Phụ huynh ngộp thở trước… “mùa nộp tiền”

Khác với mọi năm, tại Hà Nội, các khoản tiền đầu năm học đã được các trường công lập thu khá… lẻ tẻ làm nhiều đợt cho đến buổi họp phụ huynh đầu năm. Thế nhưng, ở vùng ngoại thành, các khoản thu “đánh rụp”khiến nhiều gia đình nông dân kêu trời…

Khác với mọi năm, tại Hà Nội, các khoản tiền đầu năm học đã được các trường công lập thu khá… lẻ tẻ làm nhiều đợt cho đến buổi họp phụ huynh đầu năm. Thế nhưng, ở vùng ngoại thành, các khoản thu “đánh rụp”khiến nhiều gia đình nông dân kêu trời…

“Phụ” cao hơn “chính”   

Bác N. T, có 3 con đang học từ cấp 1 tới cấp 3 tại quận Tây Hồ (Hà Nội). Bác N. T cho biết: Tại cuộc họp phụ huynh của con bác ở trường THCS Đông Thái, ngoài các khoản lặt vặt khác thì “nặng” nhất vẫn là quỹ Ban phụ huynh 400 ngàn/kì và tiền học thêm tại trường 2 buổi/ tuần là 675 ngàn/ kì.

Bác T bức xúc chia sẻ, trong khi học phí chỉ 40 ngàn/ tháng thì tiền học thêm tại trường lại gấp tới gần… 4 lần? Và vấn đề ở đây là 2 khoản trên thực sự là “tự nguyện” nhưng Ban phụ huynh thông báo đóng tiền như chuyện đã rồi hay nói đúng hơn là sự ép buộc, dù nhiều phụ huynh phàn nàn vẫn không thể từ chối.

Bởi đã là học thêm thì có quyền lựa chọn, có thể học hay không học nhưng nhà trường dường như đã mặc định, HS nào cũng phải tham gia. Bác T nói, với những gia đình khá giả đã vất vả, đây chúng tôi đã về hưu lại nuôi ba con ăn học thì những khoản phụ thu đó chúng tôi xoay xở đâu ra?

Thay đổi mẫu đồng phục là một “chiêu” để các trường ép phụ huynh phải theo. Một phụ huynh của Trường tiểu học Đ.K - Q.Hoàng Mai, Hà Nội cho hay: Năm nay đồng phục của trường thay đổi một chút thôi, mặc dù cháu nhà tôi không lớn hơn năm ngoái đáng kể nhưng vẫn phải mua đồng phục mới.

20 đoàn thanh tra kiểm tra lạm thu

Sở GD-ĐT Hà Nội  vừa thành lập 20 đoàn thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các khoản thu, chi và hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm đầu năm học 2013 - 2014. Thời gian kiểm tra từ ngày 14 - 25/9, tập trung vào các nội dung như: thực hiện các khoản thu theo quy định và các khoản thu ngoài học phí, các chính sách hỗ trợ học sinh khó khăn và việc triển khai hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm.

Còn phụ huynh Trường tiểu học V.Y (Q.Hà Đông, Hà Nội), cho biết: Dù không thay đổi mẫu mã nhưng mỗi đồng phục HS lại in tên lớp trên áo (ví dụ lớp 1A, 2A...) nên năm học mới lại phải bỏ đồng phục cũ vì số lớp đã thay đổi”. Còn HS Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Q. Long Biên, Hà Nội cũng từng phàn nàn việc khi hiệu trưởng cũ về hưu, hiệu trưởng mới lên cũng thay luôn đồng phục HS(!?).

Ngoại thành… càng sốc

Chị Nguyễn Thị H.  (Đông Anh- Hà Nội) có 2 con học lớp 3 và lớp 6. Vào năm học, số tiền phải nộp theo yêu cầu của nhà trường là hơn 5 triệu đồng cho 2 con bằng cả hơn 2 tháng lương (công nhân dọn vệ sinh) của chị. Còn nhà anh Nguyễn Văn T. đóng tiền học cho 3 con học lớp 3, lớp 5 và lớp 9 tổng cộng hơn 12 triệu đồng.

 Nếu như các trường nội thành nhạy cảm hơn với việc thu tiền vì sợ Sở Giáo dục kiểm tra nên đã thu lẻ tẻ để phụ huynh đỡ sốt ruột thì các trường ở khu vực ngoại thành, nông thôn vẫn…mạnh tay thu. Chẳng hạn như, nhiều trường nội thành quần áo đồng phục thu 550 ngàn đồng nhưng học sinh nào không mặc vừa quần áo năm trước mới phải mua thêm. Còn ở nhiều trường ngoại thành năm nào cũng bắt học sinh phải mua đồng phục mới.

Tất cả những khoản thu cộng dồn như vậy khiến phụ huynh học sinh đau đầu, không ít nhà phải đi vay mượn để nộp tiền học cho con. Trường hợp nhà chị H., hoàn cảnh khó khăn có viết đơn xin miễn giảm học phí cho con, nhưng nhà trường cho biết: Nhà trường không thu học phí (cấp Tiểu học) nên không có cơ sở để miễn giảm, còn khoản thu đầu năm là khoản thu thoả thuận giữa nhà trường và gia đình nên buộc học sinh phải đóng trừ trường hợp gia đình thuộc diện nghèo (có chứng nhận) mới được xem xét.

Đó là với trường công, trường tư thì còn muôn hình vạn trạng các khoản thu “khủng”. Có trường, riêng tiền đồng phục đã lên tới gần 7 triệu đồng như trường Olympia tại khu Trung Văn (Từ Liêm)…

Mong manh “ tự nguyện”

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội khoa học tâm lý Giáo dục Hà Nội cho biết: “Lạm thu là căn bệnh trầm kha trong ngành giáo dục. Mặc dù đã có khá nhiều quy định của ngành giáo dục về tiền trường nhưng năm nay vấn đề này chắc vẫn còn lặp lại ở không ít nhà trường, nhất là ở các trường công lập.

Hội phụ huynh là “quân xanh” của nhà trường, sinh ra chỉ để hợp pháp hóa các khoản lạm thu mà lâu nay vẫn không làm sao khắc phục nổi… Cho nên, vấn đề này hoàn toàn phụ thuộc vào sự điều hành có bản lĩnh, tử tế của người đứng đầu ở mỗi nhà trường”.

PGS.TS Chu Hồng Thanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế bộ GĐ-ĐT cho rằng: Quy định bắt buộc phải đóng tiền là sai nhưng luật dân sự cho phép đóng góp tự nguyện. Nếu người ta đóng góp  tự nguyện thì về mặt pháp luật hoàn toàn không sai. Nhưng khi thảo luận xong, bổ bình quân đầu người thì có những phụ huynh không có điều kiện thì không thể ép buộc.

Dù đã thảo luận nhưng phải trên cơ sở tự nguyện, biểu quyết. Có người không đóng mức tối thiểu mà đóng nhiều hơn gấp đôi, gấp ba cũng là bình thường phù hợp với luật Dân sự, luật Giáo dục. Vì thế, ranh giới giữa ép buộc và tự nguyện rất mong manh và hay bị lợi dụng. Có trường biến tướng soạn 1 số mẫu  tự nguyện hoặc không tự nguyện đóng góp thứ này, thứ khác là sai.

Nguyễn Mỹ

Đọc thêm