Gìn giữ làng nghề truyền thống
Làng nghề truyền thống ủ ấm xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao thời còn hưng thịnh, cả làng có tới hàng nghìn hộ làm nghề ủ ấm, nhưng nay toàn xã chỉ còn gần 20 hộ theo nghề. Sắp tới, nhiều nhà sẽ bỏ nghề này, phần vì sức khỏe không còn, phần vì thu nhập quá thấp nên nhiều người dân không còn tha thiết với nghề.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hảo, người gần cả đời làm nghề ở xã Sơn Vi cho biết, trong tình hình khó khăn như hiện nay, làng ủ ấm Sơn Vi đang bế tắc đầu ra, thu nhập của người lao động thấp, sản phẩm mang tính chất thủ công nên hình thức không bắt mắt, không đủ sức cạnh tranh với nhiều loại sản phẩm trên thị trường, khiến nhiều người dân bỏ nghề truyền thống. Hiện, Sơn Vi chỉ có những lớp người “ngoại tứ tuần” như ông Hảo vẫn còn theo nghề nhằm giữ nghề truyền thống này…
Nghề ủ ấm Sơn Vi, Lâm Thao, Phú Thọ. Ảnh: PT. |
Ông Nguyễn Hải Ba, khu1, xã Sơn Nga chia sẻ, nghề làm nón cần sự tỉ mẩn, nhất là công đoạn khâu nón đòi hỏi phải cẩn thận, đôi bàn tay khéo léo lách từng mũi kim đường chỉ, sao cho mềm mại, thẳng đều từ trong ra ngoài, không cẩn thận sẽ rách ngay. Nón khâu xong phải hơ qua lưu huỳnh và phết một lớp dầu thông mỏng để nón không bị mốc trong thời tiết ẩm hay mưa.
Chị Nguyễn Thị Phương, khu Quang Trung, thợ làm nón lành nghề, có kinh nghiệm hơn 30 năm làm nón của Sơn Nga cho hay, bây giờ, người chọn nón để đội không còn nhiều. Vì thế, một chiếc nón vài năm trước bán được từ 70 nghìn đến 80 nghìn đồng thì giờ chỉ còn 50 nghìn đồng thậm chí xuống còn 30 nghìn đồng/chiếc.
Tuy thu nhập chẳng đáng bao nhiêu nhưng cứ nghĩ đến việc gìn giữ nghề truyền thống cho con cháu sau này nên chúng tôi quyết tâm giữ lấy nghề, dẫu nó không giàu, nhưng cũng thêm thắt chút ít vào thu nhập cho gia đình.
Nghề làm nón Nga Sơn đang tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Xuân Hồng. |
Để giữ gìn và phát triển nghề làm nón truyền thống, năm 2009, xã Sơn Nga được công nhận làng nghề nón lá truyền thống. Khi đã được công nhận làng nghề, người dân làm nón Sơn Nga chú trọng hơn tới từng công đoạn làm ra một chiếc nón. Ðể tạo ra chiếc nón đẹp, người làm nón phải rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu.- Chị Nguyễn Thị Phương cho biết thêm.
Tìm hướng đi cho làng nghề phát triển
Nguồn vốn đầu tư để mở rộng sản xuất kinh doanh hạn chế, chưa có các chính sách hỗ trợ vốn vay của Nhà nước để khuyến khích các làng nghề phát triển. Hiện nay, người nông dân làm gia sản phẩm phải tự tìm kiếm thị trường, hoặc có tư thương đến mua nhưng thường xuyên bị ép giá dẫn đến khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, trong khi đó chính quyền xã cũng gần như “bó tay” bởi chưa tìm được thị trường tiêu thụ…
Trao đổi với PV, ông Hoàng Ngũ Hổ, Chủ tịch UBND xã Sơn Nga cho biết, việc hỗ trợ vốn để phát triển làng nghề không có, dẫn đến việc mở rộng phát triển làng nghề để duy trì nghề truyền thống gặp khó khăn. Ngoài ra, việc quảng bá cho sản phẩm chỉ dừng lại ở những hội chợ quy mô nhỏ, nếu có vươn xa hơn thì vẫn bán chậm vì chủ yếu vẫn phục vụ người dân nông thôn... Do vậy, để phát triển làng nghề, người dân Sơn Nga rất mong muốn được nhà nước có cơ chế hỗ trợ phát triển các làng nghề, nhất là ưu tiên hỗ trợ, tìm kiếm thị trường ngoài nước...
Ông Ngô Trọng Mỹ, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Thọ cho hay, trong thời gian tới, để bảo tồn và phát triển tốt các làng nghề đã được công nhận, các địa phương cần tiếp tục thực hiện các cơ chế khuyến khích, động viên, hỗ trợ người dân tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm duy trì và từng bước mở rộng phát triển làng nghề, củng cố phát triển các cơ sở kinh tế hộ, khôi phục các ngành nghề truyền thống thu hút và tạo được việc làm cho nhiều lao động tham gia như: đan lát, hàng thủ công mỹ nghệ, mộc mỹ nghệ... Chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm; tập trung khai thác nguồn nhân lực tại chỗ nhằm thu hút, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động tại khu vực nông thôn, góp phần chuyển dịch tích cực cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Hiện nay, làng nghề truyền thống vẫn đang “loay hoay” tìm chỗ đứng trên thị trường. Hướng đi nào cho các làng nghề này, để giúp người dân “ly nông” không phải “ly hương”, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững…?