Phòng Giáo dục “tiếp thị” cho bảo hiểm, làm khó phụ huynh

Năm học 2013 –2014 sắp bắt đầu, để học sinh an tâm đến trường thì việc mua bảo hiểm (BH) học đường là một điều nên làm. Với 17 đơn vị BH đóng trên địa bàn, các bậc phụ huynh ở Nghệ An rộng quyền lựa chọn doanh nghiệp uy tín để đảm bảo cho con em mình. Tuy nhiên, họ sẽ chịu thiệt thòi khi thị trường này xuất hiện những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Năm học 2013 –2014 sắp bắt đầu, để học sinh an tâm đến trường thì việc mua bảo hiểm (BH) học đường là một điều nên làm. Với 17 đơn vị BH đóng trên địa bàn, các bậc phụ huynh ở Nghệ An rộng quyền lựa chọn doanh nghiệp uy tín để đảm bảo cho con em mình. Tuy nhiên, họ sẽ chịu thiệt thòi khi thị trường này xuất hiện những dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh.

Công văn “tiếp thị” bảo hiểm của Phòng GD&ĐT TP.Vinh
Công văn “tiếp thị” bảo hiểm của Phòng GD&ĐT TP.Vinh

Phòng "giới thiệu"…

Những ngày qua, dư luận TP Vinh xôn xao trước việc Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn gửi các trường mầm non, tiểu học và trung học cở sở giới thiệu Cty BH PJICO Nghệ An và Bưu điện Trung tâm TP Vinh tham gia BH tự nguyện học sinh, điều này không chỉ làm khó các bậc phụ huynh, nhà trường mà còn tạo nên sự thiếu lành mạnh trong kinh doanh cho một số đơn vị BH khác đóng trên địa bàn.

Trao đổi với PLVN, lãnh đạo một đơn vị kinh doanh BH đóng trên đia bàn TP Vinh chia sẻ: Khi nhân viên đơn vị này tiếp cận một số trường giới thiệu sản phẩm BH của mình thì nhận được câu trả lời: “Em thông cảm vì Phòng đã có chỉ đạo nên chị phải cân nhắc”.

Ông Thái Khắc Tân -  Trưởng phòng GD&ĐT TP Vinh cho biết: Sau khi nhận được công văn số 136 của Bưu điện Trung tâm TP Vinh và Công văn số 50/2013 ngày 11/7/2013 của Cty BH PJICO Nghệ An đề nghị triển khai BH giáo viên, học sinh năm học 2013 – 2014, Phòng đã ban hành công văn gửi các trường đóng trên địa bàn đề nghị hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phối hợp với Cty BH PJICO Nghệ An triển khai nghiệp vụ BH cho giáo viên, học sinh đạt kết quả cao nhất.

Trưởng phòng Tân quả quyết: "Phòng có quyền giới thiệu các đơn vị BH". Tuy vậy, khi được hỏi về công văn gửi cho các trường giới thiệu Bưu điện Trung tâm TP Vinh tiếp cận các trường học thực hiện dịch vụ BH học sinh, giáo viên liệu có đúng với chức năng của Bưu điện TP Vinh không, ông Tân cho biết sẽ kiểm tra lại nội dung này.

Tại huyện miền núi Quỳ Hợp, Phó phòng GD&ĐT Hồ Bình Minh cũng có công văn gửi hiệu trưởng các trường trên địa bàn “đề nghị các trường học trực thuộc chỉ đồng nhất tham gia một loại BH của Cty Bảo Việt Nghệ An khu vực Quỳ Hợp”.

Áp đặt?

Khi chúng tôi đặt vấn đề tìm hiểu nội dung công văn của Phòng GD&ĐT TP Vinh - ông Nguyễn Văn Lê - Giám đốc BH PJICO Nghệ An cho biết: Phòng GD&ĐT có công văn gửi các trường trên địa bàn là bình thường, không vi phạm Luật Cạnh tranh. Văn bản này không mang tính áp đặt.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 17 đơn vị BH, nếu cả 17 “anh” này đều có công văn gửi đến Phòng GD&ĐT, sau đó phòng này áp dụng "quyền giới thiêu" cho cả 17 “anh” thì chắc hẳn công văn giới thiệu sẽ không còn giá trị. Tuy nhiên, đó chỉ là giả sử, bởi theo tìm hiểu của PLVN, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có những đơn vị BH nghiêm khắc yêu cầu các bộ phận không được tiến hành các bước để có được những văn bản mang "tính chất áp đặt".

Bộ Tài chính từng có công văn yêu cầu một số địa phương thu hồi công văn phối hợp triển khai BH học sinh. Theo khoản 4, Điều 124 Luật Kinh doanh BH, một trong các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh BH là “ép buộc giao kết hợp đồng BH”. Mặt khác, theo khoản 1, Điều 6 Luật Cạnh tranh, cơ quan quản lý nhà nước không được “buộc doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải mua, bán hàng hóa cung ứng dịch vụ với doanh nghiệp được cơ quan này chỉ định, trừ hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật”.     

Nhằm khắc phục tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng các biện pháp hành chính mang tính chất áp đặt người tham gia mua BH, Bộ Tài chính cũng đã ban hành công văn số 12070/BTC- QLBH: "Nghiêm cấm các doanh nghiệp BH sử dụng các biện pháp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, công văn liên tịch giữa Sở GD&ĐT  và các doanh nghiệp BH… có tính chất áp đặt người tham gia BH phải mua BH tại một số doanh nghiệp BH được chỉ định".

Áp đặt hoặc chỉ mang tính chất áp đặt đều bị nghiêm cấm, thiết nghĩ  Hiệp hội BH Việt Nam, Cục Quản lý - Giám sát BH cần làm rõ vấn đề nêu trên, nhằm bảo đảm quyền lợi cho phụ huynh, học sinh được tự nguyện lựa chọn các đơn vị BH mà mình muốn tham gia.

Theo Điểm b Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 41/2009/NĐ-CP ngày 05/5/2009 của Chính phủ  về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm: "Phạt tiền 70.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư thực hiện một trong những hành vi vi phạm sau đây:... Dùng ảnh hưởng của mình để yêu cầu, ngăn cản hoặc ép buộc đơn vị cấp dưới hoặc những người liên quan phải tham gia BH tại một nghiệp BH dưới mọi hình thức". 

Quang Trung – Zen Linh

Đọc thêm