“Bỏ khẩu trang lễ, Mẫu mới nhận mặt mà phù hộ”?!
Theo quan niệm dân gian, tháng 7 Âm lịch hằng năm được gọi là tiết “Xá tội vong nhân”, hay còn được coi là “Tháng cô hồn”. Người dân thường dành thời gian để đi đến chùa, hay các cơ sở thờ tự để cầu may mắn, bình an. Ngay từ sáng sớm mùng 1/7 âm lịch (19/8/2020), tại Phủ Tây Hồ (phường Quảng An) đã có rất đông người dân đổ về cúng lễ.
Dù được Ban quản lý Phủ Tây Hồ và đại diện chính quyền địa phương yêu cầu tay sát khuẩn cũng như phải đeo khẩu trang cũng như đứng lễ giãn cách nhưng rất nhiều người dân vẫn không thực hiện đúng. Vì đông nên khách thập phương đứng “chen vai, sát cánh” với nhau để lễ bái. Trong khi tiến hành làm lễ, nhiều người còn bỏ khẩu trang hay để khẩu trang dưới cằm lẩm rẩm khấn lễ. Khi được nhắc nhở, chị Hoàng Hoa Thái đến từ Thái Bình đã chống chế: “Tôi phải bỏ khẩu trang để Mẫu còn biết mặt và nghe rõ lời khấn của tôi để còn phù hộ tôi chứ. Đeo khẩu trang, Mẫu nhìn nhầm người, phù hộ người khác thì sao???”.
Trong lúc chờ đợi hương tàn, nhiều khách thập phương đứng ngồi “túm năm tụm ba” bình luận dịch Covid rất sôi nổi mà không cần biết khẩu trang mình ở nơi nao. Thậm chí, có người còn chạy ra ban lễ để “xin lộc” một đĩa xôi, con gà rồi cùng chia cho mọi người “xơi lộc” bằng cách bốc xôi, xé gà bằng tay.
Người đứng, người ngồi, hương khói mịt mờ khiến không khí đặc quánh. Trước việc không đảm bảo y tế phòng chống dịch của khách thập phương, BQL di tích Phủ Tây Hồ đã phải ra thông báo về việc đóng cửa Phủ Tây Hồ bắt đầu từ 16 giờ ngày 19/8. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP. Hà Nội diễn ra ngày 19/8, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Trưởng BCĐ phòng dịch Covid-19 TP đã yêu cầu UBND quận Tây Hồ báo cáo về việc đông người dân đổ về Phủ Tây Hồ đi lễ. Lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết, thời gian tới, nếu lượng người đổ về Phủ tiếp tục đông, Quận sẽ chỉ đạo vẫn đóng cửa Phủ để phòng dịch.
Cũng như ở Phủ Tây Hồ tại chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), vào sáng mùng 1/7 âm lịch, lượng người đến thắp hương khá đông. Nhiều người chủ quan không đeo khẩu trang, không giãn cách đúng với quy định phòng, chống dịch. Sau phản ánh của báo chí, chiều cùng ngày, Ban Quản lý đình, chùa Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) đã siết chặt hơn công tác phòng chống dịch Covid-19. Người dân tới chùa Hà phải đo thân nhiệt, rửa tay bằng nước sát khuẩn theo đúng quy định. Ngoài ra, không được tụ tập đông người, khi đứng thắp hương phải giữ đúng khoảng cách quy định.
|
Ném cá phóng sinh còn cả ni lông tại nơi cống rãnh khác gì giết cá và tạo nghiệp. |
Phóng sinh hóa… “tạo nghiệp”!
Trước việc các cơ sở thờ tự thắt chặt việc hạn chế tụ tập đông người, các biện pháp đảm bảo phòng chống dịch Covid. Nhiều người dân chuyển hướng sang làm lễ phóng sinh.
Tại dọc đường Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân (Hà Nội)… gần những ngày rằm tháng 7 đông đúc hơn bao giờ hết. Ngoài các loại chim trời như bồ câu, khuyên, chào mào, chích chòe, sáo, vẹt, yểng… có nhiều loại quí hiếm như: hỏa tiễn, quế lâm, khướu… được bày bán, chào mời.
Phần lớn đây là chim bẫy được ở các cánh rừng từ khắp nơi như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Ninh Bình, Thanh Hóa… được dồn về Hà Nội từ khắp các nẻo đường của các tay thợ săn chim. Để kêu gọi lòng từ bi để kiếm tiền, nhiều ông chủ chim còn không ngại treo bảng mời gọi: “Số phận của những con vật này chính là số phận của các bạn, các bạn hãy tranh thủ làm việc thiện” .
Rằm tháng 7 chính là dịp để các chủ hàng bán chim được dịp hốt bạc. Người đàn ông bán chim khoe: “Những ngày này, trung bình cửa hàng tôi bán vài chục đến trăm con chim các loại, như chủ yếu là bồ câu, chim én, chim sẻ giá từ 20-100 nghìn/ tùy loại. Nhưng có nhiều đại gia mua hẳn khướu bạc má, họa mi, cu gáy có giá khoảng 500 - 700 nghìn đồng/con ”. Những con ốm đau, dặt dẹo, tôi đều “đẩy” được hết”.
Một ông chủ chim khác có gần hai chục con chim bồ câu, con bị xích chân, con bị trói cổ, con bị xách chổng ngược đầu xuống đất, được bán lẻ từng con với cái giá 60 nghìn đồng/ con. Tiếng người ta ngã giá xì xào: “Bán gì mà đắt thế, tôi mua phóng sinh chứ có ăn hay nghe hót đâu”.
