Rùa và khỉ bị phóng sinh, nuôi nhốt nhiều nhất tại đền chùa
Ngày 19/6/2020, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng thuộc Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng cho biết vừa liên tiếp ngăn chặn, xử lý ba vụ vi phạm về quảng cáo mua bán và sử dụng công cụ săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD) trái phép.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Minh Triết - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Đà Nẵng thì ngay trong ngày đầu tiên ra quân hôm 15/6, lực lượng của Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Đà Nẵng đã liên tiếp ngăn chặn, xử lý 3 vụ vi phạm về quảng cáo mua bán và sử dụng công cụ săn bắt ĐVHD trái phép.
Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Đà Nẵng đã xử phạt ông Nguyễn Đức Trúc (sinh năm 1975, thường trú số 49 đường Thanh Hóa, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) số tiền 1,25 triệu đồng do có hành vi quảng cáo mua bán ĐVHD trái phép.
Điều đáng nói là tại địa chỉ này, ông Nguyễn Đức Trúc dựng bảng cửa hiệu Trúc Lâm, ngang nhiên quảng cáo công khai “chuyên mua bán các mặt hàng phóng sinh: chim, rùa, ba ba; các loại cá, ốc, ếch”, đảm bảo “giao hàng tận nơi, đúng số lượng, uy tín” và ghi rõ cả các số điện thoại giao dịch.
Cùng ngày, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Đà Nẵng cũng xử phạt ông Phạm Ngọc Hưng (sinh năm 1982, thường trú thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) số tiền 1,25 triệu đồng; xử phạt ông Trần Duy Lộc (sinh năm 1966, thường trú tại phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) số tiền 1,25 triệu đồng do có hành vi sử dụng công cụ săn bắt ĐVHD trái phép.
Ngoài phạt tiền, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Đà Nẵng cũng tịch thu 1 bảng quảng cáo mua bán ĐVHD, 2 công cụ keo dính làm bẫy chim. Đợt tuần tra, kiểm tra ngăn chặn, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ ĐVHD trên địa bàn vẫn đang được Đội Kiểm lâm cơ động và PCCC rừng Đà Nẵng tiếp tục triển khai.
Rùa và khỉ bị phóng sinh, nuôi nhốt nhiều nhất tại đền chùa, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, theo cơ sở dữ liệu của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV). Số lượng rùa nuôi nhốt thậm chí lên đến hàng trăm cá thể như trường hợp một ngôi chùa tại Sóc Trăng với khoảng 174 cá thể rùa, trong đó có nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm như rùa hộp lưng đen, rùa ba gờ, rùa răng và cả rùa biển bị phát hiện vào cuối năm 2018. Nhiều cá thể rùa biển bị phóng sinh xuống ao hồ nên không thể sống sót.
Lòng nhân đạo, tôn trọng và đề cao thiên nhiên từ lâu đã được coi là một truyền thống văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam. Nét đẹp văn hóa này là nguyên tắc cơ bản trong suy nghĩa, hành động của nhiều người và cũng thường được thể hiện qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo như phóng sinh tại các đền, chùa.
Theo TS tôn giáo Dương Ngọc Dung - giảng viên Khoa Triết học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM, thì “tập tục phóng sinh khởi nguồn từ Phật giáo Trung Hoa và được Phật giáo Việt Nam tiếp nhận như việc làm hành thiện. Phóng sinh không chỉ thuần túy về tôn giáo mà còn gắn liền với hoạt động thực hành văn hóa của người dân.
Hành động phóng sinh từ niềm tin Phật giáo có ý nghĩa tạo lấy phước đức, đồng thời tập cho con người có ý thức về giá trị của sự sống, biết ý nghĩa về cuộc sống của cá nhân khác và hướng con người làm nhiều điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng”.
Đáng tiếc, việc hiểu sai cách ý nghĩa và bản chất của hoạt động này đã dẫn đến một số hiện tượng không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường và các nỗ lực bảo vệ ĐVHD.
Gửi khuyến cáo đến gần 100 đền, chùa tại 37 tỉnh, thành trên cả nước
Từ thực trạng này, khi dịp rằm tháng 7 xá tội vong nhân đang đến gần, lo ngại tình trạng động vật và ĐVHD bị con người đặt bẫy bắt, nhốt, hành hạ để sau đó… phóng sinh làm phúc, ngay từ tháng 6/2020, ENV đã gửi công văn khuyến cáo tới gần 100 đền, chùa tại 37 tỉnh/thành trên cả nước đã từng ghi nhận có hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh ĐVHD tại đây.
|
Rùa biển bị nuôi nhốt tại chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) được thả về tự nhiên |
Hoạt động này được thực hiện nhằm khuyến khích các đền chùa và các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo khác sẽ tuân thủ các quy định pháp luật về ĐVHD cũng như hợp tác tuyên truyền cho phật tử và du khách về tình yêu thiên nhiên, yêu môi trường và các loài ĐVHD nhằm tạo ra giá trị nhân đạo từ những hành động thiết thực.
