“Tử thần cao gót”
Vụ tai nạn liên hoàn mới đây tại TP HCM do nữ tài xế lái BMW gây ra đã khiến dư luận bàng hoàng, đau xót. Theo lời khai ban đầu của nữ tài xế này thì việc đã sử dụng rượu bia và đi giày cao gót là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Hậu quả của vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này làm 1 người chết và 5 người khác bị thương.
Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên xảy ra liên quan đến giày cao gót, trước đó, tại Hà Nội vào lúc 17h30 ngày 21/8/2018, gần nút giao Nguyễn Trãi – Láng (Hà Nội), chiếc xe BMW đang lưu thông trên đường bất ngờ tông vào nhiều phương tiện phía trước.
Tại trụ sở công an phường Thượng Đình, nữ tài xế này cho biết quai giày cao gót bất ngờ vướng vào chân ga, khiến chiếc xe lao về phía trước đâm liên hoàn vào xe máy, xe đạp điện đang lưu thông ở phía trước. Hậu quả một nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn bị thương nặng nhưng may không nguy hiểm đến tính mạng. Chiếc BMW gây tai nạn cũng hư hỏng nặng. Ngoài hai vụ việc trên, đã có hàng loạt vụ tai nạn khác mà nguyên nhân được xác định là do giày cao gót.
Thực tế, việc sử dụng giày cao gót làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Theo thống kê của một nghiên cứu tại nước Anh với 2000 phụ nữ lái xe cho thấy rằng có đến 40% phụ nữ đi giày cao gót, 24% đi chân trần khi lái xe. Cũng theo đó, việc đi giày cao gót làm giảm 0,13 giây phản xạ chân phanh và chân ga so với bình thường.
Theo phân tích của một chuyên gia về vấn đề an toàn giao thông của nước Anh, giày cao gót tiềm ẩn nguy cơ gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng bậc nhất. Và có đến 3 nguyên nhân chính dẫn đến chuyện này. Đầu tiên, đó là khả năng nhầm chân ga - chân phanh. Cấu tạo của giày cao gót đã để lại một khoảng trống giữa bàn chân của bạn với 2 bàn đạp.
Chính khoảng trống này có thể khiến bạn mất đi cảm nhận về không gian, dẫn đến đạp trượt phanh, hoặc tệ hơn là đạp nhầm chân ga. Việc đạp nhầm chân ga khi đang chuẩn bị dừng đèn đỏ sẽ gây ra thảm họa kinh khủng đến nhường nào.
Nguyên nhân thứ hai, câu chuyện đạp phanh hay chân ga phụ thuộc rất nhiều vào lực từ bàn chân, mà giày cao gót thì khiến bạn khó lòng phân bổ đúng lực ở khu vực này. Trên thực tế, người đi giày cao gót chỉ có thể sử dụng đầu ngón chân để đạp, dẫn đến câu chuyện không đạp đủ lực để phanh trong trường khẩn cấp.
Cuối cùng, giày cao gót thực sự gây vướng víu khi cần luân chuyển giữa chân ga và chân phanh, khiến phản xạ bị giảm đi so với bình thường. Do tính chất gót cao, mỏng lại nhọn, đôi giày có nguy cơ mắc lại ở thảm xe, hoặc tệ hơn là kẹt luôn trong chân phanh.
Ngoài giày cao gót, những đôi giày bốt cao cổ cũng là “kẻ thù” của tay lái. Chúng khiến khớp bàn chân bị bó cứng, cử động kém linh hoạt và giảm khả năng phản ứng của phụ nữ khi xảy ra tình huống giao thông bất ngờ. Những đôi giày cao gót, bốt cao cổ dù là ở tình huống nào đi chăng nữa, việc sử dụng chúng là hoàn toàn không phù hợp khi lái xe kể cả là ô tô hay xe máy vì nó luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cực kì cao.
Chọn đôi giày phù hợp nhất để lái xe
Việc sử dụng giày cao gót sẽ khiến đôi chân của các nữ tài xế không chắc chắn, rất dễ gây tai nạn. Nhưng chẳng phải điều này có nghĩa rằng chỉ cần bỏ giày ra, lái xe bằng chân trần là mọi chuyện sẽ được giải quyết?
Thực ra không hoàn toàn là như vậy. Tuy rằng việc lái xe bằng chân trần có chút lợi thế hơn so với việc sử dụng giày cao gót, nhưng người lái xe sẽ phải dùng nhiều lực hơn và điều này dễ gây chuột rút khi lái xe. Đó là chưa tính đến những trường hợp bị ra mồ hôi chân, dễ gây trơn trượt trong tình huống khẩn cấp.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra khi sử dụng dép xỏ ngón. Loại dép này rất dễ tuột ra khỏi chân và mắc kẹt dưới chân ga. Và xét ở góc độ này, dép xỏ ngón còn gây nguy hiểm hơn cả giày cao gót.
Theo các chuyên gia, các tài xế nữ có thể trang bị cho mình một đôi giày dự phòng, đế thấp đặt thường trực trong xe. Họ có thể thuận tiện trong quá trình ra vào xe. Những đôi giày phù hợp khi lái ô tô phải có đế bằng, phẳng, có độ ma sát tốt. Ngoài ra, nên chọn những đôi giày không nên quá rộng vì nó có thể dẫn tới trường hợp chạm vào hai bàn đạp cùng một lúc.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố cần phải quan tâm. Đôi giày ấy có đế không được quá dày, vì nó khiến các nữ tài xế không cảm nhận được bàn đạp, dễ dẫn đến tình huống giẫm quá lực. Đế giày cũng không được quá to bản, vì bạn có thể đạp nhầm cả 2 bàn đạp cùng lúc.
Tại một số quốc gia luật giao thông của họ có quy định khá chặt chẽ về trang phục được phép mang khi tham gia giao thông. Và một trong những phụ kiện bị nghiêm cấm khi điều khiển ô tô chính là giày cao gót.
Ví dụ như tại Pháp, năm 2014, Tòa án Tối cao Cộng hòa Pháp ban hành quy định cấm triệt để nữ giới đi giày hay guốc cao gót khi điều khiển phương tiện giao thông gắn động cơ. Ai vi phạm sẽ bị phạt như lỗi về an toàn giao thông đường bộ khác. Còn tại Việt Nam, đối chiếu quy định nền tảng của nước ta trong lĩnh vực xử lý xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt là Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác thì cũng không có quy định nào một quy định nào về việc cấm hay hạn chế các nữ tài xế sử dụng giày cao gót, bốt cao cổ khi lái xe.
Tuy nhiên, dựa trên thực tế hiện nay, để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, các chuyên gia cũng đã khuyến cáo các nữ tài xế nên mang một đôi giày phù hợp khi lái xe để tránh xảy ra tai nạn, không nên mang những loại giày dép không phù hợp có thể khiến người lái xe mất kiểm soát, đặc biệt là khi phanh xe.