Phiên toà với ý nghĩa đặc biệt được cả thế giới quan tâm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chánh án chưa xác định mức án trừng phạt nhưng bồi thẩm đoàn đã luận tội xong và phiên toà xét xử viên cảnh sát người da trắng Derek Chauvin sát hại người da đen George Floyd ở thành phố Minneapolis của Mỹ hồi năm ngoái đã có được kết quả ban đầu. 
Cựu cảnh sát Derek Chauvin bị còng tay dẫn đi sau khi toà tuyên án hôm 20/4.
Cựu cảnh sát Derek Chauvin bị còng tay dẫn đi sau khi toà tuyên án hôm 20/4.

Bồi thẩm đoàn gồm 12 thành viên, 5 nam và 7 nữ, có đủ cả người da trắng lẫn da đen, sau khi họp bàn hơn 10 giờ đồng hồ - khoảng thời gian này là ngắn chứ không phải dài so với thông lệ ở Mỹ - đã nhất trí đo đến phán quyết là viên cảnh sát kia có tội. Anh ta đã ghì cổ người đàn ông da mầu kia đến khi người này bị chết ngạt. 

Bồi thẩm đoàn kết luận là viên cảnh sát đã phạm tội giết người và mắc tội trong cả 3 điểm cáo buộc. Theo luật pháp hiện hành ở nước Mỹ, khung hình phạt cho cả 3 tội ấy là tù chung thân, 25 năm tù và 15 năm tù. Cũng theo luật pháp nước Mỹ, một khi bồi thẩm đoàn đã cho rằng bị cáo phạm tội thì chánh án phiên tòa không thể tuyên trắng án cho bị cáo. Trước đó, chính quyền thành phố Minniapolis đã thoả thuận bồi thường 27 triệu USD cho gia đình của người bị cảnh sát giết hại.

Ở nước Mỹ xưa nay vẫn xảy ra chuyện người da mầu vô tội bị cảnh sát người da trắng vô cớ sát hại hay bạo hành. Cũng đã có nhiều phiên tòa được tiến hành để xét xử những viên cảnh sát liên quan. Nhưng phán quyết của tòa đều chẳng khác gì “dắt trâu qua rào”. Bạo lực của cảnh sát và phân biệt đối xử theo màu da và chủng tộc vẫn rất phổ biến, nếu như không muốn nói là trầm trọng ở Mỹ. Nhưng vụ việc hiện tại rất khác. 

Cách thức viên cảnh sát giết hại người đàn ông da mầu ở Minneapolis đã làm bùng phát làn sóng biểu tình phản đối mạnh mẽ ở nước Mỹ và rất nhiều nơi trên thế giới. Phong trào Black Lives Matter hình thành từ đó và trở thành biểu tượng mới, động lực mới và khẩu hiệu mới cho cuộc đấu tranh ở Mỹ cũng như trên thế giới chống bạo lực của cảnh sát và chống phân biệt sắc tộc. Cũng vì thế mà không chỉ dân chúng và dư luận ở bên trong nước Mỹ mà còn cả thế giới ở bên ngoài nước Mỹ đều nhìn vào diễn biến và kết cục cuối cùng của phiên toà này.

Phán quyết của bồi thẩm đoàn về tội của viên cảnh sát Derek Chauvin cũng vì thế còn là phán quyết về thực trạng không thể chấp nhận được trên phương diện bạo lực của cảnh sát và phân biệt sắc tộc ở nước Mỹ. Bồi thẩm đoàn không những chỉ đưa lại công lý cho người bị sát hại mà còn cảnh báo chính giới và xã hội Mỹ, cảnh sát và chính quyền ở Mỹ cũng như tạo tiền lệ mới trong xét xử những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Nước Mỹ vì thế sẽ thay đổi rất sâu sắc trong thời gian tới về chính trị xã hội, về luật pháp và tư pháp. Phong trào Black Lives Matter có được sự khích lệ mạnh mẽ không chỉ ở nước Mỹ mà còn ở các nơi khác trên thế giới.

Quá trình thay đổi này sẽ kéo dài và chậm chạp chứ không mau chóng ở nước Mỹ nhưng sẽ diễn ra. Ở đây có thể thấy phán xử đúng đắn và kịp thời của phía toà án có thể làm được những việc mà chính giới và chính quyền không làm được trong thời gian rất dài cho dù nhu cầu của xã hội đòi hỏi phải làm việc đấy càng ngày càng thêm cấp thiết. Phiên toà trở nên rất đặc biệt cũng còn chính vì thế. 

Đọc thêm