Phú Thọ: Thủ tướng chưa cho phép vẫn triển khai dự án 650 tỷ

(PLO) - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chính thức có văn bản yêu cầu tỉnh Phú Thọ dừng ngay việc triển khai dự án khu du lịch sinh thái do Công ty Ao Vua làm chủ đầu tư. Dự án này nằm trên sông Đà, ngay từ đầu đã gây nhiều tranh cãi dù được tỉnh Phú Thọ coi là một dự án trọng điểm và có được không ít “con dấu” chuẩn thuận từ các cơ quan trung ương.
Toàn cảnh Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh trên bãi nổi La Phù
Toàn cảnh Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh trên bãi nổi La Phù
Theo văn bản của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, UBND tỉnh Phú Thọ phải chỉ đạo dừng ngay việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái thị trấn Thanh Thủy (Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh trên bãi nổi La Phù, thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ và huyện Ba Vì, TP.Hà Nội). Phó Thủ tướng yêu cầu phải rà soát, điều chỉnh dự án để đảm bảo theo đúng các quy định về đê điều, phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng…
“Lọt” qua nhiều “cửa”
Dự án Khu du lịch sinh thái Đảo Ngọc Xanh với quy mô 65ha, do Công ty Cổ phần Ao Vua làm chủ đầu tư, được xác định là một trong những dự án trọng điểm. Như Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, để dự án được triển khai, ngoài sự chấp thuận của tỉnh Phú Thọ, nhiều đơn vị chuyên môn của ngành nông nghiệp, đường thủy cũng đã có văn bản “hướng dẫn” chủ đầu tư triển khai dự án trên sông Đà.
Theo đó, từ năm 2007, sau khi Công ty Ao Vua có văn bản xin lập quy hoạch khu du lịch tại bãi nổi xã La Phù, ngày 4/5/2012 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Ngọc Hải đã ký văn bản chấp thuận đề xuất này. Tiếp đó, ngày 31/10/2007 Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cũng đã có văn bản “đồng ý việc lập quy hoạch sử dụng bãi bồi giữa sông Đà làm khu du lịch sinh thái”.
Không chỉ riêng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão có văn bản chấp thuận sau khi có văn bản xin ý kiến của tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cũng đã có văn bản chấp thuận hoặc hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án. 
Theo đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã ký quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Riêng Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam cũng đã có văn bản “hướng dẫn” chủ đầu tư thực hiện thủ tục xây dựng cầu của khu du lịch sinh thái cao cấp bãi nổi La Phù.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án, dư luận rất bức xúc việc chủ đầu tư tiến hành nạo vét để nắn một phần dòng chảy của lòng sông Đà men theo bờ để chia tách khu du lịch với khu dân cư. Khi đó, phía Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ cho biết đã cùng chính quyền địa phương đình chỉ, lập biên bản việc nạo vét lòng sông trái phép của Công ty Ao Vua.
Thủ tướng chưa cho phép
Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ xác nhận, mặc dù dự án của Công ty Cổ phần Ao Vua đã đầy đủ thủ tục, giấy tờ về san nền nhưng chủ đầu tư lại xây dựng một số hạng mục khi chưa được phép. 
Cụ thể, bãi nổi La Phù dù không còn nằm trong hành lang thoát lũ sông Đà nhưng về nguyên tắc thì đây vẫn là bãi sông. Theo quy định về đê điều và phòng chống lụt bão, muốn xây dựng công trình trên đó phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.
Trong khi đó, trên thực tế chủ đầu tư đã xây dựng nhiều hạng mục, hoàn tất giai đoạn 1 và đưa vào kinh doanh khai thác dù đến nay Công ty Ao Vua vẫn chưa được cấp có thẩm quyền là Bộ NN&PTNT và Thủ tướng đồng ý cho phép xây dựng.
Trong thời gian dự án triển khai, Bộ NN&PTNT cũng đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Phú Thọ chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục, quy trình pháp lý nhưng dự án vẫn cứ triển khai trước khi hoàn tất thủ tục.
Bên cạnh đó, nhiều người dân đặt vấn đề: Mặc dù UBND tỉnh Phú Thọ đã có Quyết định số 2490/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 nêu rõ: “Giải pháp kỹ thuật san nền: cao độ cốt khống chế xây dựng trung bình 18,5m (cao hơn 0,5m) so với cao trình mực nước báo động 3 tại La Phù)” và tại Báo cáo kỹ thuật của Viện Quy hoạch thủy lợi tháng 8/2012 cũng chỉ rõ: “Chiều dài tuyến kè dự kiến khoảng 3.500m với cao trình tương đương với cao trình đỉnh đê”, tuy nhiên, chủ đầu tư đã hạ thấp xuống khoảng 0,6m để “tiết kiệm chi phí”(?!).
Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về dự án này.

Đọc thêm