Còn đó nghề xưa trên phố cổ Hà thành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng Miền Nam, 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và nhân sự kiện UNESCO đã thông qua Nghị quyết hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các nghệ nhân, nhà nghiên cứu và các lương y, bác sĩ y học cổ truyền (YHCT) tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa gồm nhiều sự kiện Giữ nghề xưa trên phố…
Trưng bày giới thiệu cây thuốc, sản phẩm thuốc Đông y. (Ảnh trong bài: BTC).
Trưng bày giới thiệu cây thuốc, sản phẩm thuốc Đông y. (Ảnh trong bài: BTC).

Nghề thuốc cho người Việt - trăm năm “ cha truyền, con nối”

Phố Lãn Ông, kéo dài khoảng 180m, nằm trên khu vực từng là đất thôn Hậu Đông, tổng Hậu Túc của huyện Thọ Xương cũ, hiện thuộc phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cách Hồ Gươm hơn 200m về phía Bắc, phố này giáp với ngã tư Hàng Ngang - Hàng Đường ở phía Đông và kết nối với Hàng Buồm, trong khi phía Tây giáp ngã tư phố Thuốc Bắc - Hàng Vải và cắt ngang ngã tư phố Chả Cá - Hàng Cân ở đoạn giữa.

Cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, họ đặt tên cho con phố này là “rue de Fou-Kien” (tức “phố Phúc Kiến”), do có nhiều người Hoa kiều từ tỉnh Phúc Kiến đến sinh sống. Vào năm 1946, con phố này đã được đổi tên thành Lãn Ông, theo tên một danh y lừng danh đất Việt.

Khu phố cổ Hà Nội, với kiến trúc độc đáo và bản sắc văn hóa rõ rệt, chủ yếu là khu dân cư với các nghề thủ công truyền thống. Phố Lãn Ông nổi tiếng là nơi tập trung của nghề đông y, buôn bán thuốc nam, thuốc bắc - loại thuốc YHCT. Phố này chuyên doanh về Đông Nam dược, với các biển hiệu bằng gỗ, bằng đồng cổ kính ghi tên các nhà thuốc đã tồn tại hàng trăm năm.

Những người đầu tiên làm nghề thuốc ở phố Lãn Ông là một số Hoa Kiều, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến dòng họ “Phó” đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Sau đó còn có hàng chục Lương y người Việt thành danh trên phố. Họ có gốc gác phần lớn là từ những làng nghề làm thuốc có truyền thống như Đa Ngưu, Nghĩa Trai, Ninh Hiệp, Đồng Tâm, hay từ những vùng đất học giỏi như Nhân Chính, Đông Ngạc (Hà Nội), Hành Thiện (Nam Định)… Ngày nay, phố Lãn Ông vẫn sôi động với gần 50 cơ sở kinh doanh thuốc Nam và các phòng chẩn trị YHCT, giữ vững nghề truyền thống giữa lòng Hà Thành. Đi qua con phố này, thoang thoảng một hương vị nồng nàn đặc trưng của các loại thảo dược như nhục quế, đương quy, đại hồi, sa nhân...

Phố Lãn Ông chiếm tỷ lệ gần 90% số hộ đăng ký kinh doanh thuốc YHCT và phòng chẩn trị YHCT - khẳng định tính truyền thống trong hoạt động buôn bán thuốc Đông Nam dược ở phố Lãn Ông.