Ở phiên chợ chim nhộn nhịp không khí bán mua này, chẳng có ai đến đây thưởng chim và cũng chẳng có một tiếng chim hót nào, chỉ thấy tiếng đập cánh xao xác, khô khốc vào nan lồng. Khi có người đến mua chim, sau khi hỏi số lượng cần mua, người phụ nữ bán chim đưa tay vào cái lồng đen đặc, hốt từng nắm bỏ vào chiếc lồng khác để bán. Lũ chim giãy giụa giẫm đạp lẫn nhau, lông lá bay tung tóe. Trong số đó, có con bị thương, nằm thoi thóp cam chịu bị đè bẹp. Có những bầy chim nhốt lồng lâu ngày, không ai mua. Người bán để bầy chim chết đói, chết khát rồi quăng ra thùng rác.
Không ít người cho rằng, phóng sinh rùa sẽ được… trường sinh, sống thọ. Lẽ đó, rùa cũng được nhiều người tìm mua để phóng sinh. Nhưng rùa rất khó sống khi không ở trong điều kiện thích hợp. Nhiều loài rùa như rùa núi thường bị phóng sinh xuống ao chùa. Vì không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết, chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần khi được thả xuống ao, hồ. Đặc biệt, nhiều loài trong số chúng được xếp vào nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.
Lại có người mua rùa tai đỏ về thả ao, hồ. Họ không biết hoặc cố tình làm ngơ khi rùa tai đỏ bị cơ quan chức năng xác định là con vật độc hại - “top 100 động vật xâm lấn nguy hiểm nhất hành tinh”. Rùa tai đỏ thường mang trong mình nhiều khuẩn gây bệnh, có thể khiến các sinh vật trong khu vực chịu nhiều tổn thương, thậm chí diệt vong. Rùa tai đỏ mang trên mình vi khuẩn Salmonella - một dạng vi khuẩn gây bệnh thương hàn.
Có cung thì có cầu, việc phóng sinh đã vô tình tạo thành một chuỗi cung ứng. Có người mua chim, mua rùa, mua cá, ốc, cua tất sẽ nhiều người đặt bẫy, bắt những con vật này. Những chú chim bay lượn tự do trên không trung liên tục bị sa lưới, những chú rùa ở sông, núi bỗng chốc bị giam cầm. Những đàn cá đang tung tăng bơi lội dưới sông bỗng chốc bị chui đầu, giãy giụa trong lưới. Chúng bị bắt về bán cho những người đi phóng sinh. Một chủ hàng cá, ốc, cua ở chợ Nam Đồng (Hà Nội) khoe: “Tôi đang có một khách đặt 100kg ốc để phóng sinh. Tôi đang đặt đầu mối khẩn trương bắt ốc để kịp giao cho khách đây. 100kg ốc ấy, tôi sẽ cho tất vào hai chiếc bao tải để vận chuyển cho dễ. Con nào sống được thì sống, mà chết thì chết. Tôi chẳng quan tâm!”.
Vậy, nghi thức phóng sinh thế nào cho đúng cách để không phải mắc vào nghiệp ác? Theo các Đại đức, để cúng phóng sinh các con vật, mọi người cần nắm rõ môi trường cũng như điều kiện sống của chúng để đảm bảo rằng sau khi phóng sinh, những con vật này có thể tiếp tục sống lâu dài. Khi thực hiện phóng sinh, cần thao tác nhanh gọn rồi thả loài được phóng sinh đi ngay, tránh để chúng bị tù túng, ngột ngạt, gây cảm giác sợ hãi, bị thương dẫn tới chết. Từ từ thả con vật xuống ở nhiều nơi khác nhau, không nên chỉ thả tập trung ở một chỗ. Không ném cả xô, túi ni lông xuống ao, hồ, sông, suối vì vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không thực hiện đúng ý nghĩa của việc phóng sinh (con vật ở trong túi sẽ chết do không chui ra được). Khi phóng sinh, hãy chờ cho chúng bơi hoặc bay hết đi rồi mới về để đảm bảo an toàn cho chúng. Việc phóng sinh nên làm ở nơi vắng vẻ để tránh những kẻ săn bắt nhìn thấy và tìm cách bắt chúng lại, như vậy là tạo thêm nghiệp ác.
Thầy Thích Trí Thịnh - Phó Trưởng ban Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình - Trụ trì Chùa Kim Sơn Lạc Hồng nhắn nhủ: “Phật dạy mình đừng có cùm kẹp mà để cho các loài vật được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sanh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, cái tâm hơn thua, cái tâm thù hận... ra khỏi con người mình để mình được tự do. Tự nhiên cuộc sống sẽ trở nên bình yên. Còn mình để những cái tâm đó trong lòng thì những người gần mình cũng sinh ra thù hận, tạo ra cho họ sự thù hận. Ý nghĩa sâu xa của việc phóng sanh trong đạo Phật là như vậy chứ không phải là mua mấy con rùa, chim, con cá rồi đem đi phóng sanh”.
Có lẽ, đã đến lúc cần phải triệt tiêu cái nghề phá hoại môi sinh, môi trường này. Lẽ nào làm phúc, phóng sinh lại là “mảnh đất màu mỡ” cho kẻ buôn bán, kiếm lợi trên sự sống của loài vật khác? Những người phóng sinh dường như đã tạo nên nghiệp mà không hay.