Nhà trường không còn là… “thánh đường”
Ở góc độ “người trong cuộc”, Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn vốn là một giáo viên cho rằng, trường học được gắn cho quá nhiều danh hiệu cao quý. Đồng thời, ngành giáo dục nên bớt từ ngữ khẩu hiệu hô hào “đao to, búa lớn” chỉ để nghe cho vui tai, mà không phải là những hành động thiết thực… Bởi có một thực tế, khi ông tham gia rất nhiều lớp tập huấn cho giáo viên về phòng chống xâm hại thì chính thầy cô cũng không nắm được luật.
Do đó, ông đề nghị, việc cần làm ngay là giao trách nhiệm cho người đứng đầu để nếu xảy ra xâm hại trẻ em thì việc đầu tiên thuộc về hiệu trưởng. Và để các thầy cô nắm được luật thì ngành giáo dục nên phổ biến bằng cách trích ra những gì liên quan, thiết thực nhất để giáo viên nắm được điều họ làm là phạm luật.
Nếu quy định rõ thế nào là an toàn trong trường học thì khi nhận xét, đánh giá một cán bộ, giáo viên sẽ rất dễ dàng vì mọi chuyện đều áp theo quy định. “Nhà trường cũng là nơi làm việc, thầy cô cũng là con người phải tiếp xúc với trẻ hàng ngày nên nguy cơ xâm hại trẻ em cũng có thể xảy ra như ở bất cứ môi trường nào.
Đã đến lúc cần thay đổi quan niệm dạy học sinh ngoan ngoãn, biết vâng lời thầy cô vì thực tế cho thấy làm vậy không khác gì hại học sinh. Chỉ ngoan ngoãn vâng lời khi con cho những điều đó là đúng. Có như vậy thì không phải giáo viên nói gì cũng đúng và con đều phải nghe theo” - ThS Tâm lý Đinh Đoàn chỉ ra.
Cùng quan điểm, bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA cho rằng, trẻ em cả về tinh thần, thể xác, ý thức, hiểu biết, khả năng chống đỡ - mọi mặt đều yếu, thế nên trường học là nơi càng phải lưu ý hơn đến an toàn cho trẻ khi mối quan hệ quyền lực tồn tại. Hệ thống giáo dục nên có cái nhìn xuyên suốt về vấn đề này để đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh của mình.
Muốn thay đổi thì phải có chiến lược đảm bảo an toàn cho trẻ em và cả giáo viên. Khi có chiến lược sẽ lập được các kế hoạch cụ thể. Tập huấn cho giáo viên hàng năm có bao giờ dành thời gian cho việc nói về bình đẳng giới, xâm hại tình dục chưa?
Những vấn đề này không phải chỉ là quy định trên giấy, mà cần phải là sự thấu hiểu, nếu không giáo viên sẽ vẫn giữ suy nghĩ ôm hôn học trò một cái thì có làm sao? Không phải chỉ sờ vào vị trí nhạy cảm, mà cần phải ý thức được nếu sờ vào bất cứ vị trí nào trên cơ thể mà khiến người ta khó chịu đều là không được phép.
Bà Vân Anh cũng tỏ ra lo ngại khi đề cập đến vấn đề cho trẻ học các lớp kỹ năng sống. “Một số chương trình giảng dạy cho trẻ em cách chạy thoát, đánh lại, vặn tay đối phương… Tôi rất lo vì các các vụ xâm hại tình dục được gây ra bởi người thân quen của trẻ. Trẻ dù giỏi mấy thì khi ở trước người to lớn, nặng hơn mình mấy chục cân.
Những kẻ tìm cách xâm hại tình dục trẻ em ngoài sức mạnh, còn có kế hoạch, âm mưu rất bền bỉ như cho kẹo, tiền, tăng điểm… Đó là những vũ khí ngọt ngào, chứ không phải lập tức xông vào trẻ, nên việc chống cự lại có thể sẽ khiến trẻ bị tổn hại về thể chất. Dạy trẻ như thế nào cần phải có sự thảo luận, chương trình cụ thể, quy định rõ, không phải ai tự nhận mình là chuyên gia lên truyền hình dạy cho hàng nghìn người là cái gì cũng đúng” - bà Vân Anh nói.
