Phố phường sau lệnh cấm tụ tập đông người: Người dân đồng lòng dập dịch

(PLVN) - Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 15/CT-TTg yêu cầu quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu người dân hạn chế tụ tập đông người, dừng mọi hoạt động kinh doanh không cần thiết từ 00h ngày 28/3 đến hết ngày 15/4/2020. Cho đến thời điểm này, hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên cả nước chấp hành tốt chỉ đạo. 
Các cửa hàng đóng cửa theo chỉ thị của Thủ tướng.

Còn người là còn tất cả

Sau lệnh cấm của Thủ tướng, hầu hết các hộ kinh doanh trên cả nước đều tuân thủ một cách nghiêm túc. Người dân đồng tình với quan điểm còn người là còn tất cả, dù thiệt hại kinh tế, nếu cả đất nước chung tay đồng lòng sẽ đi qua giai đoạn khó khăn này.

Nhiều hàng quán trên địa bàn Thủ đô đã chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố để phòng, chống dịch Covid-19. Đơn cử một số tuyến phố như phố Huế, Quỳnh Mai, Kim Ngưu, Lạc Trung… hầu hết các quán ăn đều đồng tình thực hiện theo quy định.

Tại phố Hoàng Hoa Thám (quận Hà Đông), nơi được xem là “thế giới ẩm thực” với các quán ăn mọc san sát nhau, mỗi ngày nườm nượp khách đến ăn, nhưng từ trưa ngày 27/3, tuyến phố này trở nên yên ắng. Đa phần các quán ăn tại đây đều đóng cửa, treo biển tạm dừng hoạt động, tuân thủ quy định cùng chung tay chống dịch.

Tương tự, trên địa bàn các quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy… các cửa hàng kinh doanh cũng nghiêm túc thực hiện chủ trương. Điển hình các quán cà phê nổi tiếng vốn đông đúc khách như Cà phê Nuôi, Cà phê Năng, Aha, Kafa… cũng cửa đóng then cài. Khu chợ Xanh nổi tiếng tấp nập giờ đây vắng bóng người.

Chị Thủy - chủ quán cơm khu vực Mỹ Đình cho biết, cửa hàng của chị ngừng kinh doanh là một gánh nặng lớn. Một tháng riêng tiền nhà đã gần 20 triệu đồng, rồi tiền thuê nhân viên giờ đóng cửa cũng khó khăn lắm.

“Chúng tôi không biết sẽ trụ lại được bao lâu nhưng luôn tuân thủ quy định chung, cũng là bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình. Mong rằng dịch sẽ sớm được dập để chúng tôi có thể kinh doanh trở lại. Lâu nay, cửa hàng chúng tôi không bán online bởi khách ở đây toàn người quen, chủ yếu là công nhân, sinh viên… giờ chắc cũng tính bán online.

Vừa sáng nay có anh xe ôm công nghệ hướng dẫn đăng ký bán hàng trên một số trang mạng điện tử. Chắc một, hai hôm nữa chúng tôi sẽ mở cửa bán online. Mong rằng mọi việc thuận lợi” -  chị Thủy chia sẻ.

May mắn hơn chị Thủy, quán bún của chị Hằng vẫn hoạt động tốt khi bán online. Chị chủ quán cho biết: “Mấy tháng nay rồi từ khi có dịch bệnh, ít người ăn tại quán hơn, chủ yếu tôi bán online. Hiện nay, mọi việc cũng ổn, tạm thời duy trì được cửa hàng.

Mấy ngày đầu lệnh cấm, có một số khách ra quán xin ngồi lại nhưng chúng tôi không đồng ý. Địa phương nhắc nhở liên tục, cũng vất vả 11, 12 giờ đêm vẫn phải đi kiểm tra nhắc nhở. Ý thức được quy định cũng như sự nguy hiểm của bệnh dịch, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quy định đóng cửa các cửa hàng không thiết yếu để đẩy lùi dịch bệnh”.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn số ít cơ sở vẫn mở cửa kinh doanh. Theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 28/3 khi Chỉ thị bắt đầu có hiệu lực tại phố Lê Thanh Nghị, phố Trần Đại Nghĩa - những tuyến phố mệnh danh là thủ phủ của đồ điện tử ở Hà Nội, một số cửa hàng linh phụ kiện máy tính vẫn tiếp tục mở bán. Lực lượng công an phường rất nỗ lực nhắc nhở các cửa hàng, thế nhưng không phải cơ sở kinh doanh nào cũng chấp hành hiệu lệnh.

Thông tin từ truyền thông cũng cho thấy, tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, trong buổi sáng 28/3, vẫn còn nhiều quán cà phê lớn, quán nhậu bất chấp lệnh cấm mở cửa đón khách, tụ tập đông người. Tối 28/3, nhiều nhà hàng dịch vụ ăn uống tại TP Vinh, Nghệ An vẫn còn mở cửa hoạt động.