Trên phố Lãn Ông, thuốc bầy bán được đựng trong những bao giấy, bọc trong những túi ni-lông xếp đầy trước cửa hay treo lủng lẳng phía trên đầu. Người bán hàng đa phần là phụ nữ, họ không dùng cân tiểu ly với cán gỗ, đĩa đồng để cân thuốc lạng như các cụ ngày xưa, mà thay thế vào đó những chiếc cân đồng hồ để chia thuốc. Các cơ sở kinh doanh dược liệu đáp ứng từ vài ba lạng đến hàng cân, thậm chí hàng tạ, hàng tấn theo nhu cầu. Khó mà biết được mỗi ngày bao nhiêu tấn dược liệu được bán cho không chỉ Hà Nội mà còn các địa phương khác trong cả nước phục vụ khám chữa bệnh, với phương châm “Người Nam dùng thuốc Nam” (Nam dược trị Nam nhân). Các cửa hàng thuốc nằm san sát nhau, bán các loại thuốc từ cao cấp như: Đông trùng hạ thảo, Nhân sâm, Linh chi cho tới các Loại thảo dược khô hoặc tán bột, với đủ các sản vật từ miền núi cao như: Ngải tượng, Hoài sơn, Tam thất, Tắc kè… cho đến Hải sâm, Hải mã, Ô tặc cốt… của miền Duyên hải. Không chỉ là thuốc, vài gói thảo dược tần gà cũng được bày bán giúp cho các bà nội trợ đem hương thuốc đến từng gia đình.

Tái hiện không gian hoạt động của gia đình lương y làm nghề thuốc đông y truyền thống .

Tái hiện không gian hoạt động của gia đình lương y làm nghề thuốc đông y truyền thống .

Bên cạnh các cửa hàng bán thuốc luôn tấp nập người vào ra thì những Phòng Chẩn trị YHCT của các Lương y lại có một vẻ thâm trầm, kín đáo, bên trong thường có chân dung Hải Thượng Lãn Ông đặt ở vị trí trang trọng. Sát tường là những chiếc tủ gỗ đựng thuốc lên nước nâu bóng với hàng trăm ngăn kéo quai đồng, mỗi ngăn có đề tên thuốc bằng chữ Hán Nôm hoặc bằng tiếng Việt. Những người bệnh đến đây được tận tình đón tiếp, được xem mạch và kê đơn bốc thuốc. Chỉ trong chốc lát thảo dược đã được gói thành những gói vuông vắn cho khách hàng. Hiện nay, hầu như không còn thuyền tán, mà thay vào đó là máy xay thuốc. Các cơ sở Khám chữa bệnh YHCT hiện đã có trang bị máy sắc thuốc cho bệnh nhân, giúp thay thế cách sắc thuốc như xưa kia.

Nghề thuốc ở con phố này vốn dĩ “cha truyền con nối” từ bao đời nay. Hiện nay, con em các Lương y hầu hết đều có bằng cấp được đào tạo chuyên ngành Bác sỹ, Y sỹ YHCT. Một số lương y cao tuổi hiện còn tham gia khám chữa bệnh YHCT như Lương y Phạm Xuân Nội (số nhà 69 Lãn Ông, công tác tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương), Lương y Nguyễn Kim Bảng (số nhà 56 Lãn Ông), BS Tạ Văn Minh (số nhà 55 Lãn Ông), Lương y Trần Vũ Cường (số nhà 45 Lãn Ông), Lương y Nguyễn Thị Ngọc (số nhà 58 Lãn Ông), Y sỹ YHCT Đặng Quốc Khánh (số nhà 50 Lãn Ông )…

Cần xây dựng các sản phẩm phục vụ du lịch

Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ cho biết, năm 2014 - 2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án trùng tu và chỉnh trang phố Lãn Ông để bảo tồn và phát huy giá trị của phố nghề truyền thống trong khu Phố cổ. Phố Lãn Ông không chỉ là phố chuyên doanh thuốc Đông Nam dược mà còn là điểm giới thiệu YHCT và các sản phẩm Đông Nam dược truyền thống. Điều này không chỉ góp phần vào việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân mà còn kế thừa và phát huy tinh hoa y học của cha ông. Phố Lãn Ông hiện là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách trong và ngoài nước, góp phần vào sự phát triển của du lịch và dịch vụ kinh tế tại quận Hoàn Kiếm và thành phố Hà Nội.

