Phụ nữ tham gia quản lý cấp thôn bản: Nhiều thách thức

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chỉ còn 3 năm nữa để Việt Nam đạt mục tiêu 60% cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2025. Vì thế, nỗ lực chung của các đơn vị để tăng cường năng lực lãnh đạo, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tương lai là rất cần thiết.
 Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của chị Sầm Thị Hoàn. (Ảnh: thiduakhenthuongvn.org.vn)
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn của chị Sầm Thị Hoàn. (Ảnh: thiduakhenthuongvn.org.vn)

Nữ Trưởng thôn gương mẫu làm theo lời Bác

Đó là gương điển hình tiên tiến được trang thiduakhenthuongvn.org.vn – cơ quan của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tôn vinh vào tháng 11/2019. Chị Sầm Thị Hoàn được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn Dạ 2, xã Cam Đường, TP Lào Cai. Từ những ngày đầu nhận trọng trách “vác tù và hàng tổng”, Trưởng thôn Sầm Thị Hoàn đã quan tâm tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.

Thôn Dạ 2 được xã Cam Đường chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới từ năm 2013. Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân thụ hưởng”, chị cùng Ban phát triển thôn tổ chức các cuộc họp dân triển khai công việc, lấy ý kiến của các hộ về mức đóng góp chi phí phục vụ các hoạt động thôn và biện pháp, cách thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, phong trào thi đua đã đề ra. Qua cách làm này, các hộ dân dần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới.

Để từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho bà con, chị cùng một số đồng chí trong Chi ủy, Chi hội Phụ nữ gương mẫu làm trước và thành công với mô hình nhà sạch, vườn đẹp do Hội Phụ nữ TP Lào Cai phát động. Thấy mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của chị thành công, nhiều bà con trong thôn đã học tập, làm theo. Nhờ những nỗ lực của Trưởng thôn Sầm Thị Hoàn cùng đội ngũ cán bộ thôn, đời sống của bà con thôn Dạ 2 không ngừng được nâng lên; các phong trào văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi nổi; bộ mặt nông thôn mới của thôn ngày càng khởi sắc.

Thôn Dạ 2 trở thành lá cờ đầu trong xây dựng đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương là thôn tiêu biểu nhất trong xây dựng nông thôn mới của xã Cam Đường, được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố Lào Cai công nhận là “Thôn kiểu mẫu nông thôn mới”…

Trao quyền cho phụ nữ

Chị Sầm Thị Hoàn là một trong rất nhiều nữ trưởng thôn bằng nỗ lực, hành động của mình chứng minh rằng phụ nữ khi tham gia cơ quan quản lý ở cấp thôn bản sẽ đạt được những kết quả tốt cho địa phương và người dân, không kém gì nam giới.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam vào năm 2019 thì trong số 812 thôn được khảo sát, chỉ có 101 thôn (chiếm 12%) có lãnh đạo là nữ. Điều đó cho thấy thách thức đối với phụ nữ tham gia cơ quan quản lý ở cấp thôn bản đang là vấn đề lớn.

Mới đây, ngày 19/10, vấn đề này đã lại được đề cập tới trong Hội thảo “Phụ nữ tham chính và khởi xướng sáng kiến trong sự nghiệp phát triển đất nước” do UNDP tại Việt Nam tổ chức, nhằm thảo luận về việc thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào chính trị, trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt bới những thách thức phức tạp như biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải xây dựng các chính sách theo cách tiếp cận toàn xã hội.

Tại Việt Nam, số lượng phụ nữ tham chính đã đạt được những tiến bộ đáng khen ngợi so với các nước trong khu vực. Theo Báo cáo Khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2022, Việt Nam đạt 0,705 trên thang điểm từ 0 đến 1 về chỉ số chênh lệch giới, xếp thứ 83 trong số 146 quốc gia, cải thiện vị trí từ 87 vào năm 2021. Theo đó, kết quả bầu cử năm 2021 đã tăng về số lượng nữ đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa 15 hiện nay là 30,26%, cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tương tự, số lượng đại diện phụ nữ trong Văn phòng Hội đồng nhân dân các cấp cũng cao hơn.

Bà Ramla Al Khalidi – Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho biết, đây là cơ hội để UNDP được lắng nghe và chia sẻ với các cơ quan, đơn vị trong Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ, đặt bình đẳng giới trong các cơ quan công quyền lên ưu tiên hàng đầu của quốc gia.

Tại Việt Nam, ở cấp địa phương, sự tham gia của phụ nữ còn phải đối mặt với những thách thức lớn. Theo kết quả của UNDP PAPI (Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam), trong 2 năm qua, phụ nữ đặc biệt ít được đại diện ở cấp địa phương, đặc biệt là các vị trí lãnh đạo thôn bản.

Bà Ramla Al Khalidi cho biết, UNDP đánh giá phụ nữ ngày càng được coi là tác nhân tích cực của sự thay đổi. Vì thế, phương pháp tiếp cận của UNDP là trao quyền cho phụ nữ bằng cách thúc đẩy họ tham chính ở tất cả các cấp. Bên cạnh việc giải quyết những bất bình đẳng về cơ cấu, UNDP cũng coi phụ nữ là đối tác chiến lược mà sự tham gia tích cực và khả năng của họ trong việc lập kế hoạch, thiết kế và thực hiện là điều cần thiết cho tất cả các chương trình của UNDP.

Việt Nam chỉ còn 3 năm nữa để đạt mục tiêu 60% cơ quan Nhà nước và chính quyền địa phương có lãnh đạo chủ chốt là nữ vào năm 2025. Vì vậy, bà Ramla Al Khalidi bày tỏ mong muốn sẽ có những nỗ lực chung của các cơ quan, đơn vị trong việc giải quyết các chuẩn mực và niềm tin xã hội đã ăn sâu vào các nhà lãnh đạo nữ, đồng thời là các phương pháp để tăng cường năng lực lãnh đạo, thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tương lai, nhằm giải quyết khoảng cách giới hiện có và xác định một lộ trình rõ ràng để đạt được tất cả các mục tiêu quốc gia.

“Lịch sử Việt Nam đã có nhiều nữ anh hùng kiệt xuất, truyền cảm hứng về khả năng lãnh đạo xuất sắc, khả năng phục hồi và sự kiên trì của họ như Hai Bà Trưng và Bà Triệu. Chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam thực sự có khả năng dẫn đầu việc đổi mới chương trình nghị sự và phụ nữ tham chính trong khu vực” - bà Ramla Al Khalidi nhấn mạnh.

Đọc thêm