Lần đầu tiên bước chân lên đảo trong cơn “say sóng”, tôi nghe được loáng thoáng anh bạn đi cùng đoàn reo lên: “đã đến Phù thủy châu” sau gần 6 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển. Thật lạ lẫm với tên gọi này, hóa ra, Phù thủy châu là một tên gọi khác của đảo Bạch Long Vĩ – một Hòn ngọc nổi trên mặt nước, tên gọi này mới mang hết ý nghĩa của vẻ đẹp nơi đây…
Phó Chủ tịch nước và lãnh đạo TP Hải Phòng gặp gỡ TNXP huyện đảo Bạch Long Vĩ |
Huyền thoại hòn đảo ngọc
Chẳng biết từ bao giờ đã có một huyền thoại về sự xuất hiện của hòn đảo nhỏ này. Chuyện rằng, vào thuở hồng hoang, có đàn rồng từ trời hạ xuống vùng biển Hải Phòng và Quảng Ninh ngày nay, 336 con rồng nằm lại ven đất Hải Phòng thành quần đảo Cát Bà, 1.969 con rồng nằm bên biển Quảng Ninh thành Vịnh Hạ Long. Khi rồng cha, rồng mẹ về trời, một khúc đuôi rớt lại thành đảo Bạch Long Vĩ, tức cái đuôi con rồng trắng- một viên ngọc rồng giữa biển đông…
Bạch Long Vĩ giờ đây là một huyện đảo trực thuộc TP Hải Phòng, nằm ở trung tâm vịnh Bắc Bộ là một trong những vịnh lớn ở Đông Nam Á với diện tích 126.250 km2 (36.000 hải lý vuông), cách đảo Hải Nam 130km; cách đất liền 110 km. TP Hải Phòng có 126 km bờ biển, diện tích vùng biển khoảng 4.000 km2 gấp 2,6 lần diện tích đất liền của TP. Bạch Long Vĩ đóng vai trò là chiếc “cầu nối” quan trọng để giao lưu kinh tế, hội nhập và hợp tác của khu vực Bắc Bộ với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là khu vực kinh tế năng động của thế giới.
Cách đây đúng 20 năm, 62 thanh niên xung phong tình nguyện đầu tiên của Tổng đội thanh niên xung phong TP Hải Phòng đã xung phong ra xây dựng đảo Bạch Long Vĩ, trở thành những công dân đầu tiên của huyện đảo tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ Quốc. Đảo Bạch Long Vĩ trở thành đảo Thanh niên đầu tiên của cả nước.
Tiếp nối những thế hệ thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo, hết đợt này đến đợt khác, hàng trăm thanh niên xung phong của Hải Phòng tình nguyện ra đảo lập nghiệp. Đến nay, sau 20 năm, trên đảo đã chào đón thêm 62 cháu bé ra đời, thật khó lý giải con số trùng hợp, ngẫu nhiên này, chỉ biết rằng, sự lặp lại con số 62 là điều hết sức ý nghĩa đối với những gia đình gắn bó với đảo, đặc biệt là với lực lượng thanh niên xung phong- điều này thể hiện sức sống sinh sôi, trường tồn trên đảo…
Chị Vũ Thị Ngân – Liên đội trưởng liên đội TNXP đảo Bạch Long Vĩ - bồi hồi nhớ lại, thời kỳ đầu mới ra đảo lập nghiệp, cả đảo hoang vu, nơi ở là lán trại được làm tạm bợ, nguồn nước ngọt khan hiếm, những chuyến tàu ra đảo phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, có khi 3- 4 tháng mới có một chuyến tàu ra đảo, chở theo tin tức nơi đất liền, quan trọng nhất, có tàu ra đảo, cả đảo mới có rau xanh - thứ “đặc sản quý hiếm” nhất trên đảo.
Sau hai mươi năm lập nghiệp, gắn bó với đảo xa, đến nay, thế hệ thứ hai của lực lượng thanh niên trên đảo đã có nhiều cháu hiện đang theo học tại các trường phổ thông trong đất liền. Con trai ông Đào Trọng Tuệ - Phó Chủ tịch huyện, nguyên Liên đội trưởng thanh niên xung phong vừa tốt nghiệp đại học cũng xung phong theo chân bố ra đảo lập nghiệp.
