Phòng chống đuối nước cho trẻ em: Không được một phút giây lơ là!

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, những vụ tai nạn đuối nước đáng tiếc liên tiếp xảy ra với trẻ em ở Nghệ An, Đồng Nai, Bình Thuận... Qua các vụ này có thể thấy, hầu hết các nạn nhân bị đuối nước do tắm ao, sông, hồ… là những địa điểm nằm trong/gần khu vực các em cư trú, nên phát sinh sự chủ quan về sự cảnh báo hoặc răn đe từ người lớn. Điều này cho thấy, việc phòng chống đuối nước cho trẻ em không thể lơ là một phút, giây nào.
Dạy trẻ biết bơi chưa đủ, cần dạy trẻ biết bơi an toàn. (Ảnh minh họa)
Dạy trẻ biết bơi chưa đủ, cần dạy trẻ biết bơi an toàn. (Ảnh minh họa)

Đừng để sự chủ quan kéo lùi các nỗ lực

Theo Tổ chức Y tế thế giới, tai nạn, thương tích trẻ em là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi năm trên thế giới có khoảng 465.302 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, mỗi ngày có 1.275 trẻ em bị tử vong. Đuối nước là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em từ 5-14 tuổi. Từ năm 2021, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết về phòng chống tai nạn đuối nước và chỉ định ngày 25/7 hằng năm là Ngày thế giới phòng chống đuối nước. Ngày 25/7/2021 là lần đầu tiên trong lịch sử gần 80 quốc gia hưởng ứng sự kiện trên. Theo đó, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển các công cụ và công nghệ sáng tạo nhằm phòng chống đuối nước. Những bài học về an toàn dưới nước, bơi lội và sơ cấp cứu sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học trên thế giới.

Ở Việt Nam, trước thực trạng cả nước có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi chết đuối mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020, trung bình trên 5 trẻ chết đuối mỗi ngày ở Việt Nam và hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã liên tục ban hành các quyết định phê duyệt chương trình hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu giảm 10% trẻ em chết đuối năm 2025 và vào năm 2030 là 20%. Chương trình gồm nhiều giải pháp để kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước.

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, việc trẻ em thiếu kỹ năng bơi an toàn không khác gì như chưa được “tiêm vắc xin để phòng, chống dịch bệnh”. Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh bên cạnh việc “trẻ em phải được học kỹ năng an toàn với nước như nhận biết khu vực có dòng xoáy, chỉ bơi khi có người lớn ở bên hay đang bơi chuột rút phải làm gì”, thì các gia đình cần rà soát nơi ở để khắc phục, loại bỏ ngay các nguy cơ gây đuối nước như dựng hàng rào xung quanh quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước và đậy nắp giếng nước, bể nước…

Kết quả cho thấy, nguồn lực huy động cho các chương trình liên quan đến phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em trong 5 năm (2016 - 2020) ước tính khoảng 450 tỷ đồng bao gồm cả ngân sách trung ương, địa phương và huy động cộng đồng, quốc tế. Trong đó ngân sách trung ương 75 tỷ (16%), ngân sách địa phương 120 tỷ (27%), nguồn vận động của các tổ chức, đóng góp bằng tiền cơ sở vật chất… của cá nhân và cộng đồng ước tính khoảng 250 tỷ (56%).

Từ nguồn lực này, tỷ lệ trẻ em biết bơi an toàn và biết kỹ năng an toàn tăng; nâng cao được nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ về phòng chống đuối nước trẻ em; các Bộ, ngành và các tổ chức liên quan cùng tham gia triển khai công tác phòng chống đuối nước trẻ em; đã xây dựng hơn 6 triệu ngôi nhà đạt tiêu chí Ngôi nhà an toàn, 26.000 trường học đạt tiêu chí Trường học an toàn, 6000 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Cộng đồng an toàn; số trẻ em bị tử vong do đuối nước giảm trung bình 100 trẻ em mỗi năm; 90% trẻ em mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thủy; 50,3% trẻ em tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; bộ tài liệu tập huấn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cấp tỉnh, huyện và cộng tác viên đã được xây dựng cùng với gần 1.500 lớp tập huấn cho gần 65.000 lượt cán bộ, cộng tác viên về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em cho cán bộ cấp, tỉnh, huyện xã và đội ngũ cộng tác viên….

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề tồn tại lớn nhất trong các vụ đuối nước trẻ em là hầu hết các nạn nhân bị đuối nước do tắm ao, sông, hồ… vốn là những địa điểm nằm trong/gần khu vực các em cư trú, nên phát sinh sự chủ quan về sự cảnh báo hoặc răn đe từ người lớn. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước trẻ em mà ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em đã từng chỉ ra.

Cụ thể, theo ông Nam, nguyên nhân đầu tiên là nguồn nước, mặt nước, công trình không được cảnh báo, cảnh giới, rào chắn hay những vật chứa nước không có nắp đậy. Nguyên nhân thứ hai là, người lớn thiếu giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ nguy cơ đuối nước. Nguyên nhân thứ ba là, nhiều trẻ chưa được học bơi an toàn hay phòng tránh đuối nước.

