Phía sau những người mẹ… không tên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không phải người phụ nữ nào cũng may mắn được tự nhiên phú cho thiên chức làm mẹ. Có những đứa trẻ phải mượn bụng người mẹ khác mà sinh ra, bởi sự khiếm khuyết của người muốn làm mẹ. Để đứa trẻ ấy ra đời, có những người mẹ nuốt nước mắt vào trong.
Phía sau những người mẹ… không tên

Đẻ thuê và mang thai hộ

Những năm gần đây, các phương pháp hỗ trợ sinh sản của nước ta như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), thụ tinh nhân tạo (IUI) có thể sánh ngang tầm với các nước trong khu vực, đã giúp bao cặp vợ chồng hiếm muộn có được hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người phụ nữ không thể mang thai do mắc bệnh lý về tử cung như dị dạng tử cung, cắt tử cung, sảy thai liên tục không rõ nguyên nhân…

Cạnh đó, còn có những cặp đôi đồng tính nam đến với nhau, không thể có con nhưng vẫn khao khát có một đứa trẻ là kết tinh của tình yêu ra đời. Hay những người vô tính, không cảm thấy bất cứ hấp lực giới tính nào, nguyện cả đời sống đơn độc, nhưng vẫn muốn làm mẹ. Và mang thai hộ chính là giải pháp được nhiều người lựa chọn trong những năm gần đây.

Trong ngôn ngữ thông thường, người ta vẫn thường dùng từ mang thai hộ hay đẻ thuê để nói về những phụ nữ mang trong bụng đứa con của những người mẹ khác. Những người mẹ mà vì các bệnh lý nói trên, vì nhiều nguyên nhân thuộc về giới tính, bẩm sinh, đã không được thượng đế ban cho khả năng làm mẹ đích thực.

Mang thai hộ là giải pháp giúp các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hoàn thành tâm nguyện được làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, không phải cặp vợ chồng hiếm muộn nào cũng đủ điều kiện để được mang thai hộ, do quy định pháp luật về mang thai hộ rất chặt chẽ, nhằm tránh thương mại hóa hoạt động mang tính nhân đạo này.

Theo Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, mang thai hộ được hiểu dưới hai hình thức là mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Trong đó, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Hiện nay, pháp luật nước ta chỉ cho phép mang việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, không cho phép việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cũng phải kèm theo các điều kiện như việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Đồng thời, các cặp vợ chồng muốn nhờ người mang thai hộ cũng phải đủ điều kiện là đang không có con chung, có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Cạnh đó, điều kiện dành cho người được nhờ mang thai hộ cũng được quy định rõ ràng, đó là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ. Người này phải ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần. Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.

Thông thường, nói đến mang thai hộ, người ta thường nói đến các trường hợp được pháp luật cho phép, tức mang thai hộ với mục đích nhân đạo. Trường hợp mang thai hộ vì mục đích thương mại thường được gọi là đẻ thuê. Khi ấy, người phụ nữ mang thai và sinh con thay cho người khác sau đó trao lại đứa trẻ cho bên thuê để nhận về một khoản tiền hoặc một khoản lợi ích vật chất nhất định.

Đẻ thuê được thực hiện với hai hình thức phổ biến là dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm để người đẻ thuê mang thai hộ hoặc ít phổ biến hơn là trường hợp người chồng của bên thuê sẽ “quan hệ trực tiếp” với bên được thuê để có thai.

Mặc dù cấm đẻ thuê và mang thai hộ vì mục đích thương mại, tuy nhiên đối với bên thuê và bên được thuê, pháp luật đều chưa có quy định xử lý. Chỉ có Điều 187 Bộ luật Hình sự 2015, có quy định về người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù đến 05 năm.

Những người mẹ không tên - những người mẹ không sinh

Hàng chục năm về trước, khi pháp luật chưa có quy định rõ ràng về vấn đề mang thai hộ, dịch vụ mang thai hộ đã là một dòng chảy ngầm. Rất nhiều gia đình đã nhờ đến những đường dây, những người môi giới, tổ chức mang thai hộ để mong hiện thực hóa khao khát được có con.

Và trong xã hội xuất hiện một nghề mới, đó là nghề đẻ thuê. Nghề đẻ thuê vẫn tồn tại cho đến nay, với những trường hợp các cặp vợ chồng vẫn muốn “liều” thuê đẻ con, trong khi không đủ điều kiện được cho phép.

