|
Đơn xin gặp Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang của người dân |
Một số người dân huyện Phú Quốc gửi đơn khiếu nại việc giải tỏa, đền bù ở dự án khu du lịch đô thị Nam - Bắc Bãi Trường. Theo cách giải quyết của Trung tâm Quỹ đất huyện Phú Quốc như hiện nay thì có người ra đi với hai bàn tay trắng, dù trước đó họ là chủ sử dụng cả chục nghìn mét đất; có người không biết làm gì để sinh sống khi số tiền đền bù chỉ vài chục triệu đồng,…
Cụ thể, chị Phù Bích Chi (SN 1971), ngụ ở khu phố 2, thị trấn Dương Đông là chủ sử dụng 29.239m2 đất, tọa lạc tại ấp Đường Bào, xã Dương Tơ và 4.787,8m2 đất nằm trong dự án đường Cửa Lấp - An Thới và Nam Bãi Trường do Cty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phú Quốc (C.E.O) làm chủ đầu tư…
Ngày 16/11/2011, UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án xây dựng Khu du lịch - dân cư Nam Bãi Trường tại xã Dương Tơ và thị trấn An Thới. Theo đó chị Phù Bích Chi được bồi thường, hỗ trợ phần hoa màu 62.675.000 đồng, vật kiến trúc 6.016.000 đồng, còn hỗ trợ đất đai là 0 đồng. Không đồng ý, ngày 04/11/2011 chị Chi khiếu nại đến UBND huyện và Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Quốc, nhưng các cơ quan nói trên vẫn “im hơi lặng tiếng”.
Đáng nói, chẳng những không chờ kết quả giải quyết cuối cùng từ chính quyền mà đơn vị thi công lại san ủi gần hết phần đất của những gia đình đang có đơn khiếu nại. Khi người dân ngăn cản thì bị gần 30 thanh niên, đeo khẩu trang kín mặt, tự giới thiệu là “lực lượng bảo vệ” công trình uy hiếp.
Gia đình Mẹ Việt Nam Anh hùng lên tiếng
Gần 20.000m2 đất của gia đình nằm trong quy hoạch dự án đầu tư khu du lịch đô thị Bãi Trường, xã Dương Tơ do Công ty TNHH Bim Kiên Giang làm chủ đầu tư. Không nhận được quyết định thu hồi đất nhưng một phần diện tích đất trên bị Cty TNHH Bim Kiên Giang cho xe ủi đến san bằng, kể cả thành quả lao động có trên đất…
Thậm chí khi kiểm kê tài sản có trên đất xong, cơ quan chức năng địa phương lại đưa “người khác” nhận giùm. Đó là những gì mà chúng tôi ghi nhận được từ chị Trần Thị Điệp, có bà nội là Mẹ Việt Nam Anh hùng có 2 con là liệt sĩ. Vụ việc được phản ảnh từ năm 2007 đến nay nhưng chính quyền địa phương vẫn không đưa ra được biện pháp giải quyết thỏa đáng.
Từ các trường hợp cụ thể xảy ra nêu trên, có thể thấy UBND huyện Phú Quốc thu hồi đất của người dân ở địa phương nhưng một số trường hợp không có quyết định thu hồi đất, cũng như chưa ban hành đến tay người dân các quyết định phê duyệt dự án của UBND huyện Phú Quốc, chứng thư thẩm định giá khối lượng tài sản đền bù trong dự án, quyết định cưỡng chế,… Và chưa lần nào tổ chức hiệp thương, lấy ý kiến người dân về phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại khi bị thu hồi đất là chưa đủ căn cứ pháp lý để thu hồi đất của người dân theo luật định.
Chị Điệp bức xúc: “Chúng tôi tha thiết đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang và Công an tỉnh Kiên Giang sớm vào cuộc làm rõ hành vi san ủi, sử dụng đất của dân khi chưa có quyết định thu hồi đất, đồng thời xem xét lại toàn bộ quá trình thu hồi đất của người dân nằm trong khu vực bị giải tỏa bởi dự án khu du lịch Nam - Bắc Bãi Trường, bồi thường thỏa đáng, đừng để người dân phải chịu nhiều đau khổ vì bị thu hồi đất...”.
Theo lời chị Điệp, trên phần đất hiện đang bị Cty TNHH Bim Kiên Giang chiếm giữ có trồng cây và xây mồ mả của những người trong thân tộc, trong đó các ngôi mộ, mộ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thìn (bà nội chị Điệp), 02 người bác liệt sĩ hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 02 người cháu là liệt sĩ hy sinh năm 1972 và năm 1973 (02 liệt sĩ trên được an táng tại Nghĩa trang Liệt huyện Phú Quốc).
Các hộ dân cho biết họ hoàn toàn ủng hộ chủ trương của Nhà nước, nhưng việc giải phóng mặt bằng cần phải được công khai, minh bạch, đúng pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người dân. Thiết nghĩ, ý nguyện trên là chính đáng và các cấp ban ngành ở Kiên Giang cần kiểm tra, giải quyết để tránh khiếu nại kéo dài.