Ngày 7/2, tại Mèo Vạc (Hà Giang), một bé gái đi chơi xuân đã bị một nam thanh niên còn khá trẻ khống chế, giằng co ở giữa đường trước sự chứng kiến của nhiều người. Mặc cho bé gái kêu la, phản đối, nam thanh niên vẫn không dừng lại và những người đứng xem cũng không có ý can thiệp vì cho rằng thanh niên này đang bắt cô gái về làm vợ theo tục của người H’Mông.
Vụ việc tại Hà Giang chưa kịp lắng xuống thì chỉ sau vài ngày trên mạng xã hội lại lan truyền một đoạn clip chia sẻ về một cô gái trẻ ở Sa Pa, Lào Cai được cho là một nạn nhân của tục “bắt vợ”. Trong clip, cô gái bị nhóm thanh niên khoảng 5 - 7 người túm chặt tay chân “bắt về làm vợ”. Cô gái ra sức chống cự, bám chặt lấy chân bạn gái đi cùng. Có lúc cô ngồi thụp xuống, thậm chí nằm ra giữa đường bật khóc nhưng các thanh niên vẫn không dừng lại. Cô vẫn bị nhóm người tách ra và khiêng đi dưới trời mưa lạnh.
Hai vụ việc được cho là phong tục “bắt vợ” của người H’Mông ở vùng núi phía Bắc. Song dư luận hết sức bức xúc cho rằng, đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng tự do thân thể, vi phạm pháp luật về hôn nhân gia đình, là một hủ tục cần dẹp bỏ.
Các phong tục vốn mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp
Về phong tục tập quán này, trong một lần trao đổi với truyền thông, TS. Dân tộc học Trần Hữu Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh Lào Cai, nguyên Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian, người có gần 50 năm gắn bó cùng đồng bào các dân tộc ở vùng núi phía Bắc đã kể câu chuyện bản thân ông đã từng chứng kiến, thậm chí “tham gia” vào một cuộc “kéo vợ” mà ông gặp trên đường khi đi công tác vùng cao.
“Kéo vợ” vốn là phong tục truyền thống tốt đẹp của người H'Mông ở Mèo Vạc. |
Nguyên nhân của cuộc “kéo vợ” mà TS. Trần Hữu Sơn chứng kiến đó là do cô gái và chàng trai này yêu nhau nhưng nhà gái thách cưới cao quá: 1 con trâu, 200 lít rượu, 10 sinh ngô (khoảng 250kg), 3 con lợn to. Chàng trai nhà nghèo không thể chuẩn bị được lễ vật bèn tổ chức “kéo vợ”. Người trong cuộc của cuộc “kéo vợ” đó cũng giải thích cho ông Sơn cái lý của người H’Mông về “kéo vợ” chỉ được thực hiện khi cặp nam nữ yêu nhau thật lòng và mục đích của tục này là rút gọn các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, kết hôn. Bản thân cô gái và chàng trai đều đồng thuận với nhau trong việc “kéo vợ” này và chính vì thế gọi là “kéo vợ” chứ không phải “cướp vợ”.
Từ góc độ là một người con của dân tộc H’Mông, ông Vương Duy Bảo - cháu nội Vua Mèo, nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ VH,TT&DL - cũng khẳng định dân tộc H’Mông không có “bắt vợ”, chỉ có tục “kéo dâu”, mang ý nghĩa nhân văn, tốt đẹp.
Theo phân tích của ông Bảo, với dân tộc Kinh, khi một đôi nam nữ muốn trở thành vợ chồng sẽ cần các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, ra mắt, kết hôn... thì dân tộc H’Mông cũng có những thủ tục gần giống như vậy. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều gia đình không thực hiện được đủ các bước trên nên người dân nghĩ ra tục “kéo dâu” để rút ngắn các thủ tục, tiết kiệm chi phí và tục này được xã hội người H’Mông đồng tình, công nhận. Điều kiện tiên quyết của phong tục tập quán này là đôi nam nữ phải yêu nhau, mong muốn trở thành vợ chồng.
Vì đâu biến tướng?
Theo TS Trần Hữu Sơn, tục “kéo vợ” là phong tục tích cực nhằm chống lại việc thách cưới cao. Người con gái cũng chủ động tham gia kéo vợ. Đôi nam nữ yêu nhau mới kéo. Tuy nhiên gần đây ở một số nơi, một số người lợi dụng để “cướp” chứ không còn “kéo” nữa. TS Trần Hữu Sơn cho rằng, hai trường hợp “cướp vợ” gần đây đã vi phạm pháp luật và phá vỡ nguyên tắc của cộng đồng.
Lý giải về sự biến tướng khiến phong tục tập quán đẹp biến thành hủ tục, thậm chí là vi phạm pháp luật, ông Vương Chí Bảo cho rằng, nam thanh niên trong vụ việc gần đây có thể không hiểu về phong tục tập quán hoặc có thể hiểu nhưng cố tình làm sai, biến tướng. Ông Bảo cũng nhấn mạnh việc thời gian qua, nhiều người cố tình hiểu sai về tục “kéo dâu”, lợi dụng phong tục tốt đẹp này để làm bậy, vi phạm pháp luật. Nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương tuyên truyền, đính chính về bản chất tốt đẹp của tục “kéo dâu” và phải có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với những người lợi dụng phong tục tập quán, cố tình làm sai vì mục đích cá nhân.
