“Phong lan về trời” và nỗi niềm thời cuộc của nhà văn Phạm Việt Long

(PLVN) - Qua tập truyện “Phong lan về trời”, người đọc thấy được ngoài lối dẫn truyện nhẩn nha, lôi cuốn về những nhân vật, hoạt cảnh; còn thấy được nỗi đau kiếp người và thiên nhiên của nhà văn Phạm Việt Long. Bằng bút pháp miêu tả, nhân hóa... ông đã giúp người đọc hiểu hơn về kiếp nhân sinh, cũng như thấu suốt thiên nhiên đang cần gì ở con người.
Nhà văn Phạm Việt Long.

Sống lương thiện cả khi khó khăn bần cùng nhất

Nhà văn Phạm Việt Long đã trở nên quen thuộc với độc giả cả nước với nhiều tác phẩm từ nhật ký, tiểu thuyết, truyện ngắn. Ông còn được chú ý ở thể loại thiếu nhi với bộ sách nhiều tập “Bi Bi và Mặt Đen”. Phạm Việt Long còn được biết đến là một nhạc sĩ tài ba, một nhà nghiên cứu văn hóa, nhà báo luôn sâu sát với đời sống trong thời chiến và cả thời bình.

Dù tuổi đã ngoài 70, nhưng ông làm việc không ngừng nghỉ. Tác phẩm mới nhất của ông có tên “Phong lan về trời” với 15 truyện ngắn và một truyện vừa, được gói gọn trong cuốn sách dày 262 trang do nhà xuất bản Dân trí ấn hành cuối năm 2020, là minh chứng cho thấy, tuổi tác đối với Phạm Việt Long không là vấn đề gì; ngược lại, còn thôi thúc ông cống hiến hơn cho nghệ thuật.

Cũng như nhiều tác phẩm trước đó của Phạm Việt Long, ở tác phẩm này, ông luôn chú ý về tính phổ quát của đời sống, đó là nỗi đau về số phận con người qua tình yêu, sự thủy chung, đạo lý, cũng như tấm lòng đối với thiên nhiên, lúc nào cũng được ông ưu ái nói nhiều trong mỗi truyện ngắn. Ngay từ truyện ngắn đầu tiên có tên “Dạ Hương”, Phạm Việt Long đã thể hiện được sự yêu thiên nhiên đó. Nhân vật tôi yêu cây thiết mộc lan của nhà hàng xóm đến mức đổi tên, rồi nhân việc bồn cây được đặt bên nhà, nhân vật tôi chăm sóc cây tươi tốt, còn chủ nhân thì không.

Ông miêu tả tỉ mỉ cây dạ hương, đem bã trà bón, rồi các cành hoa nở không hướng về người sở hữu mà hướng về nhà nhân vật tôi. Truyện này sẽ không có gì, chỉ là miêu tả về cây hoa, nếu như không xuất hiện một gái đẹp, với nghề kéo nhị hát rong. Cô gái xuất hiện đầy ma mị trong đêm. Cô bước vào khi nhân vật tôi đang uống trà. Cô gọi nhân vật tôi là ông. Rồi qua cuộc đàm thoại giữa hai người, cô gái hiện lên là người yêu nghệ thuật hết mình, dù cha mẹ mất, bơ vơ, nghèo khổ nhưng vẫn đam mê nghệ thuật.

Tập truyện “Phong lan về trời” của nhà văn Phạm Việt Long. 

Nhưng số phận không may mắn, trong lúc hát rong thì cô đói lả gục ở trước hiên nhà thì được một người đàn ông giàu có mà cô gọi là bác, giúp đỡ cho cô được về làm ô sin, thi thoảng cô lại được kéo nhị khi gia đình có khách. Nhưng một đêm, ông bác “tốt bụng” này đã giở trò đồi bại với cô, vợ ông bác đó tưởng cô giật chồng nên đánh cô. Cô uất quá mà đập đầu tự tử vào mép cánh cửa gỗ lim. Rồi trước khi chết, cô hóa thành hoa, mà nhân vật tôi đã gọi là Dạ Hương chăm sóc mỗi ngày.

Cô gái lý giải vì sao ước hóa thành hoa, vì hoa thơm thì ai cũng cần, chứ đàn hát trước đây thì không ai nghe. Ước muốn của cô gái thật giản đơn, nhưng qua đó, Phạm Việt Long cho độc giả thấy rằng, con người luôn cần con người như thế nào, dù cả khi chết, cũng muốn có được hơi ấm của con người; đương nhiên, hơi ấm đó đến từ những con người tốt bụng, lương thiện.

Trong tập truyện, người đọc còn cảm thấy xót xa và thương đến rầu lòng nhân vật Bình qua “Âm bản”. Bình, một nhiếp ảnh gia, chỉ vì lo mưu sinh cho cả gia đình mà bị gán cho tội ngoại tình, rồi cuối cùng phải bỏ vợ, mẹ ruột trách cứ, lời vào tiếng ra ác nghiệt, dù anh không như vậy. Bình dẫn hai con về nhờ cậy mẹ già, bỏ nhiếp ảnh, bán đồ nghề, vay mượn để buôn bán, do đen đuổi, hàng hóa ế ẩm, lại bị lừa, nợ nần nên phải đi tù. Việc Bình đi tù là do nguyên nhân khách quan, anh đã nhận hết khổ cực về mình, để những bạn buôn cùng bình an vô sự. Rồi khi ra tù, cuộc sống khốn khổ vẫn đeo bám Bình. Nhưng anh vẫn luôn cố gắng.

