Xe điện - nỗi lo ngại của... phố đi bộ?!
Trong thời gian gần đây, dịch vụ cho thuê xe điện trẻ em quanh phố đi bộ, tiêu điểm là đoạn đường Hàng Khay và Hàng Bài đã trở thành một hình thức kinh doanh siêu lợi nhuận, thu hút rất nhiều gia đình có con nhỏ. Mặc dù giá thuê không hề rẻ, giá dao động từ (50.000 đồng- 80.000 đồng/20 phút), nhiều bố mẹ vẫn muốn chiều lòng con cái. Thế nhưng, hoạt động cho thuê xe này cực kỳ lộn xộn, mất trật tự, gây ảnh hưởng, thậm chí là nguy hiểm đến những người đi bộ.
Liên tiếp ghi nhận những hình ảnh của hoạt động này trong nhiều tháng qua, trên đoạn đường Hàng Khay người đi bộ muốn đi bình yên cũng khó khăn, vì cứ đi vài bước thì lại mắc vào một chiếc xe điện trẻ em lái. Đã xảy ra rất nhiều vụ xô xát, va chạm do nhiều em nhỏ lái ô tô điện, xe máy điện không theo đường lối gì, nhiều em phóng rất nhanh, lạng lách, đâm vào nhau, đâm cả vào người đi đường. Có một bé gái tầm 5-6 tuổi đang được mẹ dắt tay đi bộ bị một chiếc xe ô tô điện màu đỏ đâm vào từ đằng sau tới suýt ngã.
Anh Tâm, một người dân trên phố Hàng Bài cho hay: “Dịch vụ cho thuê xe trẻ em này đã xuất hiện tầm 6 tháng gần đây, nhưng chắc không xin phép vì thỉnh thoảng có công an đuổi hoặc đi kiểm tra thì họ lẩn dọn đi”. Đúng như anh Tâm nói, việc các chủ hộ kinh doanh này có được cấp phép hoạt động hay không thì không ai biết. Còn những vấn đề khác nữa như vấn đề liên quan đến an toàn: chiếc xe điện này do ai kiểm duyệt, đã đảm bảo an toàn hay chưa; việc kinh doanh có làm ảnh hưởng đến người tham quan, thu hẹp không gian đi bộ, có phù hợp với mục đích, tôn chỉ tổ chức, họat động văn hoá khu phố đi bộ Hồ Gươm hay không...
Phố đi bộ hay phố lộn xộn?
Bên cạnh những tranh cãi về dịch vụ cho thuê xe điện, việc quản lý hoạt động biểu diễn trên phố đi bộ cũng có bất cập. Việc ca hát, đánh đàn, vẽ tranh, làm xiếc… đã trở thành những hoạt động kiếm tiền, “xin tiền” của rất nhiều du khách nước ngoài ở phố đi bộ nhằm hiện thực hóa đam mê “xê dịch”. Sau vụ cháu bé chơi đàn violin bên hồ Gươm bị lực lượng chức năng hỏi giấy phép biểu diễn, dẫn đến những bức xúc cho bố mẹ cháu thì đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh việc nghệ sĩ biểu diễn, hoạt động tự do tại khu phố đi bộ hay không.
Năm 2017, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Quy chế và nội quy quản lý hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận, trong đó có quy định cụ thể rằng các tổ chức, cá nhân tổ chức, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật… trong không gian đi bộ khu vực hồ Gươm và phụ cận phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Như vậy, ai sẽ phụ trách cấp phép cho các hoạt động “kiếm tiền” của những người nước ngoài nêu trên?
Mặt khác, một câu chuyện không mới nhưng dường như vẫn còn “nóng”, đó chính là ý thức rọ mõm chó khi dắt chó vào nơi công cộng. Theo Nghị định 90/2017/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có nhấn mạnh tới việc dắt chó ra đường không rọ mõm có thể bị phạt từ 600-800 ngàn đồng. Ấy thế mà ở phố đi bộ, chó to hay chó nhỏ đều không thấy ai ý thức rọ mõm lại. Thậm chí có những buổi tụ tập của hội chơi chó, dắt tới hơn chục con chó tây, chó ta đủ loại nhưng không thấy con nào được rọ mõm để bảo đảm an toàn cho người đi bộ khác. Thấy vậy, lực lượng chức năng cũng không can thiệp.
Nhức nhối hơn nữa, với mật độ người tham quan đông đúc ở phố đi bộ Hoàn Kiếm, có những buổi tối lên tới 70.000 người, lễ tết có thể tới 200.000 người, mà nhìn xa nhìn gần chỉ lác đác vài ba nhà vệ sinh công cộng, có thu phí. Trước giờ, đã rất nhiều cam kết của các cơ quan chức năng, các đơn vi doanh nghiệp, sẽ mở cửa khu vực vệ sinh phục vụ miễn phí cho người dân và du khách đến vui chơi, mua sắm tại không gian đi bộ hồ Gươm. Phải chăng những cam kết đó vẫn còn trong thời gian “chờ đợi”?.
Trong mục nguyên tắc quản lý của Dự thảo quy chế và nội quy quản lý không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận do quận Hoàn Kiếm soạn thảo năm 2017 nêu rõ ràng: “Xây dựng không gian văn hóa cộng đồng để nhân dân Thủ đô và du khách đến tham quan thư giãn; phát huy giá trị của các di tích lịch sử, tôn vinh nét đẹp truyền thống, văn hóa của người Hà Nội; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, bảo tồn, tôn tạo các di tích; phân công rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp, đảm bảo tích cực, chủ động kịp thời, tránh chồng chéo, hình thức”.
Thế nhưng, tại sao những sai phạm trên, mặc dù rõ ràng nhưng vẫn cứ tiếp diễn, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm việc này? Cơ quan nào sẽ kiểm định chất lượng, xử phạt, cấp phép, quản lý những chiếc xe điện, du khách nước ngoài biểu diễn xin tiền, những con chó hồn nhiên không rọ mõm kia? Nếu cứ để các dịch vụ, hoạt động này ngang nhiên tung hoành thì vấn đề an toàn - sức khoẻ của cộng đồng và cảnh quan đô thị có bị ảnh hưởng hay không? Và hơn tất cả là câu hỏi lớn đặt ra rằng cái gọi là văn hoá phố đi bộ có còn được vẹn nguyên?.