. Số là chiếc xe máy chị dùng là của người anh trai. Anh này sau khi “lên đời” chiếc xe SH mới đã cho luôn cô em út chiếc xe cũ.

Chiếc xe đã qua ba, bốn lần đổi chủ nên anh cũng chẳng biết người đứng tên trên giấy đăng ký giờ ở đâu. Thế nên, khi cô em chuyển sang xe đạp đi làm, dù muốn làm thủ tục sang tên nhưng anh trai chị Thư cũng đành chịu.

Có thể nói, tình trạng đi xe không chính chủ rất phổ biến, ước tính có đến khoảng 40% người tham gia giao thông, mà chủ yếu tình trạng không sang tên đổi chủ rơi vào xe máy - loại phương tiện nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc lưu hành xe không chính chủ cũng là chuyện hết sức bình thường, thậm chí khi người tham gia giao thông mắc lỗi, bị cảnh sát giao thông tuýt còi thì lỗi không chính chủ thường được bỏ qua.

Còn kể từ ngày 10/11/2012 (khi Nghị định 71/CP sửa đổi Nghị định 34/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) có hiệu lực thì việc phạt đi xe không chính chủ ở mức rất cao đã làm cho dư luận đặc biệt quan tâm. Những người có xe không chính chủ thì ra đường cũng cảm thấy lo lắng. Nhưng nghịch lý là lo như vậy, vậy mà không nhiều người đến cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Phí cao, giao dịch ngầm để trốn thuế

Theo Thông tư 124 ngày 31/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ thì lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe máy là 2%, từ lần thứ 2 trở đi là 1%.  Như vậy, nếu sang tên lần đầu một chiếc xe máy có giá trị 30 triệu thì phí người mua xe cũ phải đóng là 600 ngàn đồng, nếu là lần thứ 2 trở đi sẽ là 300 ngàn..

Còn đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe), bao gồm cả trường hợp ôtô bán tải vừa chở người, vừa chở hàng, lệ phí trước bạ theo tỷ lệ từ 10% đến 20%. Và để sang tên một chiếc ôtô cũ, người mua sẽ phải nộp phí trước bạ tương đương 10 đến 15% giá trị còn lại của chiếc xe, mức áp dụng tùy từng địa phương. Ngoài ra, người mua sẽ chịu thêm phí cấp lại giấy đăng ký xe, phí cấp biển mới nếu biển số cũ là biển 4 số. Mức thu nói trên khiến nhiều người không muốn sang tên, đổi chủ, đặc biệt đối với những loại xe đã trao tay nhiều lần và còn ít giá trị sử dụng.

Mức phí quá cao đồng nghĩa với các giao dịch ngầm, mua bán trao tay ngày càng phổ biến. Để hợp thức hóa tài sản là của mình mà không phải tiến hành sang tên ở cơ quan có thẩm quyền, nhiều người lựa chọn hình thức ủy quyền tại các tổ chức hành nghề công chứng. Và thay vì phải nộp hàng chục triệu đồng (đối với ô tô), hàng triệu đồng (đối với xe máy) cho Nhà nước thì họ chỉ mất vài trăm ngàn đồng lệ phí công chứng. Tất nhiên nếu người dân chọn hình thức công chứng, ngân sách Nhà nước sẽ thâm hụt vì không thể thu thuế đối với các hợp đồng chuyển nhượng này.

Nhiều trường hợp bế tắc vì thủ tục

Cùng với vấn đề phí trước bạ quá cao, thủ tục sang tên đổi chủ cũng là cả vấn đề khiến người dân rất e ngại. Hiện nay, thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu xe đã được hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 36/2010/TT-BCA của Bộ Công an. Theo đó, người dân sau khi mua, bán, cho, tặng phương tiện trong vòng 30 ngày phải đến cơ quan đăng ký, làm thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu.

Khi thực hiện thủ tục sang tên, chuyển quyền sở hữu, chủ xe cần có những giấy tờ  giấy khai đăng ký xe, chứng từ chuyển nhượng quyền sở hữu theo quy định, chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định... Đăng ký sang tên thì giữ nguyên biển số cũ (trừ biển loại 3 số hoặc 4 số thì cấp đổi sang biển 5 số theo quy định) và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ xe mới.

Tuy nhiên, khó khăn là đối với các trường hợp giấy đăng ký xe bị thất lạc hoặc các trường hợp mua bán nhưng không có giấy tờ chuyển nhượng; các trường hợp xe đã nhiều lần đổi chủ mà không biết chủ xe lần đầu ở đâu, hoặc đã mất… Các trường hợp này có thể nói là bế tắc không giải quyết được. Ngược lại, kể cả trong trường hợp người dân có thiện chí tìm đến người đứng tên trên giấy tờ xe thì cũng không phải dễ dàng nên nhiều người có tâm lý buông xuôi, chưa sang tên thì cũng không đến nỗi ‘cháy nhà, chết người”. Đó là chưa kể những trường hợp mua xe ở tỉnh này rồi bán ở tỉnh khác thì phải xuất trình thêm một số giấy tờ khiến người dân cảm thấy phiền toái.

Vấn đề này, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) - cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện theo đúng quy định của pháp luật, Bộ Công an sẽ tiến hành rà soát các quy định hiện hành để đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi quyền sở hữu phương tiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính này.

Liên quan đến mức phí trước bạ, cũng theo Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Bộ Công an và Bộ Tài chính đã phối hợp trong việc rà soát, xem xét để điều chỉnh các quy định hiện hành cho phù hợp.

Tâm lý người dân nói chung không ai không muốn tài sản do mình sử dụng lại mang tên người khác. Còn về phía cơ quan nhà nước cũng luôn khuyến khích người dân sang tên, đổi chủ để dễ bề cho công tác quản lý cũng như tránh thất thu thuế.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề về phí trước bạ cao và thủ tục hành chính rườm rà, nên người dân vẫn còn ngần ngại khi làm thủ tục sang tên. Nếu tháo gỡ được các vấn đề này kết hợp với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân thì chắc chắn sẽ tìm được tiếng nói chung.

Bình An

Đọc thêm