Theo ENV, tất cả các loài ĐVHD đều được bảo vệ ở những cấp độ nhất định theo quy định của pháp luật, do đó, hoạt động nuôi nhốt các loài ĐVHD không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 400 triệu đồng hoặc xử lý hình sự lên đến 15 năm tù.
Hơn nữa, sự thiếu hiểu biết của nhiều cá nhân về đặc tính sinh thái của các loài ĐVHD đã khiến một hành động “nhân đạo” lại gây ra những hệ quả phức tạp khôn lường. Không thiếu các trường hợp thả rùa biển, rùa cạn xuống ao, hồ khiến những cá thể này không thể sống sót lâu dài. Một số loài khác như khỉ và vượn cũng bị nhốt trong chuồng cũi chật hẹp và ngột ngạt, khác xa so với môi trường sống tự nhiên của chúng, gây nên những tổn thương cả về mặt thể chất lẫn tinh thần.
Nghiêm trọng hơn, nhu cầu mua ĐVHD để phóng sinh cũng vô tình tạo điều kiện thúc đẩy nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép phát triển. Ngày càng nhiều hơn những cá thể ĐVHD ngoài tự nhiên trở thành mục tiêu của những kẻ săn bắt trái phép rồi bị mang đi bán tại các cơ sở tín ngưỡng để phục vụ cho mục đích “tạo phúc” của một bộ phận người dân.
“Tập tục phóng sinh với ý nghĩa hành thiện tích đức, giải cứu và ban sự tự do cho các cá thể động vật đang gặp nạn là một hành động đáng trân trọng. Tuy nhiên, hành động này cần được thực hiện đúng cách, không nên chạy theo những giá trị phù phiếm, nhu cầu cá nhân mà thúc đẩy tình trạng mua, bán ĐVHD trái phép rồi phóng sinh tại các đền, chùa.
ENV không khuyến khích hoạt động nuôi nhốt, phóng sinh ĐVHD tại các đền, chùa và các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng khác. Cách tốt nhất để bảo vệ ĐVHD là không nuôi nhốt, tiêu thụ hay mua bán ĐVHD để chúng được sống tự do trong môi trường thiên nhiên” - bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc ENV nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 70% các bệnh truyền nhiễm trong 50 năm qua đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Những tiếp xúc trực tiếp với ĐVHD chính là điều kiện thuận lợi khiến con người mắc phải nhiều loại virus nguy hiểm như HIV/AIDS, cúm gia cầm, cúm lợn, SARS, Ebola, MERS.
Nguồn lây lan ban đầu của Covid-19 – đại dịch đang có ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới - cũng được xác định nhiều khả năng là từ ĐVHD. Việc nuôi nhốt ĐVHD tại chùa vì vậy cũng gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh có nguồn gốc từ ĐVHD cho con người.
Ý nghĩa phóng sinh trong Phật giáo
Theo Thượng tọa Thích Giác Toàn - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, phóng sinh tức là phóng thích, cứu mạng sống, ban cho sự tự do, giúp một chúng sanh trở về với đời sống thực sự của chúng… Còn về nghĩa bóng, phóng sinh là phóng thích tâm tham, đố kỵ, hơn thua, thù hận... ra khỏi con người.
“Đối với người theo đạo Phật, hành động phóng sinh những con vật đang gặp nạn như cá mắc lưới, chim bị bẫy… là việc làm từ tâm, từ bi, không nhất thiết phải thông qua nghi thức hay cần có một dịp lễ lớn để thực hiện. Trong đời sống hằng ngày, người ta vẫn có thể mở lòng thiện để cứu giúp các sinh vật nhỏ bé.
Phóng sinh là từ tâm nhằm cứu vớt các sinh linh, không thể dùng việc phóng sinh để đổi lấy may hay giải hạn cho con người. Nhiều trường hợp người dân đổ xô đi phóng sinh đã tạo cơ hội cho người khác đánh bắt, buôn bán chim, cá… sát hại sinh vật thì đây là việc người phóng sinh cần phải suy nghĩ. Đừng vì suy nghĩ chưa đúng mà gián tiếp tạo thêm nghiệp xấu cho bản thân” - Thượng tọa Thích Giác Toàn nhấn mạnh.