Tài liệu vụ tranh chấp |
Năm nay đã bước sang tuổi 81, mặc dù không muốn nhưng bà Nguyễn Thị Thơm (SN 1934, trú tại phố Đoàn Thị Điểm, quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn phải làm đơn khiếu nại. Bà khiếu nại vì giá trị mảnh đất chỉ là một phần, quan trọng hơn bà muốn cơ quan chức năng làm rõ trắng - đen, phân minh phải - trái của vụ tranh chấp.
Theo đơn khiếu nại, sau một thời gian dài lập nghiệp ở Hà Nội, năm 1995 bà Thơm đưa cho ông Phạm Xuân Minh (SN 1930, trú tại khu 7, xã Bảo Yên, Thanh Thủy) 5.000.000 đồng để mua mảnh đất 200m2 đất thổ cư và 500.000 đồng để ông Minh làm thủ tục sang tên, đổi chủ mảnh đất để sau nay về quê hưởng tuổi già.
Sau đó, ông Minh viết giấy chuyển nhượng mảnh đất trên cho bà; việc chuyển nhượng này được Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Yên Nguyễn Tiến Dũng ký xác nhận và đóng dấu ngày 21/10/2004 để ông Minh làm thủ tục sang tên. Để giữ đất, bà Thơm đã đổ đất, xây bao xung quanh và cho một số người mượn để trồng rau. Đến ngày 15/4/2009, bà Thơm đã lập giấy tặng cho diện tích đất trên cho cháu là Nguyễn Văn Dũng, với hiện trạng thể hiện tứ cận tiếp giáp. Giấy này được Chủ tịch UND xã Bảo Yên ký xác nhận “bà Thơm là chủ sử dụng mảnh đất trên”. “Tuy nhiên, tháng 4 năm 2011, với lý do tôi chưa trả tiền nên ông Minh và con trai là cán bộ địa chính xã đã đứng ra tranh chấp mảnh đất trên với tôi” - bà Thơm viết trong đơn.
Mặc dù không muốn, nhưng để làm rõ trắng - đen, bà Thơm đã khởi kiện ông Minh ra tòa đòi đất. Tại phiên sơ thẩm và phúc thẩm, lần lượt TAND huyện Thanh Thủy và TAND tỉnh Phú Thọ tuyên bác đơn của bà Thơm với lý do: Thửa đất đó vốn là đất nông nghiệp, được UBND tỉnh Phú Thọ thu hồi năm 1997 để chuyển sang đất ở và gia đình ông Minh được cấp một lô vào năm 1999, có phiếu nộp tiền đứng tên ông Minh; mặc dù ông Minh thừa nhận có viết giấy chuyển nhượng cho bà Thơm, nhưng thời điểm là năm 1995 (trước khi có quyết định thu hồi và chuyển mục đích sử dụng khu đất, không thể hiện tứ cận tiếp giáp) là “điều hết sức bất hợp lý”.
Phán quyết liệu đã hợp tình, hợp lý?
Hai bản án của TAND huyện Thanh Thủy và TAND tỉnh Phú Thọ tuyên bác đơn đòi đất khiến bà Thơm không phục. Bà cho rằng, Tòa đã không xem xét thấu đáo bản chất sự việc: “Nếu không có chuyện tôi chuyển tiền nhờ ông Minh mua đất thì suốt 16 năm qua đất vẫn để không, thậm chí tôi xây tường bao, cho người khác trồng rau trên đó mà ông Minh lại không có ý kiến gì? Chỉ đến khi tôi làm giấy tặng cho cháu Dũng mảnh đất thì ông mới đòi đất”.
Qua xem xét vụ tranh chấp, chúng tôi nhận thấy hai bản án của TAND huyện Thanh Thủy và TAND tỉnh Phú Thọ có nhiều điểm cần phải xem xét lại. Bởi lẽ, ngoài ý kiến của bà Thơm như trên, một số nhân chứng cho biết đất đó là của bà Thơm “điều hết sức bất hợp lý” nêu trong bản án chẳng có gì là bất hợp lý cả, bởi ông Minh đã thừa nhận: “Năm 1995 chính quyền có chủ trương cấp, giao đất cho dân làm nhà ở, gia đình tôi đã xin cấp một thửa”.
Điều này cho thấy, có thể về mặt thủ tục thì năm 1999 ông mới được giao đất, nhưng từ năm 1995 ông đã có đơn xin đất. Hơn nữa, ông Minh cũng không phủ nhận việc làm giấy chuyển nhượng đất cho bà Thơm và không lý giải vì sao ngày viết giấy lại thể hiện là 25/10/1995. Hơn nữa, năm 2009, khi bà Thơm viết giấy tặng cho mảnh đất, Chủ tịch xã đã ký xác nhận thửa đất này là của bà Thơm với tứ cận tiếp giáp cụ thể.
Nói về vụ án này, Luật sư Triệu Trung Dũng (Trưởng Văn phòng luật sư Triệu Dũng và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) khi trả lời báo chí cho biết: TAND huyện Thanh Thủy bác đơn của bà Thơm là không đúng. Giấy chuyển nhượng quyền sử dụng đất do ông Minh lập được chính quyền xã Bảo Yên xác nhận ngày 21/10/2004 về cơ bản là đúng thủ tục pháp luật. Theo Điều 127 Luật Đất đai 2003, chính quyền xã Bảo Yên có đầy đủ thẩm quyền để chứng thực vào giấy tờ chuyển nhượng đất. Thế nên về nguyên tắc, mảnh đất đó là của bà Thơm. Chính quyền có sơ suất là chưa đốc thúc bà Thơm đi làm các thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngay. Tuy nhiên, việc đó về cơ bản không làm thay đổi bản chất sự việc.
Còn về phán quyết của TAND tỉnh Phú Thọ, Luật sư Dũng bình luận: Xử kiện tranh chấp về đất đai mà chỉ căn cứ vào Bộ luật Dân sự, khôngxem xét quy định của Luật Đất đai thì không đúng đắn, nếu chỉ căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ của ông Minh mà chưa xem xét thấu đáo các chứng cứ khác như nhân chứng, xác nhận của chính quyền địa phương và thực tế khách quan của vụ án thì không thuyết phục.
Thiết nghĩ, vụ việc cần được các cơ quan tố tụng trung ương xem xét, giải quyết một cách khách quan, hợp tình, hợp lý để tránh khiếu kiện kéo dài, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.