Phú Quốc, Kiên Giang: Căn cứ tài liệu “mơ hồ” chính quyền “vô hình” tước quyền sở hữu đất của công dân?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một hộ gia đình được cấp quyền sử dụng đất theo đúng quy định, đóng thuế, sử dụng ổn định và đến nay chưa biến động nào khác, bỗng dưng bị chính quyền “vô hình” tước quyền sở hữu khi căn cứ vào những tài liệu còn “mơ hồ”.
Ông Lê Minh Việt bức xúc vì bị tước quyền sở hữu hợp pháp thửa đất của gia đình.
Ông Lê Minh Việt bức xúc vì bị tước quyền sở hữu hợp pháp thửa đất của gia đình.

Sang tên đổi chủ “vô hình”

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Pháp luật Việt Nam và các cơ quan chức năng, ông Lê Minh Việt (ngụ phường Dương Đông, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) trình bày: Năm 1983, gia đình ông có mua phát mãi mảnh đất 10.000m2 của những người vượt biên trái phép tại khu vực Mũi Chùa, (khu phố 4, thị trấn An Thới, TP Phú Quốc).

Tới năm 1994, thửa đất này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I00211 - QĐUB 497, tại tờ bản đồ số 5, thửa 01, diện tích 10.000m2 (ngoài ra chung GCN này còn có thửa số 46, diện tích 6.300m2), đứng tên ông Lê Văn Sen (là bố ông Việt). Đến năm 2003, ông Sen qua đời đã di chúc để lại cho vợ là bà Nguyễn Thị Nhàn và các con quản lý. Năm 2004, bà Nhàn qua đời, tiếp tục di chúc bổ sung lại cho các con thửa đất nêu trên.

Từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gia đình ông Việt sử dụng ổn định, không tranh chấp và nộp thuế sử dụng đất tới năm 2008 (kèm theo biên lai), không có di biến động nào khác.

Đến năm 2016, UBND TP Phú Quốc (thời điểm đó là huyện Phú Quốc) có thu hồi thửa đất 10.000m2 (thửa số 01, tờ bản đồ số 5) đất để thực hiện dự án, thì người có quyền lợi liên quan, thực hiện kiểm kê là ông Hồ Tứ Quý (địa chỉ thường trú ở thị trấn Ba Hòn, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang).

Từ khi phát hiện sự việc bất thường trên, ông Việt gõ cửa cơ quan chức năng để làm rõ sự tình mới hay biết, thửa đất đã “vô hình” được “sang tên đổi chủ” cho ông Hồ Tứ Quý mà gia đình ông không hề hay biết từ thời gian nào.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm sơ đồ và biên lai đóng thuế của hộ gia đình ông Sen

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất kèm sơ đồ và biên lai đóng thuế của hộ gia đình ông Sen

Cụ thể, theo lý giải của UBND phường An Thới cho biết, thửa đất nêu trên của gia đình ông Việt có nguồn gốc được UBND xã Dương Tơ (nay là phường An Thới) bán phát mãi cho bà Nguyễn Thị Ngọc Mỹ (không có hộ khẩu thường trú tại địa phương- PV), là mẹ ruột của ông Hồ Tứ Quý từ năm 1983. Tuy nhiên, giấy bán phát mãi chỉ ghi chung chung, không có diện tích và ranh giới cụ thể.

Năm 1991, bà Mỹ trở về quê sinh sống thì đã giao lại cho ông Hồ Tứ Quý sử dụng, đến năm 1993, do ông này không có mặt ở địa phương thì ông Sen kê khai đo đạc và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến năm 2000, bà Mỹ qua đời, giao lại cho ông Quý sử dụng thì mới biết thửa đất trên được cấp giấy chứng nhận cho ông Sen?

