Báo cáo tại hội nghị về kết quả hoạt động phòng, chống mua bán người (MBN) từ đầu năm 2019 đến nay, Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm MBN- Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, tình trạng MBN diễn ra rất phức tạp. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn quốc phát hiện xảy ra 89 vụ, liên quan đến 142 đối tượng, lừa bán 169 nạn nhân. So với cùng kỳ năm 2018, giảm hơn 10% số vụ, tăng 12,7% số đối tượng và giảm hơn 28% số nạn nhân.
Có rất nhiều nguyên nhân và thủ đoạn dẫn tới tình trạng trên, nhưng theo đánh giá của Bộ Công an, thủ đoạn nổi lên là tội phạm thường lợi dụng dịp trước, sau Tết Nguyên đán, lượng người đi lại, buôn bán hàng hóa khu vực biên giới tăng mạnh, nhất là biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức xuất cảnh trái phép, di cư, lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ…
Bên cạnh đó, gần đây các đối tượng thông qua mạng xã hội, giả danh là cán bộ công an, bộ đội biên phòng để gọi điện tán tỉnh, làm quen với nạn nhân (chủ yếu là phụ nữ người dân tộc Mông, trong độ tuổi từ 16-23). Các đối tượng này hứa hẹn tổ chức đám cưới, hẹn hò, rủ nạn nhân đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân, sau đó bán họ ra nước ngoài. Cơ quan chức năng đã phát hiện các vụ việc xảy ra tại các tỉnh biên giới phía Bắc, như Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái….
Cùng với đó, tình trạng mua bán, chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người, đẻ thuê… diễn ra vô cùng phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triệt phá đường dây mua bán nội tạng xuyên quốc gia liên quan đến 5 đối tượng. Trong thời gian hoạt động, các đối tượng đã thực hiện bán thận của hàng trăm nạn nhân, thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Đặc biệt, theo Thượng tá Đinh Văn Trình, do nhận thức kém và hám lợi nên một số phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa đã nghe theo đối tượng xấu, đem bán cả con đẻ của mình, thậm chí giao dịch mua bán diễn ra ngay cả khi đứa trẻ còn chưa được sinh ra. “Chẳng hạn ở miền Tây Nghệ An, trong một số trường hợp còn có sự đồng thuận của cả vợ và chồng. Theo đó, người vợ đang có bầu mang bào thai ra nước ngoài sinh nở rồi bán. Đây là điều chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong xử lý”- Thượng tá Trình cho biết.
Khó khăn mà ông Trình nói đến là khi cơ quan chức năng phát hiện việc mua bán diễn ra trong nước thì bào thai này có được coi là đứa trẻ không? Nêu ra vấn đề này, ông Trình cũng tự trả lời: “Vì nó chưa sinh ra nên không coi là đứa trẻ được. Vậy tội danh đó có phải là mua bán bộ phận cơ thể người hay không?”. Từ đó, ông Trình đề nghị nên có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc.
Về công tác tiếp nhận thông tin, xác minh và hỗ trợ nạn nhân. Thượng tá Trình khẳng định, ngay sau khi các cơ quan liên quan tiếp nhận được thông tin về nạn nhân thì phải có phương án bảo vệ - cả khi nạn nhân đang ở nước ngoài. Cùng với đó, các chương trình tập huấn kỹ năng cho cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác này cũng được Bộ Công an chú trọng.
Ví dụ, khi nạn nhân đang bị các đối tượng xấu bắt giữ tại nước ngoài thì phải hướng dẫn nạn nhân như thế nào để đảm bảo an toàn cho họ. “Nếu nạn nhân khăng khăng đòi về thì bọn chúng sẽ nhốt, sẽ thu điện thoại, thậm chí đánh đập và bán nạn nhân đi nơi khác, như thế rất nguy hiểm và chúng ta sẽ mất nạn nhân. Bởi khi ở nước ngoài, nạn nhân không biết tiếng, địa chỉ, không có quan hệ… Vì vậy chúng tôi phải hướng dẫn các đơn vị có kỹ năng để hướng dẫn các nạn nhân thông tin như thế nào, thông tin vào thời điểm nào cho hợp lý, cách xử lý ra sao khi ở nước ngoài, lợi dụng cơ hội nào để trốn?…” - Thượng tá Trình nói.
Góp phần vào công tác giáo dục và phòng ngừa, Bộ Ngoại giao cũng đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài (+84 981 84 84 84); kịp thời hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài và nạn nhân bị mua bán. Đồng thời, tổ chức một khóa đào tạo, tập huấn về công tác phòng, chống MBN, trong đó cập nhật các xu hướng mới của tội phạm MBN cho các cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài…