Dominic Ongwen là một trong những viên chỉ huy khét tiếng nhất của lực lượng này ở Uganda. Tòa án Hình sự quốc tế cáo buộc người này trực tiếp lên kế hoạch và chọn lựa lực lượng thi hành, trực tiếp quyết định và chỉ huy thực hiện những chiến dịch tàn sát người dân ở Uganda, Nam Sudan và Congo hồi cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và đầu thế kỷ hiện tại khiến hàng trăm ngàn người bị thiệt mạng. Tòa kết án người này 25 năm tù.
Phiên tòa này không đặc biệt ở chỗ những kẻ gây tội ác ở châu Phi bị đưa ra xét xử và kết án trên cơ sở cáo buộc phạm tội diệt chủng hoặc tội ác chống lại nhân loại, bởi trước Dominic Ongwen đã có một số kẻ khác bị tòa này đưa ra xét xử và kết tội. Liên Hợp quốc thành lập ra tòa án này chính để nhằm trừng phạt những kẻ tội phạm như thế trên thế giới. Nhưng phiên toà xét xử Dominic Ongwen đặc biệt hơn cả trên hai phương diện khác.
Thứ nhất, bị cáo đồng thời cũng là nạn nhân. Dominic Ongwen bị tòa này xét xử đồng nghĩa với cả việc chính LRA cũng bị đưa ra xét xử. Bị cáo này trực tiếp gây tội nên bị đưa ra xét xử nhưng bản thân Dominic Ongwen còn là nạn nhân của LRA. Năm mới 9 tuổi, Dominic Ongwen bị LRA bắt cóc khi đang trên đường đi học và rồi dần trở thành một trong những thủ lĩnh của LRA.
Vì vậy, một khi LRA là bị cáo trước vành móng ngựa của tòa này thì Dominic Ongwen là nạn nhân. Cho tới nay, Tòa án Hình sự quốc tế của Liên Hợp quốc chưa khi nào tiến hành phiên toà xét xử mà bị cáo lại đồng thời là nạn nhân như thế. Ở đây, tòa không thể tách rời hành vi của Dominic Ongwen với tội ác của LRA bởi Dominic Ongwen phạm tội không phải với danh nghĩa cá nhân mà nhân danh LRA.
Đồng thời, mục đích của phiên tòa này không phải xét xử tội phạm của LRA đối với Dominic Ongwen, người này chỉ là một trong số rất nhiều người bị LRA bắt cóc.
Thứ hai, tòa án của Liên Hợp quốc chỉ tuyên phạt Dominic Ongwen có 25 năm tù trong khi khung hình phạt cao nhất mà tòa có thể tuyên là 30 năm tù. Với mức độ phạm tội của bị cáo như tòa cáo buộc, chứng minh và phán quyết thì bị cáo này phải chịu khung hình phạt cao nhất. Cả về phương diện chính trị, đạo lý và dư luận chứ không chỉ có về pháp lý quốc tế, bị cáo đáng bị tuyên phạt mức án nghiêm khắc nhất.
Tòa án Hình sự của Liên Hợp quốc lại viện dẫn những đau đớn và mất mát mà bị cáo đã phải chịu đựng từ sau khi bị LRA bắt cóc để không tuyên mức án tối đa. Có vẻ như thế nhân đạo và nhân văn đối với bị cáo. Nhưng trên thực tế và trong thực chất, việc Dominic Ongwen bị LRA bắt cóc không đóng vai trò quyết định tới những tội ác tầy trời của anh ta sau này.
Có nhiều người bị LRA bắt cóc như Dominic Ongwen và cũng phải chịu đựng như anh ta trong LRA, nhưng họ đâu rồi có trở thành như Dominic Ongwen trên phương diện gây tội ác diệt chủng và chống lại nhân loại. Cho nên lập luận của toà án hình sự quốc tế nhằm giảm mức án cho Dominic Ongwen rất khiên cưỡng.
Vì hai điều đặc biệt này nên phiên toà nói trên trở nên lạ lẫm.