Lao động trẻ em hay trẻ em làm việc?
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng hơn 1,75 triệu lao động trẻ em, trong đó trẻ em chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với 67%, còn lại ngành dịch vụ chiếm 16,6% và công nghiệp-xây dựng chiếm 15,8%. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo hướng dẫn phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016- 2020 do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức Lao động thế giới (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức đầu tháng12 tại Hà Nội.
Thực tế cho thấy, ở Việt Nam do khái niệm về lao động trẻ em vẫn chưa được phổ biến trong công chúng, thì khi các bậc cha mẹ không thấy được lợi ích, cơ hội cho trẻ để học cao hơn, họ thường có chung quan điểm là lao động có vẻ là cách sử dụng thời gian của trẻ hiệu quả nhất. Thế nên mới dẫn đến điều đáng buồn là trong số lao động trẻ em được khảo sát, có tới 52% trẻ đã từng đi học, 45,2% đang đi học và 2,8% chưa bao giờ được cắp sách đến trường.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) khó khăn lớn nhất hiện nay chính là nhận thức của gia đình các em còn hạn chế, chính vì vậy, nhiều bố mẹ vẫn cho rằng con mình làm việc chứ không phải là lao động trẻ em, nên không bị cấm vì chỉ là một hình thức chia sẻ công việc với gia đình. Hay nói cách khác nhiều cha mẹ không cho rằng mình đang vi phạm pháp luật về lao động trẻ em mà chỉ đơn giản là tập cho con lao động, học cách kiếm tiền.
Vậy làm cách nào để phân biệt trẻ em làm việc và lao động trẻ em, trả lời báo chí ông Minoru Ogasawara - chuyên gia về lao động trẻ em của ILO cho rằng số giờ làm việc để phân biệt có phải là lao động trẻ em hay không sẽ được xét theo bối cảnh từng quốc gia. Ở Việt Nam, Bộ luật Lao động năm 2012 quy định là 8 giờ một ngày và 40 giờ mỗi tuần là thời gian tối đa trẻ em trên độ tuổi lao động tối thiểu được làm việc.
Với trẻ từ 13 đến 14 tuổi, luật pháp cho phép các em làm việc không quá 4 giờ mỗi ngày và 20 giờ mỗi tuần với điều kiện công việc đó là việc làm nhẹ nhàng.
Sử dụng lao động là trẻ em dưới 15 tuổi – luật nói gì?
Như đã nói trên, trong hơn 1,75 triệu lao động trẻ em thì có tới 67% trẻ em làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng điều này cũng không có nghĩa là những trẻ em thành phố vốn được so sánh là “sinh ra trong nhung lụa” sẽ không phải làm việc. Bằng chứng là hiện nay không hiếm để thấy những dòng quảng cáo trên mạng như: "Cần một bé 6 tuổi gương mặt Tây một chút để chụp ảnh thời trang”, ngay lập tức lời rao của nhà tuyển dụng trên facebook của một CLB mẫu nhí nhận được phản hồi từ đông đảo các bậc phụ huynh.
Có thể thấy nhu cầu tìm mẫu nhí để chụp ảnh thời trang, quay phim quảng cáo ngày càng nhiều và phụ huynh có mong muốn con mình được tham gia các hoạt động như vậy cũng ngày càng đông đảo. Bởi tham gia các hoạt động này, bên cạnh việc được trả thù lao thì tên tuổi các bé cũng được nổi tiếng. Nhưng ở góc độ pháp luật cũng cần thấy rằng cho trẻ thực hiện đam mê, thực hiện ước mơ của mình hoàn toàn khác với việc lợi dụng, ép buộc trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, không phù hợp với độ tuổi nhằm thu lợi cho bản thân.
Theo pháp luật lao động Việt Nam hành vi đó vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em. Cũng vì lí do đó, để tránh việc người sử dụng lao động lạm dụng sự non nớt và thiếu hiểu biết pháp luật của trẻ, pháp luật lao động Việt Nam quy định: Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các công việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định (căn cứ theo khoản 1 Điều 164 Bộ luật Lao động 2012). Thông tư 11/2013/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết những công việc nào được sử dụng người lao động dưới 13 tuổi làm việc, những công việc nào được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm việc. Cụ thể, danh mục công việc được sử dụng người dưới 13 tuổi như diễn viên: múa; hát; xiếc; điện ảnh; sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối (trừ múa rối dưới nước); vận động viên năng khiếu: thể dục dụng cụ, bơi lội, điền kinh (trừ tạ xích), bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bóng ném, bi-a, bóng đá, các môn võ, đá cầu, cầu mây, cờ vua, cờ tướng, bóng chuyền…
Bên cạnh đó, pháp luật lao động còn quy định, thời gian làm việc của người lao động dưới 15 tuổi không được quá 4 giờ/ngày và 20 giờ/tuần. Không yêu cầu làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng thời, thời giờ làm việc không trùng với giờ học tại trường của trẻ, đảm bảo điều kiện, vệ sinh, an toàn lao động phù hợp với lứa tuổi. Người sử dụng lao đồng nếu không tuân thủ các quy định sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Việt Nam đã ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm đảm bảo hiện thực hóa quyền của trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, triển khai nhiều chương trình dự án, mô hình liên quan. Và mới đây, ngày 7/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020. Một trong những mục tiêu của chương trình là 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện sẽ được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.