Dạy bơi cho trẻ: Biết bơi thôi chưa đủ!

Nhiều người vẫn nhầm lẫn cho rằng, chỉ cần biết bơi thì trẻ sẽ được an toàn, nhưng thực tế không như thế. Theo thông tin từ Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT, tai nạn đuối nước xảy ra nhiều đối với trẻ em, học sinh đã biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Nguyên nhân là do trẻ không có kỹ năng bơi an toàn, đây là một “khoảng trống” cần được quan tâm và có giải pháp khắc phục.

Việc cảnh báo nguy cơ đuối nước rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Việc cảnh báo nguy cơ đuối nước rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Bơi ở bể khác bơi ở ao/hồ/sông/suối và càng khác với khi trẻ bơi ở biển. Biết bơi chỉ là kỹ năng cơ bản, để thực sự an toàn, trẻ cần được dạy một số kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết cách sơ cứu để có thể tự cứu mình khi không may bị chuột rút hoặc bị sóng đánh ra xa bờ, và có thể cứu đuối bạn một cách an toàn. Do đó, bên cạnh việc học bơi, trẻ cũng cần được trang bị các kỹ năng sống sót, biết cách dùng phương tiện, dụng cụ để cứu hộ, cứu nạn và đặc biệt biết sơ cứu đúng phương pháp.

Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, sau một thời gian thực hiện, chương trình phòng, chống đuối nước đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Đồng thời, hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất cả nước cũng đã được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Hiện nay, mô hình khóa học kỹ năng an toàn trong nước khoảng 30$ (khoảng 700.000 đồng) đã và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Sở LĐ-TB&XH và đoàn thanh niên nhiều tỉnh như Long An, Đồng Tháp, TP. Cần Thơ… đã triển khai chương trình bể bơi mini bằng lưới có 4 cây tre/ ống nước lớn căng ở 4 góc để trẻ tập bơi, mô hình bể bơi di động…

Đơn cử như tại huyện Lệ Thủy tỉnh Quảng Bình, kể từ năm học 2016-2017, nội dung dạy bơi an toàn và phòng chống đuối nước đã được đưa vào chương trình dạy cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn toàn huyện.

Trao đổi với truyền thông cô Võ Thị Tuyết Nhung, giáo viên thể chất, người rất tâm huyết với công tác dạy bơi cho học sinh cho biết: “Từ những kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cùng với kinh nghiệm học được từ những lớp tập huấn về dạy bơi lội an toàn và kỹ năng phòng, chống đuối nước, tôi cố gắng truyền đạt, hướng dẫn các em để đạt kết quả cao nhất. Cụ thể, trong chương trình dạy bơi có 18 bài học, mỗi bài 60 phút, gồm các nội dung làm quen với nước, dạy kỹ năng bơi sấp, bơi ngửa, kỹ năng sống sót và cứu hộ...”.

Những lớp học bơi của trường tiểu học Mai Thủy diễn ra đều đặn vào mùa hè kể từ năm 2017 đến nay. Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mai Thủy cho hay trải qua thời gian hoạt động, công tác dạy bơi, hướng dẫn kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh của nhà trường đạt kết quả cao. Nhà trường đã thực hiện lồng ghép 5-8 tiết lý thuyết về dạy học bơi an toàn vào môn thể chất và thực hiện dạy bơi an toàn 15 buổi/lớp. Nếu như năm 2017-2018, tỷ lệ học sinh biết bơi của nhà trường chỉ đạt 5,9% (25/421 em) thì đến nay tỷ lệ biết bơi tại nhà trường đã đạt 85%- 88%.

Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Mai Thủy, ngoài mục tiêu phổ cập bơi an toàn, nhà trường còn chú trọng đến phát triển thể chất cho học sinh. Ở trường tiểu học Mai Thủy, chương trình dạy học bơi được xây dựng riêng cho mỗi khối lớp. Vì vậy, học đến lớp 5, các em đã thành thạo các kỹ năng bơi tự do; bơi sống sót; đứng nước 120 giây và các kỹ năng cứu đuối cơ bản. Từ hiệu quả của các lớp dạy bơi ngày hè, liên tục 3 năm liền (từ 2019-2020), đội tuyển bơi lội của trường tiểu học Mai Thủy luôn dẫn đầu khối tiểu học trong bảng tổng sắp huy chương tại các kỳ Hội khỏe Phù Đổng huyện Lệ Thủy.

Đầu tháng 5 vừa qua, từ tình trạng hàng loạt vụ đuối nước khiến trẻ em tử vong (từ tháng 1 – 5/2022 có 113 trẻ bị tử vong do đuối nước; trong 2 tuần cuối tháng 4, đầu tháng 5 có tới 14 trẻ tử vong do đuối nước), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các bộ ngành và địa phương tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ. Theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà trường và gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè; hướng dẫn địa phương tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, cho học sinh, trẻ em. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cùng chung tay giải quyết vấn đề này, cũng như nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước.

Đọc thêm