Ngày 06/04/2000, UBND xã An Thới (nay là phường An Thới) đã làm việc trực tiếp với ông Sen và bà Nhàn, thống nhất điều chỉnh “tạm giao” chuyển sang tên ông Hồ Tứ Quý sử dụng. Sau đó, ông Quý làm đơn xin điều chỉnh trên giấy chứng nhận từ ông Sen sang tên mình, việc này đã dược UBND xã An Thới xác nhận (năm 2000).

Do đó, UBND Phường An Thới kết luận, việc đề nghị xác nhận quyền sử dụng đất và tranh chấp với ông Hồ Tứ Quý của ông Việt là không có cơ sở để xem xét giải quyết.

Căn cứ tài liệu “mơ hồ” không xác thực?

Tuy nhiên, cách giải thích của UBND phường An Thới có nhiều điểm chưa thuyết phục, gây bức xúc cho công dân.

Ngày 18/3, tại phiếu cung cấp thông tin trích lục thông tin Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số I00211 - QĐUB 497 của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Kiên Giang, cho thấy, căn cứ tại QĐ số 496/QĐ-UB ngày 11/12/1993, của UBND huyện Phú Quốc, hộ ông Lê Văn Sen đứng thứ tự số 72, đính kèm là sơ đồ đo vẽ được cấp Giấy chứng nhận, đến nay chưa có di biến động nào khác.

Trước đó, Chi nhánh VP Đăng ký đất đai TP Phú Quốc có văn bản (số 1221/CNVPĐK-TTĐC, ngày 17/12/2021) cho biết do không tiếp quản và lưu trữ nên không cung cấp được hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ ông Sen.

Cần phải khẳng định gia đình ông Sen được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Mũi Chùa là hợp pháp, sử dụng ổn định, đóng thuế tới năm 2008 như nêu trên. Chứng minh tại trả lời phiếu cung cấp thông tin (ngày 18/03/2022), của VP đăng ký đất đai tỉnh Kiên Giang tới nay vẫn thể hiện, việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sen theo QĐ số 496/QĐ-UB (UBND huyện Phú Quốc) ngày 11/12/1993, đính kèm danh sách ông Sen thứ tự số 72, và sơ đồ đo vẽ.

Thứ hai, bỏ qua những căn cứ xác thực nêu trên, UBND phường An Thới đã có dấu hiệu chủ quan, dựa vào những tài liệu “mơ hồ”, thiếu chính thống để “vô hình” công nhận quyền sở hữu cho đối tượng khác, bác bỏ quyền lợi hợp pháp của gia đình ông Việt.

Quyết định cấp quyền sử dụng đất đính kèm danh sách và sơ đồ của hộ gia đình ông Sen còn lưu trữ

Quyết định cấp quyền sử dụng đất đính kèm danh sách và sơ đồ của hộ gia đình ông Sen còn lưu trữ

Trong đó, mấu chốt trong vụ việc này, UBND phường An Thới căn cứ vào “Biên bản làm việc” được lập ngày 06/04/2000, tại gia đình ông Sen, thành phần không đại diện cho UBND phường An Thới, mà chỉ gồm các cá nhân địa chính xã, trưởng ấp và vợ chồng ông Sen.

Theo biên bản này thể hiện, gia đình ông Sen có thửa đất khai hoang từ năm 1978, vị trí tại Hang Yến (cách xa khu vực Mũi Chùa), đã trồng cây và xây dựng ổn định, nhưng khi đo đạc đã “ghi lộn” vào vị trí thửa đất 10.000m2 của bà Mỹ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Biên bản này, ông Sen xin trả lại khu đất tại Mũi Chùa cho ông Hồ Tứ Quý và xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Hang Yến.

Trao đổi với PV, ông Lê Lương Thiện (nguyên trưởng ấp 4, giai đoạn 1995-2001) là thành phần ký vào biên bản ngày 06/04/2000, cho biết, ông chỉ ký, còn không nhớ lập biên bản tại đâu vì thời gian đã lâu.

Tuy nhiên, ông Thiện khẳng định: “Giấy này không có giá trị pháp lý đâu, chỉ là để ghi 2 bên thôi, làm chứng không có tác dụng gì”.

