Ít đề tài lịch sử, hiện thực xã hội, nhân sinh
Báo cáo của Hội Điện ảnh Việt Nam đã đánh giá khái quát những kết quả và đặc biệt là bất cập, hạn chế của điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn 2015-2020.
Sau hơn hai thập kỷ thực hiện chính sách xã hội hóa, ngành điện ảnh đã huy động được nhiều nguồn lực tham gia vào hoạt động sản xuất, phát hành phim điện ảnh, phim truyền hình.
Tuy nhiên, dòng phim thị trường, thương mại do tư nhân sản xuất đang chiếm vai trò chủ đạo trong điện ảnh Việt Nam. Hiện nay, hiếm nhà sản xuất tư nhân đầu tư cho những đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, hiện thực xã hội, nhân sinh.
Việc tập trung khai thác những đề tài thuần giải trí và đậm tính thương mại hướng tới phục vụ đối tượng khán giả chủ yếu là thanh thiếu niên đô thị. Phim tư nhân dường như đang xa rời chức năng giáo dục lòng yêu nước tinh thần dân tộc và những tư tưởng, thẩm mỹ có đẹp cho công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ.
Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, phát hành phim đã có những năm tháng đóng góp cho nền điện ảnh cách mạng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong bước chuyển sang cơ cấu tổ chức DN tự chủ.
Do mất dần đi sự hỗ trợ của nhà nước, dòng chảy điện ảnh thời gian qua có lúc đứt gãy bởi thiếu vắng mảng phim đề tài lịch sử, kháng chiến, cách mạng, tâm lý xã hội…
Hoạt động đào tạo nhân lực cho ngành chủ yếu do hai trường điện ảnh tại Hà Nội và TP HCM tiến hành. Mặc dù đã có thêm những hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo, bổ túc nghiệp vụ nhưng vẫn còn rất nhỏ lẻ.
Hệ thống phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ nhưng các Cty trong nước chỉ nắm được trên 20% lượng phòng chiếu trong khi các DN có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần.
Điểm sáng tích cực đến từ những đổi mới trong phong cách thể hiện, ngôn ngữ nghệ thuật của dòng phim tài liệu, phim khoa học.
Dòng phim tài liệu đã phản ánh một bình diện rất rộng của đời sống ghi nhận nhiều cố gắng của các nhà làm phim tài liệu về ngôn ngữ nghệ thuật, cách thể hiện mới gần gũi hơn với ngôn ngữ của điện ảnh tài liệu thế giới, chú trọng sử dụng thế mạnh báo chí của thể loại phim tài liệu.
Với các nhà làm phim khoa học sự đổi mới thể hiện qua đổi mới ngôn ngữ phim khoa học từ mô tả, phân tích sâu các nội dung chuyên môn nhằm đem đến cho khán giả lượng kiến thức nhất định sang tăng cường nhận thức; “phim truyện hóa” phim khoa học thành các series phim dài tập như trên thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, nhìn chung đến nay, ngành điện ảnh vẫn chưa thể có bước chuyển mang tính đột phá hướng tới nền công nghiệp văn hóa thực sự.
Các Cty trong nước chỉ nắm được trên 20% lượng phòng chiếu. |
Cần có đầu tư bài bản cho hạ tầng kỹ thuật ngành điện ảnh
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định gần 70 năm qua, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam đã lớn mạnh và phát triển không ngừng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Bước vào thời kỳ đổi mới, nền điện ảnh đối diện nhiều thách thức và cũng đứng trước những cơ hội chưa từng có. Thoát khỏi sự bao bọc mang nặng tính hành chính, quan liêu bao cấp, điện ảnh Việt Nam đứng trước đòi hỏi và cơ hội được đứng vững trên đôi chân của mình, được phát huy cao nhất năng lực sáng tạo trong hoạt động nghệ thuật và cả trong huy động nguồn lực xã hội.
Thế nhưng có khó khăn lớn khi nguồn đầu tư nhà nước ít ỏi và ngày càng thiếu hụt so với nhu cầu. Cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế cũng tạo thêm sức ép ngày càng gia tăng.
Những người làm điện ảnh cần thẳng thắn nhìn nhận những điều còn chưa làm được, còn tồn tại, bất cập trước yêu cầu ngày càng cao, đa dạng của khán giả, của công chúng yêu điện ảnh.
Đó là nguy cơ điện ảnh bị “nghiệp dư hóa”. Số lượng phim điện ảnh, phim truyền hình về đề tài chính luận còn hạn chế. Những phim về đề tài lịch sử phần nhiều còn chưa thoát được khuôn sáo.
Không ít phim mang tính giải trí còn đặt quá nặng mục tiêu thương mại. Khâu quảng bá, phát hành chưa được chú trọng đúng mức. Lý luận phê bình điện ảnh cũng chưa có nhiều nghiên cứu mang tính mở đường.
Đội ngũ các nghệ sĩ giàu kinh nghiệm, trưởng thành từ thực tiễn những tháng năm khói lửa, những nhân chứng trực tiếp thời kỳ cả nước chuyển mình từ thời bao cấp bước sang thời kỳ đổi mới đã dần cao tuổi.
Lực lượng trẻ dù được đào tạo bài bản, tăng nhanh về số lượng, rất sáng tạo và có năng lực nắm bắt, làm chủ công nghệ hiện đại, nhưng vẫn rất cần được học không chỉ là kiến thức, kinh nghiệm mà cả những ký ức, cảm hứng nghệ thuật từ các thế hệ đi trước. Thế hệ mới này cũng cần được cổ vũ, động viên, được trải nghiệm thực tiễn cuộc sống hôm nay đồng thời ôn lại lịch sử.
“Chúng ta cũng rất cần có đầu tư bài bản, đủ ngưỡng cho hạ tầng kỹ thuật của ngành điện ảnh, ngành văn hóa; cho đào tạo nhân lực chất lượng cao cũng như nghiên cứu lý luận điện ảnh nói riêng và nghệ thuật, văn hóa nói chung...”, ông Đam nói.
Ông Đam mong muốn, Ban chấp hành, một bộ máy lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ xứng tầm với các yêu cầu cao hơn đối với nền điện ảnh. Từ đó, Hội có thể đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác nhằm phát huy được cao độ trách nhiệm, sức sáng tạo và tình yêu nghệ thuật của đội ngũ nghệ sĩ và những người làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, phim truyền hình cả nước; tham gia nhiều hơn, hiệu quả hơn vào công tác đóng góp xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nhằm tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung.