Nếu những bài viết của các phóng viên đảm bảo mạch máu thông tin tuyên truyền vùng dịch thì Nhật ký đối mặt với COVID-19 của Báo là những câu chuyện xúc động, ấm áp tình người của chính những người trong cuộc.
Đảm bảo mạch máu thông tin tuyên truyền vùng dịch
Thượng tá Hoàng Gia Minh, Trưởng phòng Kinh tế, Xã hội, Nội chính, Báo Quân đội nhân dân (QĐND) cho biết, đưa tin về dịch COVID-19, Báo có hai phòng chủ chốt là: Phòng Quốc phòng-An ninh (QPAN) và Phòng Kinh tế, Xã hội, Nội chính.
Ngay khi có dịch COVID-19, Báo QĐND đã tổ chức các tổ phóng viên chiến trường, trực tiếp vào tâm dịch đưa tin. Đến nay Báo tổ chức được 6 tổ, mỗi tổ có 4-5 người. Vùng tâm dịch Bắc Ninh và Bắc Giang luôn có 1 tổ phóng viên trực chiến, tác nghiệp. Ngay từ khi xuất hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, một giờ sau, tổ phóng viên chiến trường đã lên đường vào “chảo lửa” Bắc Giang.
Tổ phóng viên chiến trường Báo QĐND tác nghiệp đầu tiên tại Bắc Giang do Trung tá Nguyễn Tiến Đạt, Phó trưởng phòng QPAN làm tổ trưởng. Ngoài lái xe, tổ còn 3 phóng viên khác là: Thiếu tá Trịnh Phú Sơn, phóng viên Ban ảnh, Thiếu tá Trần Duy Văn, phóng viên Phòng QPAN, Bí thư Chi đoàn của Báo và Đại úy Trần Tuấn Sơn, phóng viên Phòng Báo QĐND điện tử.
Trong tổ phóng viên số 1 của Báo QĐND tăng cường về tâm dịch Bắc Giang, Bắc Ninh lần này, nhiều cá nhân có điều kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn như quê xa, con nhỏ, cả hai vợ chồng đều đi công tác...
Đại úy Trần Duy Văn đã 3 lần vào các tâm dịch, trong đó có 2 lần đi tác nghiệp báo chí, 1 lần đi tặng quà người dân, hai lần phải đi cách ly. Tuy nhiên, tất cả đều xác định luôn sẵn sàng chiến đấu, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
“Sau hơn 2 tuần tác nghiệp tại tâm dịch Bắc Giang, tôi bất ngờ nhận thông báo nằm trong nhóm thí sinh tham gia thi báo cáo viên của đơn vị đợt này. Tuy vậy, tôi vẫn xung phong ở lại tác nghiệp, chỉ căn đủ thời gian về Tổng cục Chính trị cách ly 21 ngày theo quy định trước khi bước vào hội thi”, Đại úy Văn cho biết.
|
Trung úy QNCN Nguyễn Văn Hải tham gia phục vụ tại khu cách ly cơ sở 2 của Trung đoàn 833. |
Hàng ngày, tổ cơ động tuyên truyền giữa các điểm nóng COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Trong đó, khó khăn lớn nhất là địa bàn phong tỏa rộng, số lượng F0, F1 và các khu cách ly tập trung lớn khiến việc tiếp cận nguồn tin hạn chế.
Hiện tại, sau khi tác nghiệp hơn 3 tuần, tổ phóng viên số 1 đang thực hiện cách ly 21 ngày. Tổ phóng viên số 2 tiếp tục công việc đảm bảo mạch máu thông tin tuyên truyền liên tục tại Bắc Ninh, Bắc Giang. Đến nay, chưa có phóng viên Báo QĐND tác nghiệp vùng tâm dịch nào nhiễm virus SARS-CoV-2.
Trung tá Nguyễn Tiến Đạt cho biết, nhiệm vụ tuyên truyền phòng chống COVID-19 được Báo QĐND coi là nhiệm vụ trọng tâm, nên quan tâm, chỉ đạo các tổ phóng viên thực hiện nhiệm vụ kép, mở nhiều chuyên trang, chuyên mục (Trên tuyến đầu chống dịch, Nhật ký đối mặt COVID-19…), tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về các hoạt động của các cơ quan từ trung ương đến địa phương và các đơn vị trong Quân đội trên tuyến đầu chống dịch. Cùng với đó là tuyên truyền các nhiệm vụ QPAN và các hoạt động khôi phục lại sản xuất, phát triển kinh tế…
Chuyện của những người đối mặt với COVID-19
Dù trưa muộn nhưng Trung tá Hồ Quang Phương, Phó phòng Kinh tế, Xã hội, Nội chính vẫn say sưa kể về những nhân vật, những câu chuyện của chính những người trong cuộc viết, được chọn đăng trên Nhật ký đối mặt với COVID-19 của báo.