Bà Trần Thị Thúy Lan chia sẻ: “Nghề thủ công Việt Nam vốn có truyền thống từ lâu đời. Các làng nghề thủ công đồng bằng Bắc bộ gắn liền với khu phố cổ Hà Nội, biểu hiện qua những làng nghề, phố nghề, những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ. Thăng Long - Hà Nội là nơi hội tụ trăm nghề làm nên ba mươi sáu phố phường, với những phố “Hàng” nổi tiếng đất kinh kỳ. Quận Hoàn Kiếm, khu phố cổ Hà Nội chính là khu 36 phố phường xưa - nơi tập trung nhiều phố nghề với những ngôi đình thờ Tổ nghề còn tồn tại tới ngày nay, đây chính là nét đặc trưng của khu phố cổ Hà Nội”.

Trong quá trình bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội luôn chú trọng nghiên cứu, phối hợp với các đơn vị và cá nhân nhằm bảo tồn các nghề thủ công truyền thống. Qua đó giữ gìn các phong tục tập quán, những nét đẹp văn hoá lâu đời của khu phố cổ nói riêng và của Thủ đô Hà Nội nói chung. Qua các sự kiện, các hoạt động tại các điểm trong phố cổ Hà Nội cũng đã thu hút được rất nhiều các du khách trong và ngoài nước tới tham gia, tạo nên được nhiều điểm đến du lịch hấp dẫn - góp phần phát triển chung cho ngành du lịch Hà Nội.

Tại tọa đàm “Nghề đông y Hoàn Kiếm gắn với phát triển phố nghề Lãn Ông”, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng cho rằng, YHCT Việt Nam có lịch sử lâu đời, qua thăng trầm, di sản văn hóa đông y vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay. Bởi vậy, ngoài gìn giữ và phát huy di sản của dân tộc, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, cần tăng cường quảng bá tuyến phố Lãn Ông và y học cổ truyền; xây dựng sản phẩm phục vụ khách du lịch, có các tour tuyến đến phố Lãn Ông bắt mạch, bốc thuốc, thư giãn…

Hoàn Kiếm là quận du lịch trung tâm phố cổ, mỗi năm thu hút khoảng 2 triệu lượt khách. Theo TS. Nguyễn Mạnh Thản, Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, có thể phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch kết hợp với điều dưỡng, dưỡng sinh. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để chuẩn hóa sản phẩm, cũng như hoàn thiện các khâu đón khách du lịch, tạo ấn tượng tốt về điểm đến...

Việc gắn phát triển phố nghề Lãn Ông với du lịch góp phần mang lại hình ảnh đẹp cho đông y và hình ảnh Hà Nội. Đây là hoạt động ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát triển các nghề truyền thống trong khu phố cổ, để phố thuốc Lãn Ông là một trong những điểm đến gây thương nhớ với không chỉ du khách…

Chuỗi sự kiện kéo dài hết tháng 5

Chương trình được tổ chức nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024); 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hướng đến sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 - 2024”, hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Theo đó, tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội, 50 Đào Duy Từ, Hà Nội, từ ngày 19/4 - 12/5, trưng bày giới thiệu nghề thuốc Đông y cổ truyền Việt Nam, tái hiện không gian hoạt động của gia đình lương y làm nghề thuốc đông y truyền thống như: Trưng bày giới thiệu cây thuốc, sản phẩm thuốc, khu vực điều chế thuốc đông y cổ truyền, không gian tư vấn bắt mạch…

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động còn có chương trình biểu diễn âm nhạc truyền thống của nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc (vào 20h ngày 11/5, tại 50 Đào Duy Từ); triển lãm mỹ thuật “Thăng Long hội tụ” (tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật - 22 Hàng Buồm từ ngày 25/4 – 15/5); giới thiệu về làng nghề thổ cẩm Xí Thoại - Khám phá nét đẹp truyền thống huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (tại Trung tâm Thông tin Di sản Phố cổ - 28 Hàng Buồm, khai mạc ngày 20/4); triển lãm ảnh với chủ đề “Việt Nam - những chiến thắng làm thay đổi dòng chảy lịch sử thế giới” tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm (đoạn đối diện tượng đài vua Lê, từ ngày 26/4 - 31/5).

Đọc thêm