Một số địa điểm ở nội thành Vinh như Khu đô thị mới Vinh Tân, các tuyến đường Phan Đăng Lưu, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong... nhận thấy một số nhà hàng, quán ăn vẫn hoạt động, tuy lượng khách đã giảm hẳn so với ngày thường. 

 Tại chợ xã Quảng Trường (Thanh Hóa), trước cổng chợ có bàn phát khẩu trang miễn phí, rửa tay sạch sẽ trước khi vào chợ.

Tại các tuyến đường như Phan Bội Châu, Dương Đình Nghệ, Hạc Thành… của TP Thanh Hóa, bên cạnh những cửa hàng tuân thủ lệnh đóng cửa, vẫn còn một số hộ kinh doanh bán hàng ăn sáng. Có số lượng người ăn đông, thậm chí bán tràn ra lòng lề đường.

Những vị khách ở đây vẫn vô tư ngồi ăn uống mà không cần giữ khoảng cách và các biện pháp phòng tránh dịch. Ở một số nơi công cộng người dân vẫn không đeo khẩu trang, vẫn còn tình trạng tụm năm tụm ba, không giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét…

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, các lực lượng chức năng của TP Thanh Hóa đang quyết liệt tiến hành các biện pháp kiểm tra tuyên truyền nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dừng hoạt động, giải tán đám đông.

Chia sẻ với báo chí, bà Trần Thị Hoa - Chủ tịch UBND phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi đã ban hành các khuyến cáo cho các tổ giám sát, tổ chỉ đạo của phường gửi tận tay các hộ dân, để người dân hiểu rõ cách phòng tránh và khai báo y tế để làm sao người dân hiểu rõ nhất”.

Đội phó Đội Kiểm tra quy tắc đô thị TP Thanh Hóa, ông Nguyễn Nam Tiến cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, tất cả các trường hợp đã chấp hành tốt các chỉ đạo của tỉnh cũng như thành phố. Trong những ngày tiếp theo, chúng tôi sẽ phối hợp với công an thành phố chỉ đạo các tổ kiểm tra, phối hợp với phường tiến hành kiểm tra các trường hợp vi phạm. Trường hợp nào cố tình vi phạm chúng tôi sẽ lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật”. 

Người mua, người vận chuyển cần nâng cao ý thức phòng dịch

Tuy nhiều cơ sở kinh doanh, nhà hàng, cà phê, giải trí… đã đóng cửa hoặc bán trực tuyến, nhưng tại TP HCM vẫn còn không ít cơ sở phục vụ ăn uống vẫn hoạt động và có lượng thực khách cao hơn mức quy định.

Có thể nói, ngoài ý thức của người bán, còn phải nói đến ý thức chấp hành của người dân. Dù rằng đa số người dân đã chấp hành quy định là hạn chế ra đường, không ăn uống tại các cửa hàng, quán cà phê nhưng một số người dân vẫn tỏ ra coi thường hoặc không biết đến quy định cấm tụ tập đông người.

Từ thời điểm bùng phát của dịch tại một số thành phố lớn, tuy người dân đã nâng cao ý thức nhưng còn không ít gia đình tụ tập bạn bè, hàng xóm nấu nướng, ăn nhậu và hát karaoke. Điều này cũng gây ra nguy hiểm về sự lây lan không kém việc ăn uống ngoài đường phố. 

Cạnh đó, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh vẫn chứng kiến cảnh người mua chen chúc, đông đúc. Vài ngày trước, hình ảnh người mua tại một tiệm bánh mì nổi tiếng ở quận Phú Nhuận xếp hàng san sát vào nhau, khiến cho nhiều người hết sức lo.

Tuy nói rằng, xếp hàng để mua về là động thái hợp lý, nhưng xếp hàng san sát nhau, kéo dài mấy trăm mét thì thực sự thiếu an toàn. Không chỉ thế, tại một số siêu thị như Aeon Mall Bình Dương, Emart Gò Vấp mới đây đã chứng kiến những đợt mua hàng đông đúc của người dân khi có một chương trình khuyến mãi nào đó, hoặc có tâm lý mua hàng tích trữ. 

Dịch vụ giao hàng thực phẩm của xe ôm công nghệ cũng làm dấy lên lo ngại, khi người ta chứng kiến cảnh tượng các shipper xếp hàng, chen lấn mua thực phẩm, trong số đó nhiều người không đeo khẩu trang, không có ý thức bảo hộ.

Câu hỏi đặt ra là, nếu người mua ở nhà, không ra ngoài tiếp xúc với người bán và các khách hàng khác, nhưng shipper vô tình nhiễm bệnh hoặc virus bám trên bề mặt thực phẩm được giao đến thì sự việc sẽ thế nào?

Đây là thời điểm quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Cả người bán, người mua, người vận chuyển cần nâng cao ý thức trong mỗi hành vi, đó chính là sự chung tay tốt nhất.

Đọc thêm