Phụ huynh từ chối cho con làm “chuột bạch” của Bộ Giáo dục

(PLO) - Trong khi chất lượng của việc dạy học ngoại ngữ đang là ở mức báo động thì Bộ GD-ĐT lại vẫn tiếp tục triển khai nhiều thứ tiếng vào bậc tiểu học. Trước thông tin Bộ GD- ĐT cho thí điểm dạy tiếng Nhật từ lớp 3 tại 5 trường ở Hà Nội, TP HCM tiến tới thực hiện dạy thí điểm tiếng Nga và tiếng Trung bắt đầu từ năm sau, rất nhiều phụ huynh, giáo viên đã bày tỏ ý kiến về vấn đề này.
Thêm nhiều ngoại ngữ, thêm áp lực? Ảnh minh họa
Thêm nhiều ngoại ngữ, thêm áp lực? Ảnh minh họa

“Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được ngoại ngữ không?”

Trong lộ trình của đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, Bộ GD-ĐT kỳ vọng tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai. Bắt đầu từ năm học 2017, Bộ sẽ thí điểm dạy tiếng Trung Quốc và tiếng Nga, tiếng Nhật từ lớp 3 đến lớp 12 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Ngoại ngữ thứ hai bao gồm: tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức.

Như vậy, để thúc đẩy mục tiêu thạo ngoại ngữ cho thanh niên Việt Nam, đề án lớn với kinh phí 9.378 tỷ đồng đang được rốt ráo điều chỉnh. Tuy nhiên, đến nay dù Đề án đã đi được hơn nửa chặng đường nhưng kết quả đạt được so với mục tiêu khá xa vời. Cho đến năm 2015, tỷ lệ HS phổ thông theo học chương trình tiếng Anh 10 năm mới đạt 23,6% (tiểu học đạt 53,3%, THCS đạt 10,2% và THPT chỉ đạt 1,3%). Kết quả của môn Tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2016 cũng là một tham chiếu, điểm trung bình cả nước là 3.43; có 84% thí sinh đạt điểm dưới trung bình. Vấn đề quan trọng, theo các chuyên gia, Bộ GD-ĐT cần minh bạch hơn cũng như có lộ trình cụ thể, rõ ràng đối với mục tiêu đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam như kế hoạch.

Theo các chuyên gia, thiếu những tiêu chí này, bất kỳ chiến lược cải thiện trình độ tiếng Anh nào cũng sẽ rất dễ đi vào vết xe đổ của những dự án giáo dục hoành tráng nhưng thiếu thực tế trước đây. Ngoài việc thiếu một lộ trình cụ thể, mục tiêu này được đưa ra trong khi môn Tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất (3,48 điểm) tại kỳ thi THPT quốc gia 2016 (số bài thi dưới điểm trung bình gần 90%). Do vậy, các chuyên gia cho rằng thay vì xác định chung chung, Bộ cần làm rõ mình muốn gì cụ thể ở mục tiêu “ngôn ngữ thứ hai” này.

Thực tế, đại diện ĐH Tây Nguyên cho hay, trong số 47% sinh viên chưa đủ điều kiện tốt nghiệp năm qua có tới 79% do không đạt được chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ. Với HS, do Bộ vẫn cho thi thay thế môn Tiếng Anh nên tỷ lệ chọn môn này rất thấp trong kỳ thi THPT quốc gia.

Còn Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Vũ Văn Trà cho rằng, việc dạy học ngoại ngữ ở các trường vẫn chưa theo hướng học để sử dụng vào thực tiễn, chủ yếu dạy HS viết, đọc để đi thi; kỹ năng nói, nghe rất ít. 

Chỉ ra những bất cập, TS Nguyễn Thị Minh Hồng - Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP HCM, đánh giá việc thực hiện đề án tại TP HCM thì các nhiệm vụ do Đề án Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 qua từng năm thiếu tính kế thừa, thống nhất, dẫn đến mỗi năm thực hiện một nhiệm vụ khác nhau, rời rạc. CT-SGK, giảng dạy chưa thực sự đổi mới, còn nhiều bất cập. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi kể, có một câu hỏi của phụ huynh khiến các giáo viên thường né tránh: “Con tôi học ngoại ngữ vậy có dùng được ngoại ngữ không?”.

