Phiên toà đặc biệt

(PLVN) - Shell là tập đoàn dầu lửa lớn nhất châu Âu với chủ sở hữu là công dân của hai quốc gia là Hà Lan và Anh. Trong lịch sử hình thành và hoạt động kinh doanh đến nay, tập đoàn này đã xuất hiện nhiều lần trong tư cách bị cáo trước vành móng ngựa của tòa án ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng có lẽ chưa khi nào nó lại là bị cáo chính trong một phiên tòa đặc biệt như vừa rồi ở Hà Lan. 
Đương sự người Nigeria trong một vụ kiện hãng Shell.

Tập đoàn này bị một số tổ chức bảo vệ môi trường sinh thái ở Hà Lan và trên thế giới khởi kiện với đòi phải giảm ngay và mạnh khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới. Bên nguyên cáo viện dẫn những mục tiêu cụ thể của Liên Hợp quốc về bảo vệ khí hậu trên trái đất và viện dẫn số liệu cho thấy với mức độ khai thác dầu lửa như trong năm 2019 thì tập đoàn này sản xuất ra lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên trái đất lớn hơn gấp mấy lần lượng khí thải này mà cả đất nước Hà Lan sản xuất ra trong cùng khoảng thời gian. 

Tòa án ở thành phố La Haay của Hà Lan đã thụ lý vụ kiện, tiến hành xét xử và đưa ra phán quyết buộc Shell cho tới năm 2030 phải giảm 45% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên trái đất so với năm 2019. Phán quyết này của tòa án ảnh hưởng trực tiếp tới gần một nửa sản lượng khai thác dầu lửa của tập đoàn.

Phiên tòa đặc biệt đưa ra phán xử đặc biệt với hệ lụy đặc biệt. Lần đầu tiên trên thế giới có chuyện toà án buộc các tập đoàn kinh tế phải thực hiện hạn ngạch cụ thể về giảm khối lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên thế giới, tức là bắt buộc giới kinh tế phải thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm đóng góp cụ thể vào công cuộc bảo vệ khí hậu trái đất. 

Lần đầu tiên, tòa án đưa việc thực thi trách nhiệm về chống biến đổi khí hậu trái đất ở phía giới các tập đoàn và công ty kinh tế ra xét xử. Phán quyết này của tòa tạo tiền lệ pháp lý. Điều đáng chú ý trong lập luận của tòa án là cho rằng các tập đoàn kinh tế phải có trách nhiệm bảo vệ cuộc sống cho con người trên trái đất và môi trường sống lành mạnh của con người đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu trái đất, khí thải gây hiệu ứng nhà kính là một trong những nguyên nhân chính khiến khí hậu trái đất bị biến đổi. Cho nên tất cả những hãng như Shell trong hoạt động sản xuất kinh doanh sản sinh ra khối lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính không thể lẩn tránh trách nhiệm.

Với cách tiếp cận này và với việc dựa trên số liệu cũng như mục tiêu của Liên Hợp quốc về bảo vệ khí hậu trái đất, tòa án với phán quyết như trên trong thực chất đã phục vụ chính trị. Phán quyết này của tòa án ở La Hay khích lệ nỗ lực bảo vệ môi trường sinh thái trên trái đất, có ảnh hưởng rất mạnh mẽ tới chính sách của chính phủ và buộc các tập đoàn phải điều chỉnh chính sách đầu tư và hoạt động kinh doanh. Nó còn tác động tới cả diễn biến tình hình trên thị trường năng lượng quốc tế.

Những hệ luỵ này mang tính lâu dài chứ không phải nhất thời. Phiên tòa và phán quyết là thắng lợi chính trị, tâm lý và pháp lý đặc biệt quan trọng đối với phong trào bảo vệ môi trường sinh thái trên thế giới nói chung chứ không phải chỉ có riêng ở Hà Lan và Anh hay ở châu Âu.

Đọc thêm