Đó là câu chuyện về những đêm trắng, là sự hy sinh thầm lặng của các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân. Hơn 22 giờ ngày 28/5, buổi giao ban trực tuyến của Bệnh viện dã chiến truyền nhiễm (BVDCTN) số 2 Bộ Quốc phòng chuẩn bị khép lại thì điện thoại của Thượng tá, PGS, TS Lương Công Thức, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 103 (Học viện Quân y), Giám đốc BVDCTN số 2 liên tục đổ chuông... Đầu dây bên kia, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang giọng khẩn khoản: “Rất gấp nhưng chúng tôi trân trọng đề nghị bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân vào đêm nay...”.
Tắt điện thoại, Thượng tá Lương Công Thức thông báo cho đội ngũ cán bộ: “Hôm nay, các ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng đột biến, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Bắc Giang đề nghị chúng ta tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân vào điều trị. Tầm quá nửa đêm bệnh nhân sẽ về đến nơi. Hiện nay, bệnh viện không đủ số giường bệnh, vì vậy, tôi định dùng toàn bộ khu nhà của lãnh đạo bệnh viện và của cán bộ, thầy thuốc đang ở làm phòng điều trị cho bệnh nhân.
Các đồng chí dồn dịch vào khu nhà tạm phía bên ngoài. Số còn lại, tôi sẽ đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh bố trí nơi ở mới để di chuyển sang, nhường chỗ cho bệnh nhân. Họ đang rất cần chúng ta. Phải chuẩn bị cả tình huống không chỉ đêm nay mà cả ngày mai lượng bệnh nhân sẽ tăng cao”.
Kết thúc mọi công việc thì trời cũng gần sáng, cởi bộ đồ phòng hộ, gương mặt các y, bác sĩ phờ phạc, in hằn những vệt tì của kính, của khẩu trang-dấu vết sau một đêm thức trắng làm việc cật lực. Họ sẽ còn nhiều đêm trắng như vậy nữa, cho đến khi dịch bệnh qua đi...
Đó là câu chuyện xúc động về gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Văn Hải, nhân viên quân khí Trung đoàn 833, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Bắc Ninh đang tham gia phục vụ tại khu cách ly cơ sở 2 của Trung đoàn. Anh Hải có hoàn cảnh đặc biệt, dù con gái nhỏ 9 tháng tuổi mới mổ tim nhưng anh vẫn xung phong làm nhiệm vụ tại tâm dịch Bắc Ninh.
Ở nhà, người vợ tần tảo chăm sóc hai con nhỏ, dù trái tim cháu bé 9 tháng tuổi “không còn tiếng loẹt xoẹt như trước khi mổ” nhưng sức khỏe rất yếu. Chồng ở tâm dịch không biết ngày nào mới trở về, mẹ con phải bồng bế nhau đi khám định kỳ nhưng vợ anh Hải vẫn nhắn nhủ động viên chồng yên tâm công tác.
Những dòng lời nhắn hằng ngày vợ anh Hải gửi qua mạng xã hội Zalo là câu chuyện ấm áp phía sau cuộc chiến chống COVID-19: “Ngày 12/6, sáng nay nghe anh bảo, đơn vị anh vừa tiếp nhận thêm công dân về cách ly. Thế cũng có nghĩa là nhanh nhất phải hơn 1 tháng nữa anh mới được về thăm nhà phải không? Mọi việc anh dặn em đã làm và chuẩn bị xong hết rồi. Trận áp thấp nhiệt đới hôm trước có lốc to, mưa lớn, nhưng may nhà mình không bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ có vài cành cây gãy rơi xuống sân. Ba mẹ con em vẫn ổn.
Hôm qua, nhà bác cả đã cho mình vay 35 triệu đồng. Vậy là cộng với tiền tiết kiệm của vợ chồng mình đã đủ 60 triệu để mình trả tiền mổ tim cho con rồi anh ạ. Anh không cần phải vay mượn thêm nữa nhé và tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Những ngày căng thẳng nhất khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Bắc Giang, cô giáo Trần Thị Thành (Trường Mầm non Song Khê, xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) đã xung phong đi chống dịch cùng lực lượng y tế địa phương. Do tiếp xúc gần với bệnh nhân F0, chị đã phải vào khu cách ly tập trung.
Trong khi đó, chồng chị, Thượng úy QNCN Lê Thanh Toản, công tác tại Trung đoàn 692, Sư đoàn 301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội tham gia chống dịch nhiều ngày chưa được về nhà. Hai con gái Lê Phương Nhung (10 tuổi) và Lê Tuệ Lâm (3 tuổi) của chị phải ở với bà ngoại.
Gia đình chị Thành cũng như hàng vạn gia đình khác, vẫn liên lạc động viên nhau hằng ngày và cùng hẹn ước: Bao giờ hết dịch, cả nhà mình sẽ đoàn tụ!