Thông qua bức thư tuyệt mệnh của cô con gái lớn, Bình biết được vợ mình ngoại tình và có con. Nhưng thực ra Bình đã biết trước đó, nhưng anh vẫn chấp nhận, chịu mọi điều tiếng, để vợ mình được bình an bên người khác. Và Bình hiểu rằng, dù anh có níu kéo gì nữa thì cuộc hôn nhân cũng tan vỡ, khi người vợ đã không còn chung thủy. Thông qua tâm sự của Bình với con gái, ta thấy Phạm Việt Long là nhà văn của nỗi đau kiếp người, và ca ngợi lao động.

“Đối với bố, dù có thế nào, thì chân dung cuộc đời bố vẫn là LƯƠNG THIỆN (Phạm Việt Long viết hoa từ này – PV)... Bố chưa bao giờ ngừng lao động. Dù có mắc sai lầm, thì bố cũng chỉ sai lầm trong lao động, cho nên, con cứ tin rằng bức chân dung cuộc đời bố không ai bôi bẩn được, nó mãi mãi là LƯƠNG THIỆN”. Qua Bình, ta thấy rằng, nhà văn đã để cho nhân vật của mình sống lương thiện cả khi khó khăn bần cùng nhất.

Phóng sinh hay phóng tử

Tập truyện xuất hiện nhiều đoạn miêu tả thiên nhiên đẹp đẽ bình dị. Trong đó, Phạm Việt Long còn dành nguyên hẳn một truyện ngắn có tên “Lánh nạn phóng sinh” chỉ để nói về nỗi khổ tâm của loài chim Ri bé nhỏ trong mùa phóng sinh. Phạm Việt Long đã nhìn nhận chuyện phóng sinh ở một khía cạnh khác, nhân văn, rất Đạo Phật, và đau xót cho thiên nhiên.

Thông qua chú chim Ri, bị mất “chồng” do nạn vây bắt mùa phóng sinh, rồi cuối cùng, lại chứng kiến cảnh con của mình bị con người thẳng tay giết hại, chú chim Ri đã đau đớn nhường nào, nỗi đau không khác gì nỗi đau của con người. Chú chim Ri hoài nghi: “Không hiểu Phật có dạy người làm thủ tục Phóng sinhh không? Phật dạy thế nào? Chúng tôi không biết. Nhưng, cái thủ tục ấy khiến loài chim chúng tôi vô cùng khốn đốn. Cứ vào tháng 7 âm lịch hàng năm, là vào mùa phóng sinh, cũng tức là vào mùa săn bắt lũ chim chúng tôi. Người ta săn bắt chúng tôi bằng mọi cách, để bán cho những người có “từ tâm”, làm phóng sinh, có nghĩa là lại thả chúng tôi về trời! Thế gọi là phóng sinh ư?”.

Lời tâm sự của chim Ri thật khiến chúng ta phải nghĩ lại thủ tục Phóng sinh hiện nay. Chim Ri còn trần tình: “Những người bán chim nhốt đủ loại chim vào các lồng tre, liên tiếp bắt ra từng cặp để bán cho những người phóng sinh. Vùng vẫy, quẫy lộn trong lồng đến tung lông, rướm máu vẫn không thoát. May mắn thì có những con chim còn khỏe, khi được tung lên, là lấy đà lao vút đi, thoát chết – thế là được phóng sinh.

Nhưng, có những con trông vẫn khỏe mạnh, mà không thể cất cánh bay lên, hóa ra đã bị vặt trụi lông một bên cánh. Chấp chới bay lên một đoạn, lại rơi bịch xuống đất, lọt vào tay những thằng bé tinh ranh đang chờ sẵn. Lại có không ít con sức yếu, bị chết trong lồng. Chọn phải con chết, người mua chim vứt đến bạch một cái xuống đất, thế là phóng sinh thành phóng tử!”.

Chú chim Ri thậm chí đã tìm đến ngôi chùa để ở, nhưng rồi người ta cũng đến đuổi bắt, phải thốt lên: “Bọn bắt chim đang rình rập quanh đây. Ngôi chùa không thể làm nơi trú ngụ của chúng tôi nữa. Mà, mùa phóng sinh mới bắt đầu. Lánh nạn nơi đâu bây giờ?”.

Tập sách còn nhiều truyện ngắn nói về kiếp người khốn khổ, sự chung thủy, dối lừa. Phạm Việt Long đưa người đọc cảm nhận dần về sự tha hóa của con người vì lợi ích riêng, dẫn đến sự đổ vỡ tình người, gia đình... Đương nhiên, Phạm Việt Long còn đưa người đọc trở về những năm tháng chiến tranh gian khổ, cảnh rừng núi hùng vĩ, đẹp; và tình người, tình yêu nước khi ấy cũng đẹp như chưa bao giờ được đẹp như thế.

Đọc thêm