Từ góc độ chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương, trao đổi với truyền thông, bà Triệu Thị Tình - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang cho biết, đây là một phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc H’Mông. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu rõ về phong tục, dẫn đến biến tướng và trở thành “bắt vợ” với những hành động sai bản chất, vi phạm pháp luật. Theo lãnh đạo Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang, chính quyền địa phương thời gian qua rất tích cực tuyên truyền, nhắc nhở người dân duy trì những phong tục tập quán tốt đẹp, nhưng cũng bài trừ hủ tục. Sau vụ việc, Sở VH,TT&DL tỉnh Hà Giang đã có văn bản, đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm việc cưới, tang và Luật Hôn nhân và Gia đình.
Còn theo chính quyền địa phương thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai, “bắt vợ” là biến tướng của tục “kéo dâu”, vốn là phong tục truyền thống tốt đẹp, nhân văn của dân tộc H’Mông. Tục “kéo dâu” chỉ được thực hiện khi cặp nam nữ yêu nhau thật lòng và mục đích của tục này là rút gọn các thủ tục như ăn hỏi, dạm ngõ, kết hôn... Ngược lại, “bắt vợ” đang bị nhiều người biến tướng khi có những hành động ép buộc, khống chế người phụ nữ phải về làm vợ. Hành vi này là vi phạm pháp luật và vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.
Lợi dụng phong tục tập quán để phạm luật
Đó là quan điểm của Luật sư Nguyễn Thị Bích Hạnh – Trưởng Văn phòng Luật sư Hạnh Nguyễn, Đoàn Luật sư Hà Nội. Theo Luật sư Bích Hạnh, qua hai vụ việc xảy ra ở Hà Giang và Lào Cai gần đây, có thể thấy, nhóm thanh niên tham gia đã lợi dụng phong tục tập quán của người H’Mông để vi phạm pháp luật.
“Nguyên nhân có thể do việc hiểu sai, nhận thức sai về phong tục tập quán mà dẫn đến thực hành sai cộng với nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Nhìn nhận từ góc độ pháp luật thì việc làm này có thể đã phạm vào một trong số các hành vi vi phạm pháp luật như: bắt, giữ người trái pháp luật, tảo hôn; nếu có quan hệ tình dục thì thêm tội hiếp dâm... Nhóm người cùng tham gia cũng sẽ là đồng phạm trong vi phạm này. Tuy nhiên, còn cần phải xem xét cụ thể từng hành vi, hậu quả pháp lý và động cơ, mục đích nữa mới có thể kết luận chính xác được, nhưng nếu là các hành vi “cướp/bắt” thì chắc chắn là vi phạm pháp luật và cần cơ quan chức năng vào cuộc” - Luật sư Bích Hạnh phân tích.
Đã có nhiều năm kinh nghiệm công tác tại Ngôi nhà Bình yên của Hội LHPN Việt Nam và là chuyên gia giới và phòng chống bạo lực gia đình, bà Lê Thị Phương Thúy nêu quan điểm, phong tục “kéo vợ” thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc của người H’Mông, đó là khát vọng tự do trong tình yêu, hôn nhân của người H’Mông từ xa xưa. Về bản chất, tục kéo vợ của người H’Mông chỉ được coi là đẹp khi đó là một “cánh cửa” để giúp những đôi trai gái yêu nhau mà do nghèo không đủ tiền cưới, tiền mời làng ăn bước vào hôn nhân. Nét văn hóa ấy không thể đánh đồng với hành vi bạo lực giới là “lôi kéo” con gái nhà người ta khi không có tình yêu, không có hẹn hò hay sự thỏa thuận, đó là hành vi bắt cóc, nhốt giữ người trái ý muốn, trái pháp luật.
“Điều đáng nói ở đây là nhiều cộng đồng, thậm chí ban ngành liên quan chưa nhận thức rõ đây là hành vi bạo lực giới, chưa kiên quyết chống lại hành vi này và bảo vệ cho nạn nhân. Hệ lụy của nó là nhiều trẻ em gái đã bị bắt, nhốt, hiếp dâm hoặc bị mua bán một cách vô nhân đạo “núp bóng” trá hình bằng phong tục tập quán. Để phong tục đẹp được giữ gìn, cán bộ chính quyền địa phương và mỗi người dân cần hiểu rõ bản chất của phong tục và chỉ chấp nét văn hóa này như là mình chứng cho tình yêu vượt lên khó khăn để được ở bên nhau.
Về lâu dài, cùng với nhận thức tốt hơn về pháp luật, các hủ tục thách cưới của người H’Mông gồm bạc trắng, trâu, lợn, gà, rượu, gạo, sính lễ ăn hỏi, dẫn cưới không còn làm khó các chàng trai người H’Mông khi lấy vợ thì tục “kéo vợ” sẽ nên chỉ là di sản văn hóa mang tính hình thức như chợ tình Sa Pa hiện nay. Ở góc độ chính quyền, cần kiên quyết và có biện pháp can thiệp kịp thời và xử lý nghiêm minh đối với các hành vi “kéo vợ không có tình yêu, không có thỏa thuận” vì đó chính là vi phạm pháp luật” - bà Phương Thúy nhấn mạnh.
Qua ý kiến của nhiều chuyên gia cũng nha các nhà quản lý văn hóa, có thể nói, không chỉ với tục “kéo vợ” của cộng đồng dân tộc H’Mông bị biến tướng mà trong đời sống hiện đại, nhiều phong tục cũng dần mai một giá trị tốt đẹp vốn có. Để tránh sự biến tướng này, bên cạnh việc truyền thông giúp người dân phân biệt rõ đúng, sai trong thực hiện phong tục, thì cũng cũng cần xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm pháp luật. Có như vậy, thế hệ trẻ mới hiểu đúng để thực hành, tiếp nối truyền thống tốt đẹp ở góc độ “lọc hay, bỏ dở” và tôn trọng pháp luật.