Theo ông Thiện, bà Mỹ thời điểm chỉ có một chòi nhỏ ven sông, không xác định vị trí. Trong khi, gia đình ông Sen có vườn cây dừa, mít trồng ở khu Mũi Chùa. Do đó, ông Thiện khẳng định lần nữa căn cứ vào biên bản nêu trên để xác định sở hữu là không hợp pháp.

“Của ông Sen là của ông Sen, giấy này (tức biên bản nêu trên) chỉ là để xem xét, không phải là căn cứ. Tại sao khi làm sổ (tức Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) không có ý kiến ngăn chặn sổ của ông Sen? Về lý ông Sen thắng. Còn giấy này không có giá trị pháp lý”, ông Thiện khẳng định một lần nữa.

Sự bất thường của việc lập biên bản này còn thể hiện, ông Sen bị tai biến mạch máu não từ năm 1995, đã nằm liệt giường tới lúc qua đời năm 2003, trong thời gian đó luôn có người chăm sóc và hỗ trợ. Theo như những người con trực tiếp chăm sóc ông Sen thời điểm đó, chưa từng được UBND phường An Thới gửi giấy mời, thông báo giải quyết tranh chấp, hòa giải, hoặc tới nhà để lập biên bản như trên.

So sánh chữ ký ông Sen, chồng bà Nhàn tại biên bản bàn giao ngày 06/04/2000 (phía trên) và chữ ký gốc (phía dưới)

So sánh chữ ký ông Sen, chồng bà Nhàn tại biên bản bàn giao ngày 06/04/2000 (phía trên) và chữ ký gốc (phía dưới)

Hơn nữa, trước khi qua đời, vợ chồng ông Sen đều lập di chúc cho các con thừa kế mảnh đất nêu trên, có người làm chứng. Vì vậy, gia đình ông Việt khẳng định không có việc lập biên bản tại nhà như trên.

Điều này có sự tương đồng với khẳng định của ông Nguyễn Ngọc Văn, nguyên địa chính phường An Thới, là người lập biên bản cho biết: “Lúc đó tụi tôi làm, ông bà cũng lớn tuổi lắm rồi sao mà ký được, chắc đại diện gia đình ký thôi, xong mình ấy (tức là ký tên) thôi, chứ ông bà chắc không ký đâu, chưa chắc chữ ông (ý ông Sen)”, ông Văn cho biết. Bởi theo ông Văn, có người “yêu cầu” ông mới làm.

Do đó, ông Văn cũng đặt vấn đề chữ ký ông Sen, bà Nhàn có dấu hiệu làm giả, nếu không đồng tình có thể yêu cầu UBND TP Phú Quốc hủy bỏ văn bản và xác nhận của xã An Thới trước kia.

Tuy nhiên, UBND phường An Thới lại sử dụng biên bản này làm căn cứ, ký xác nhận việc “xin điều chỉnh tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Hồ Tứ Quý là đúng, do đo đạc sơ sót nên ghi lộn tên khu đất cho ông Sen…”, đồng thời ký chuyển để cơ quan cấp cao hơn giải quyết.

Làm mất quyền lợi hợp pháp cho công dân?

Trao đổi với PV, cán bộ địa chính phường An Thới cho biết, căn cứ vào các biên bản, tài liệu thu thập, đặc biệt, bản đồ địa chính chuẩn năm 2006-2007, thì thửa đất nêu trên mang tên ông Hồ Tứ Quý (thửa 02, tờ bản đồ số 69, năm 2016, thể hiện là thửa số 114), cùng với việc ông Sen được cấp đất sai vị trí, thời điểm đó do xã An Thới chưa làm tờ trình để thu hồi nên UBND phường không có cơ sở xem xét khiếu nại, giải quyết yêu cầu công nhận quyền sở hữu đất, mà hướng dẫn vụ việc tới cấp tòa có thẩm quyền.