Nhiều người phụ nữ đẻ thuê đến từ nông thôn, họ khỏe mạnh, có sức lao động nhưng hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có những người phụ nữ phải đi đẻ thuê, kiếm tiền để nuôi những đứa con ruột đang nheo nhóc ở quê. Cũng không ít cô gái trẻ là sinh viên, công nhân, vì đời sống quá khó khăn, chỉ một lần nghe theo thuyết phục đẻ thuê để kiếm tiền, từ đó theo nghiệp đẻ thuê, bởi số tiền mà công việc này đem lại là quá lý tưởng, có khi bằng cả chục năm đi làm, dành dụm. Có không ít người đẻ thuê chuyên nghiệp, trong nhiều năm đã mang thai đến 3, 4 lần, sinh ra những đứa trẻ mà chưa một lần chúng được biết mặt người đẻ ra mình.

Bởi trong những hợp đồng giữa người thuê và người đẻ thuê, hầu như đều có điều khoản “cắt đứt liên lạc hoàn toàn”. Có người may mắn, đẻ con ra được người thuê giữ lại nuôi, chăm con trong thời kì thai sản để đứa trẻ được cứng cáp khỏe mạnh. Nhưng cũng có những người thuê sợ rủi ro, mạnh tay hơn, sẵn sàng tước đứa trẻ trên tay người mẹ đẻ thuê từ lúc mới lọt lòng để không xảy ra những “tai nạn” ngoài ý muốn.

Bởi, đã có không ít trường hợp, người mẹ đẻ thuê, vì sự trỗi dậy của tình mẫu tử thiêng liêng, vì không muốn từ nay sẽ không bao giờ được nhìn thấy núm ruột của mình lần nữa, hoặc bởi sự day dứt lương tâm khi cảm thấy mình đang bán con lấy tiền, nên nửa chừng bỗng phá vỡ cam kết, ôm con bỏ trốn. Và mọi công sức, tiền bạc lẫn hy vọng của người thuê bỗng trở thành vô vọng.

Có trường hợp người mẹ đẻ thuê bị sang chấn tâm lý ngay lần đầu tiên đẻ thuê. Cũng đã có không ít người mẹ đẻ thuê chuyên nghiệp, sự tổn thương đến từ bên trong mà không nhận ra, cho đến khi nỗi đau vỡ òa.

Bất hạnh của họ là bi kịch của những người mẹ không tên. Họ cũng mang thai, đau đớn hiểm nguy chín tháng mười ngày. Đứa trẻ cũng nối liền dây nhau, liền máu, liền thịt với người mẹ ấy. Họ cũng chịu cơn đau quặn thắt, “thập tử nhất sinh” ngày vượt cạn. Đứa trẻ ra đời, họ cũng chứng kiến tiếng khóc đầu đời của con. Và chỉ như thế mà thôi, mối duyên mẹ con kết thúc từ lúc ấy. Mãi mãi, đứa trẻ có thể sẽ không biết đến sự hiện diện của người mẹ mang nặng đẻ đau. Điều này lại tốt cho gia đình và cho chính đứa trẻ ấy.

Những người mẹ không tên mang trong mình vết thương. Nhưng ai nói, những người mẹ có tên - mà không sinh thì không đau đớn. Họ, mang trong mình hình hài phụ nữ, hoặc nỗi khát khao làm phụ nữ, làm mẹ, nhưng trời không cho diễm phúc được mang thai, sinh con như bao người phụ nữ bình thường khác. Nếu được quyền, mấy ai lại đi lựa chọn con đường khó khăn ẩn chứa nhiều bi kịch như đi thuê người khác đẻ cho mình.

Đứa trẻ chào đời, người mẹ không từng trải qua những thời khắc con tượng hình, lớn lên trong bụng mẹ. Không từng cảm nhận những nhịp đập mạnh mẽ hay khẽ khàng. Không được mong ngóng, đón chờ con từng ngày. Cảm giác làm mẹ, cảm giác của tình mẫu tử, cũng vì thế mà khuyết đi một ít.

Người mẹ ấy, sau này khi con lớn lên, phải bối rối, nhói lòng không biết đáp sao trước những câu hỏi trẻ con “hồi ấy con ở trong bụng mẹ thế nào?”. Người mẹ ấy, trong hạnh phúc vẫn sẽ có cái gì đó gợn lên, như chiếc dằm cắm trong tim.

Nhưng, cuộc đời vốn dĩ là như thế, lựa chọn nào cũng cần sự đánh đổi. Cả người mẹ không tên lẫn người mẹ không sinh vốn đã đưa ra lựa chọn, hạnh phúc hay bất hạnh cũng phải tự mình đi hết con đường.

Đọc thêm