Sáng 23/3/2021 giờ New York, Hoa Kỳ (đêm 23/3/2021 giờ Việt Nam), Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, thay mặt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam, đã có bài phát biểu tại Khóa họp lần thứ 65 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc (CSW).
Khóa họp diễn ra từ ngày 15/3/2021 đến ngày 26/3/2021 với nhiều sự kiện được tổ chức xoay quanh chủ đề ưu tiên về “sự tham gia đầy đủ, hiệu quả và hoạch định chính sách của phụ nữ trong đời sống xã hội cũng như xóa bỏ bạo lực nhằm đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái”.
Khóa họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, phát đi từ trụ sở Liên hợp quốc tại New York, Hoa Kỳ với sự tham dự của đoàn đại biểu cấp cao từ 193 quốc gia thành viên, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực
|
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu trực tuyến tại CSW (ảnh chụp màn hình) |
Phát biểu tại Phiên thảo luận chung, Bộ trưởng Đào Ngọc cho biết việc tăng cường sự tham gia và hoạch định chính sách của phụ nữ trong đời sống xã hội, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ dừng lại ở cam kết mà đã trở thành một thực tiễn sinh động ở Việt Nam. Những nỗ lực đó đến nay đã đưa lại nhiều kết quả đáng khích lệ.
Tính đến tháng 9/2020, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội của Việt Nam là 27,31%, cao hơn tỷ lệ chung của thế giới. Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước của Việt Nam cũng đều là nữ. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có xu hướng giảm, 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng…
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện tại, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đang cùng phải đối mặt với không ít khó khăn. Tiến trình tham gia lãnh đạo, quản lý, làm chủ và quyết định trong đời sống xã hội của phụ nữ đang bị COVID-19 làm chậm lại. Phụ nữ và trẻ em gái càng trở nên yếu thế và dễ bị tổn thương hơn trước các nguy cơ bị xâm hại.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng những thách thức do đại dịch COVID-19 đặt ra cũng là vấn đề chung trên toàn cầu, vì vậy đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần phải nỗ lực và đoàn kết hơn nữa, cũng như sẻ chia và hỗ trợ lẫn nhau, trong đó phụ nữ và trẻ em gái phải được đặt ở trung tâm của mọi nỗ lực phục hồi, được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ, trước mắt là được tiếp cận vắc-xin COVID-19. Sự đại diện, tiếng nói, vai trò của phụ nữ càng không thể thiếu được trong mọi quyết định của quốc gia. Nguồn lực cho công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cần được phân bổ nhiều hơn.