Vậy, điều này đồng nghĩa với việc chính quyền địa phương đã “vô hình” bác bỏ quyền mọi lợi và nghĩa vụ liên quan tới thửa đất của gia đình ông Sen.

Thậm chí, để bảo vệ quan điểm, đại diện phường An Thới cho biết đầy cảm tính: “Khẳng định đất của ông Hồ Tứ Quý là chỗ này (tức tại vị trí thuộc sở hữu của ông Sen), không có chỗ nào khác ở Phú Quốc”. Trong khi, thực địa tại khu vực Mũi Chùa là một dải đất diện tích rộng nhiều hecta, còn khu vực Hang Yến lại nằm ở địa điểm khác, không dễ nhầm lẫn vị trí khi đo đạc, kê khai.

Xác nhận của UBND xã An Thới công nhận việc cấp đất "lộn" cho ông Sen

Xác nhận của UBND xã An Thới công nhận việc cấp đất "lộn" cho ông Sen

Vậy, trong vụ việc này, nghi vấn theo quy định, tình huống nào mà giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp thửa đất của gia đình ông Sen lại được “biến hóa” từ có thành không, bị tước hết quyền lợi?

Cần phải khẳng định thêm lần nữa, việc xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sen được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định và đến nay gia đình ông vẫn đang quản lý, sử dụng. Nếu việc phường An Thới chứng thực việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sen sai vị trí như phường này nêu thì sự việc là có dấu hiệu chủ quan và vượt quyền hạn, không lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, có thẩm quyền cao hơn về quản lý đất đai.

Theo đại diện UBND phường An Thới, phường chỉ thực hiện công tác hòa giải, còn việc công nhận quyền sở hữu thuộc cá nhân nào thì thẩm quyền cấp cao hơn nhưng thực tế cơ quan này “vô hình” đang “nói một đằng làm một nẻo”!

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ công nhận quyền sở hữu hợp pháp

Theo Luật sư Nguyễn Thị Phương Loan - Đoàn luật sư Thành Phố Hà Nội cho biết: Trong vụ việc này, theo tài liệu trong hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn lưu trữ tại Văn Phòng Đăng ký đất đai tỉnh Kiên Giang có thể hiện rõ sơ đồ, vị trí thửa đất đã cấp cho gia đình ông Sen, thông tin này cũng hoàn toàn phù hợp với thực tế vị trí thửa đất mà gia đình ông đang quản lý sử dụng, kê khai đóng thuế. Cùng với đó, hiện cơ quan chức năng vẫn chưa có quyết định thu hồi, huỷ bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho gia đình ông Sen (nếu có sai sót) thì Giấy chứng nhận này vẫn là căn cứ pháp lý để xem xét, giải quyết quyền lợi của ông được hưởng theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo khoản 1, điều 247, Bộ Luật dân sự hiện hành có quy định: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.” Như vậy, đối với trường hợp của ông Sen không những gia đình ông sử dụng liên tục, không có ý kiến tranh chấp, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan chức năng cần phải xem xét công nhận quyền sử dụng của gia đình ông Sen đối với thửa đất.

Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Sen là một trong những căn cứ quan trọng để xác định về nguồn gốc và vị trí của thửa đất, đồng thời xác định tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông Sen.

Còn nếu trong trường hợp có chồng lấn, nhầm lẫn thì chính quyền địa phương phải xem xét việc sai sót này là thuộc về đơn vị nào. Tôi cho rằng, trước hết cơ quan chức năng cần phải lập hội đồng xem xét nguồn gốc thửa đất đang có tranh chấp, dựa trên những tài liệu chính thống về pháp lý, xác thực với hiện trạng, để làm rõ quá trình quản lý, sử dụng và vị trí thửa đất, đặc biệt, cần phải xem xét đến quyền lợi của người đang trực tiếp quản lý và sử dụng đất hợp pháp.

Đọc thêm