Phố cổ Hội An oằn mình vì bão lũ

(PLVN) - Đã 21 năm phố cổ Hội An được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Cùng với những niềm vui về lợi ích mà di sản mang lại thì nỗi lo hiện hữu là các công trình di tích ngày một xuống cấp nghiêm trọng trước tác động của thiên tai. Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, hiện có 58 di tích cổ “kêu cứu”, trong đó 38 di tích xuống cấp nặng, khiến công tác bảo tồn gặp khó.
Nhà phố cổ Hội An bị ảnh hưởng do lũ.
Nhà phố cổ Hội An bị ảnh hưởng do lũ.

Di sản “kêu cứu”

Đến hẹn lại lên, từ tháng 9, tháng 10 âm lịch hàng năm, cư dân phố cổ cùng quần thể kiến trúc nhà cổ Hội An lại đối mặt với lũ lụt. Lụt thường xảy ra ngay sau khi bão dứt, khi nước mưa từ thượng nguồn đổ về, nước biển dâng cao và gần đây là sự xả lũ đồng loạt của các thủy điện với công suất lên đến hàng ngàn m3/giây. Tình trạng này hàng năm đe dọa cuộc sống của người dân và gây ảnh hưởng xấu đến các công trình di sản văn hóa. 

Mỗi lần xảy ra lũ lụt, ngôi nhà cổ 200 năm tuổi Tấn Ký luôn trong vùng ngập sâu nhất vì nằm sát sông. Mực nước trong những năm lũ lớn vẫn được đánh dấu trên tường. Năm 1964 khi lũ lên cao nhất, ngôi nhà cổ Tấn Ký đã bị ngập tới nóc nhà trong suốt 3 ngày. 35 năm sau trận lụt lịch sử ấy, năm 1999, cả Hội An lại chìm sâu trong nước lũ.

Mực nước trên sông Thu Bồn khi đó đạt 3m21 khiến cả một khu phố bị ngập tới giữa tầng 1. Đó cũng là năm UNESCO công nhận Hội An là di sản văn hóa thế giới. Tám năm sau, tần suất lũ ngày một dầy hơn. Năm 2007, kỷ lục đã bị phá vỡ khi mực nước trên sông là 3m28 làm ảnh hưởng tới 8.000 ngôi nhà cổ. Năm 2013, lũ đổ về dồn dập khiến Hội An ngập sâu tới 3m và hàng nghìn du khách đã phải đi sơ tán. Và tháng 10 vừa qua, Hội An lại hứng chịu bão lũ.

Tình trạng này kéo dài sẽ làm hư hại các di sản cổ, vốn đã bị ảnh hưởng bởi thời gian. Lũ lớn sẽ cuốn đi bùn đất và khi nước rút đi, bùn đọng lại trên các mái nhà khiến nhà có nguy cơ bị sập. Phố cổ Hội An hiện có hơn 1.000 di tích, ngay từ đầu năm, Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, có 34 di tích xuống cấp, trong đó 9 di tích xuống cấp nghiêm trọng, hầu hết được tiến hành gia cố, tu sửa hàng năm. Tuy nhiên, công tác bảo tồn đối với một số di tích còn có những khó khăn.

Chùa Cầu - biểu tượng của Hội An - được xây dựng cách đây hơn 400 năm. Đến nay, phần đê móng xây bằng đá xếp chồng lên nhau đã xuất hiện nhiều vết nứt. Ở bên trong những thanh xà gồ, mái ngói bị nứt nẻ, cong vênh. Phần nền móng chùa Cầu đã nghiêng 45 độ về phía Bắc so với kết cấu ban đầu. Năm nào cũng vậy, vào mùa mưa bão, người dân lại phải chằng chống khắp nơi để giữ cho ngôi chùa đứng vững.

Theo đại diện Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu tại địa danh này là sự xói mòn, xói lở của các công trình kiến trúc như chùa Cầu. Sau nhiều năm, tầng địa chất yếu đi và gây ảnh hưởng xấu tới di tích.

Giải pháp nào?

Ông Nguyễn Chí Trung - Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An ví von phố cổ Hội An sau mỗi trận lũ lụt giống như người già vừa trải qua cơn đau ốm, cần phải “ăn uống bồi bổ” từ khâu đơn giản như chằng, chống đến phức tạp như hạ giải, lập dự án trùng tu cấp thiết... Các chủ di tích và đội ngũ quản lý di sản ở Hội An tự tin khi đã thuộc nằm lòng và biết bệnh trạng của từng di tích, nên chủ động xử lý.

“Chúng tôi dựa theo kinh nghiệm của người xưa, “phòng” chứ không thể “chống” thiên tai. Đương nhiên di tích phải chịu ảnh hưởng bởi tự nhiên, vì thế mình phải tiếp tục bổ sung các phương án mới trong việc phòng chống lũ lụt để bảo tồn phố cổ”- ông Trung nói.

Các di sản kêu cứu nhưng việc tu sửa ra sao đang là thách thức lớn của những địa phương sở hữu di sản. Việc tu bổ các ngôi nhà cổ Hội An không hề dễ dàng. Có thể thấy, hiện nay gạch, ngói (ngói âm dương bằng đất nung truyền thống) không đảm bảo về số lượng, chất lượng và cả về kích thước vật liệu.

Nguyên liệu để sản xuất ngói âm dương là đất sét khan hiếm vì vậy hay bị pha lẫn cát và nhiều tạp chất, có độ cong không đồng đều, chất lượng thấp, thậm chí một số lượng lớn ngói tự phân hủy chỉ sau từ 2- 3 năm sử dụng.

Nguồn gỗ để phục vụ cho tu bổ cũng bị khan hiếm do cấm khai thác rừng. Vữa vôi truyền thống do không còn sản xuất nên được thay thế bằng vữa ba-ta có bán sẵn trên thị trường dẫn đến hiện tượng, ngày càng xuất hiện nhiều vết nứt, hở, kéo theo là sự thấm dột mái vào mùa mưa dẫn đến sự nhanh xuống cấp của di tích. 

Dự án tu bổ Chùa Cầu là vấn đề quá lớn, quá nhạy cảm, không chỉ liên quan đến một di tích tầm cỡ mà là vấn đề tâm linh. Chọn giải pháp nào cũng là một câu chuyện mà ít ai dám quyết nên ảnh hưởng đến quyết tâm tu bổ di tích này. 

Từng có ý kiến bảo vệ đô thị cổ khỏi nước lũ với giải pháp đắp một con đê thấp bao quanh đô thị cổ Hội An. Tuy nhiên giải pháp này có những cản trở không chỉ riêng về vấn đề kinh phí xây dựng mà còn ảnh hưởng đến vẻ đẹp thơ mộng, quyến rũ của thành phố di sản.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Hùng, để “cứu” di sản Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của Ủy ban Di sản thế giới như: lựa chọn hệ thống pháp lý đáp ứng việc thay đổi khí hậu; nghiên cứu đáp lại trước sự tăng nhanh của các yếu tố gây nguy hiểm như: hỏa hoạn, khô hạn, lũ lụt nhằm hỗ trợ cho các kế hoạch quản lý tài sản; nghiên cứu kinh tế - xã hội, như phân tích quan hệ vốn lãi, định giá sự mất mát về kinh tế do sự thay đổi khí hậu và định giá ngẫu nhiên, cũng như những nghiên cứu tác động của thay đổi khí hậu đối với xã hội, đặc biệt đối với truyền thống hoặc cảnh quan văn hóa, nơi lối sống đóng góp cho giá trị nổi bật toàn cầu của di sản… 

Đọc thêm