Không muốn con là “chuột bạch”

Nhiều giáo viên cho rằng, ở bậc tiểu học chỉ nên triển khai dạy tiếng Anh- ngôn ngữ quốc tế phổ cập. Ở bậc học này các em chỉ cần học tốt một ngoại ngữ đã đủ chật vật rồi. Ngay cả tiếng Pháp dù đã triển khai từ rất lâu ở một số trường tiểu học nhưng vẫn chưa thể mở rộng được. Với những kết quả dạy tiếng Anh còn quá thấp như hiện nay, nhiều người cho rằng, việc dạy và học thêm nhiều môn ngoại ngữ sẽ chỉ tạo thêm áp lực cho HS và xã hội.

Chị Thu Hà, một phụ huynh ở quận Đống Đa (Hà Nội) băn khoăn: “Thế hệ chúng tôi đã là “chuột bạch” cho chương trình cải cách giáo dục năm 1980, đã lãng phí 6 năm để học tiếng Nga, tiếng Trung, đến khi ra trường không có môi trường sử dụng, lại phải học tiếng Anh để phục vụ công việc. Đã bỏ rồi, giờ lại học. Thêm nữa, các trường kỹ thuật trong nước bỏ tiếng Nga hết rồi thì học để làm gì? Bộ cứ thí điểm thế này chỉ làm khổ các cháu. Quay lại học tiếng Nga và tiếng Trung Quốc có thể coi là bước lùi”.

Anh Trung Kiên (Hà Nội) cho biết: “Thế hệ chúng tôi từng học hai môn này kết quả không giải quyết được gì. Đến bây giờ bạn bè cũ của tôi không ai sử dụng được tiếng Trung và tiếng Nga. Giờ con mình lại phải học thì tôi không hiểu để làm gì. Bộ GD-ĐT coi HS là thứ để thí nghiệm. Bộ định rút ra cái gì khi cho các em phải học, phải thi cái thứ ngoại ngữ để với hầu hết là không dùng? Trong khi thời gian học có hạn, sao không tập trung cho các em học tiếng Anh đang là một ngôn ngữ quốc tế?”. 

Hơn nữa, hiện nay trình độ tiếng Anh của HS vẫn phải dựa chủ yếu vào việc đi học thêm ở các trung tâm với sĩ số lớp học thêm chỉ khoảng 10 em/ lớp.Vì vậy, các giáo viên cho rằng, nếu thêm nhiều môn ngoại ngữ được dạy ở trường nhưng với sĩ số lớp học lớn như hiện nay thì sẽ không mang lại lợi ích nhiều cho xã hội và trình độ ngoại ngữ của HS nói chung.

Thậm chí, chị Xinh Truong An phản ứng gay gắt trên trang cá nhân của mình: “Nếu trường con tôi học đăng ký “thí điểm” tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con chuyển trường. Nếu các trường học ở Việt Nam đều dạy “thí điểm” tiếng Nga và tiếng Trung, tôi sẽ cho con nghỉ học hoặc du học! Tôi không kỳ thị thứ tiếng nào cả, nhưng tôi không chấp nhận con tôi trở thành vật thí nghiệm của người khác”. 

Điều đáng lo ngại nữa, trong những năm qua dù được đầu tư đáng kể để đào tạo và bồi dưỡng, nhưng chất lượng đội ngũ giáo viên, yếu tố quyết định cho việc dạy học so với chuẩn còn thấp. Tại nhiều địa phương như: Tuyên Quang, Hà Giang, Ninh Thuận, Quảng Nam… tỷ lệ đạt chuẩn mới từ 7-15%. Ở TP HCM, tỷ lệ này cũng chỉ đạt gần 50%. Thậm chí, lãnh đạo một Sở GD-ĐT thẳng thắn: “Chuẩn này có phản ánh đúng thực chất hay không còn là câu hỏi lớn?”.

Theo PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, việc dạy nhiều ngoại ngữ trong trường ở nhiều nước cũng đã thực hiện từ lâu. Nhưng ở nước ta, để triển khai được thì Bộ GD- ĐT cần có sự chuẩn bị chu đáo, tính toán kỹ lưỡng như: đội ngũ giáo viên, phương pháp dạy ra sao và địa phương nào có nhu cầu, có điều kiện thì mới triển khai. Làm sao để việc học mang tính thiết thực, thực sự có hiệu quả chứ không phải dạy cho có, sẽ rất lãng phí. Bà Phạm Thị Yến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành công B (Hà Nội) cho rằng: Dù có muốn thí điểm trong năm tới thì cũng không thể kịp được vì cần có lộ trình chuẩn bị đội ngũ giáo viên, rồi CT-SGK nữa. Đội ngũ giáo viên là vấn đề vô cùng quan trọng, nếu dạy không đảm bảo chất lượng thì rất nguy.

Đọc thêm