Ở góc độ là nhà báo và cũng là một phụ huynh, nhà báo Quý Hiên cho rằng, ý thức của phụ huynh rất quan trọng trong việc phòng chống xâm hại cho con. “Hồi con học mẫu giáo, mỗi lần phải cho con di chuyển bằng xe ôm, tôi luôn tìm một bác gái, loại trừ luôn đàn ông vì thấy “gửi con” cho nữ giới sẽ ít nguy cơ hơn so với nam giới.
Cùng với đó là nhiều gia đình, bố vẫn vồ vập hôn hít con gái đã lớn. Nhà chật, mẹ sẵn sàng ngủ cùng con trai đã 18 tuổi. Nếu bản thân các phụ huynh không chú ý tới chuyện này, không nhận thức được hành động của mình thì làm sao có thể giáo dục giới tính tốt cho con?”, nhà báo Quý Hiên bày tỏ.
Cần bàn đến luật, trước khi đổ lỗi cho văn hóa
Trước những bất cập trong xử phạt các vụ dâm ô trẻ em, mới đây, Tòa án nhân dân tối cao đã đưa ra một dự thảo về việc hướng dẫn áp dụng một số điều trong nhóm tội xâm hại tình dục của Bộ luật Hình sự năm 2015. Tại dự thảo này, các hành vi sờ, hôn... vào bộ phận sinh dục, ngực, mặt, đầu, đùi, mông... của trẻ em có thể bị kết tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Luật sư Nguyễn Văn Tú cho rằng, hiện đang có một “khoảng trống… mênh mông” về luật trong vấn đề này. Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số hành vi được coi là nghiêm trọng nhất là hiếp dâm, cưỡng dâm, dâm ô, giao cấu…
Thế nhưng, thực tế đời sống tình dục có trăm ngàn hành vi khác nhau. Tấn công tình dục nghiêm trọng mới đưa vào luật nhưng ngay cả đưa vào luật rồi cũng không có định nghĩa, khái niệm như thế nào là dâm ô, hiếp dâm? Không có khái niệm dẫn đến vướng cho tất cả các cơ quan và những người thực thi không thể kết tội.
Đơn cử như vụ Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, do không có định nghĩa về các hành vi dâm ô nên cơ quan xét xử không quan tâm đến mặt tâm lý của tội phạm, ý thức hành động của ông ấy nhằm thỏa mãn điều gì? Trong khi đó, cơ quan điều tra chỉ quan tâm xem cái tay ông ta đang làm gì, mà lưng ông ta đã che hết rồi.
Cơ quan xét xử đã làm khó cơ quan điều tra khi không thể xác định được cái tay của ông này đang làm gì? Trong khi đó, nếu từ hành vi đó mà ông ta thỏa mãn là đủ kết tội có quấy rối tình dục, đây cũng là một dạng xâm hại. Bản dự thảo đang lấy ý kiến cũng đi theo hướng mô tả hành vi, không đề cập đến mong muốn, nhu cầu của kẻ xâm hại. Do đó, theo Luật sư Tú, đó vẫn là sự quan tâm không đúng hướng.
Dù Điều 75 Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua có quy định một số hành vi nghiêm cấm với thầy cô, nghiêm cấm xâm hại thân thể học sinh. Trước đó, trong Nghị định 80 năm 2017 Chính phủ ban hành quy định về bạo lực học đường nhưng trong văn bản này không nhắc gì đến bạo lực tình dục.
Luật sư Tú cho rằng, Nghị định 80 chỉ là nghị định trên giấy khi chỉ đề cập đến phải đảm bảo môi trường lành mạnh trong nhà trường về phòng chống bạo lực học đường với phần lớn các quy định mang tính phòng ngừa, xác định môi trường thế nào là an toàn…
“Do đó, Nhà nước nên có điều tra xã hội học xem môi trường học đường đang tồn tại vấn đề gì? Các nguy cơ xảy ra bạo lực để thấy hiện trạng rõ ràng nhất. Sau đó lựa chọn cơ quan có trách nhiệm giải quyết vấn đề này.
Luật pháp không nên quy định cứng nhắc về mối quan hệ của các cơ quan đó. Nhu cầu được cho trẻ an toàn là nhu cầu dân sự, dịch vụ có trả công, nên hoàn toàn có thể xã hội hóa. Bên cạnh đó, nên tách Hội Cha mẹ học sinh ra khỏi nhà trường, Hội này nên là cơ quan giám sát chứ không phải là cánh tay nối dài của nhà trường” - Luật sư Tú bày tỏ.