Sau hai mươi năm xây dựng, huyện đảo Bạch Long Vĩ đã có những bước chuyển mình rõ rệt, hàng loạt các công trình hạ tầng cơ sở như hồ chứa nước ngọt, hệ thống thủy lợi, tuyền đường vành đai, hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư xây dựng. Đặc biệt, hệ thống âu tầu, cầu cảng và các trạm cung cấp nguyên, nhiên liệu có thể phục vụ cho gần hai chục nghìn lượt tầu đánh bắt thủy hải sản trên Vịnh Bắc bộ vào neo đậu tránh bão, mua bán hải sản, tiếp dầu, lương thực, nước ngọt. Những cơ sở xản xuất bào ngư - một loại đặc sản có giá trị kinh tế cao được xây dựng quanh đảo.
Theo ông Bùi Đức Quang - Bí thư, Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vĩ - mặc dù xa cách đất liền hàng trăm km, điều kiện kinh tế – xã hội của huyện đảo còn nhiều khó khăn nhưng trên địa bàn không có hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 40 triệu đồng/năm. Có những hộ dân như hộ gia đình ông bà Phạm Thế Cường, Lê Thị Tuyết đã đầu tư tới 5 tỷ đồng làm dịch vụ thu mua hải sản trên đảo.
Xứng danh là đảo tiền tiêu của Tổ quốc
Cùng với lực lượng TNXP, sau 20 năm, huyện đảo Bạch Long Vỹ đã tổ chức đưa tám đợt dân ra đảo định cư lâu dài để phát triển kinh tế- xã hội. Tổng nguồn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trên huyện đảo đạt hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước hơn 800 tỷ đồng, các thành phần kinh tế và dân doanh hơn 200 tỷ đồng. Trên 40 công trình được xây dựng đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đảo tiền tiêu của Tổ quốc
Với vị trí địa lý đặc biệt, nằm ở trung tâm Vịnh Bắc Bộ, không chỉ là một ngư trường có trữ lượng cá lớn nhất Vịnh, Đảo Bạch Long Vĩ còn có những bờ cát trắng, nắng vàng, những rặng san hô, thảm cỏ biển, rừng ngập mặn gần như còn nguyên sinh trên đảo. Nhằm khai thác lợi thế biển, từng bước thu hút khách du lịch, Hải Phòng đã xúc tiến lập dự án đưa vùng đảo Bạch Long Vĩ vào nghiên cứu để thành lập khu bảo tồn biển.
Từng bước đưa kinh tế biển gắn với những sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, độc lập; đưa ngành du lịch biển trở thể đón du khách đến với đảo, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt, độc lập; đưa ngành du lịch biển trở thành ngành kinh tế chủ lực, kết hợp giữ du lịch trên bờ, trên biển và trên các đảo. Từ năm 2012, Hải Phòng quyết định quy hoạch khu tiền phương của huyện đảo tại đất liền, đầu tư 172 tỷ đồng đóng mới tầu ra đảo, lập dự án xây dựng sân bay cho đảo.
Ông Nguyễn Văn Thành – Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hải Phòng - trăn trở, trải qua 20 năm, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo đã bền bỉ, kiên cường bám trụ nơi đầu sóng, ngọn gió, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng huyện đảo trở thành pháo đài thép về quốc phòng, cứ điểm tiền tiêu, một địa phương mạnh về kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia trên vùng biển Đông Bắc Tổ quốc.
Tuy nhiên, để kinh tế biển thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội TP theo hướng CNH, HĐH với tỷ trọng ngày càng lớn trong GDP TP (hiện nay chiếm tỷ trọng ở mức khoảng 30-35%, đến năm 2020 đưa tỷ trọng GDP của vùng ven biển lên 53-55% trong tổng GDP TP- bằng chỉ tiêu của cả nước); cần yêu cầu nâng cao chất lượng hoạch định, xây dựng chiến lược biển, quy hoạch, chính sách phát triển ngành và sản phẩm có lợi thế từ biển và phát triển khoa học và công nghệ biển gắn với tăng cường củng cố và bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia vùng biển, đảo đối với TP Hải Phòng là hết sức cấp bách…Đây là tiền đề phát triển kinh tế đảo gắn với kinh tế biển, đảo Bạch Long Vĩ phải là chỗ dựa để ngư dân yên tâm đánh bắt cá xa bờ, ngư dân cùng chính quyền tham gia bảo vệ ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh biển đảo của Tổ quốc.
Trong chuyến công tác, thăm và làm việc mới đây với huyện đảo Bạch Long Vĩ, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhắc nhở các cấp, các ngành TP, Đảng bộ, quân và dân huyện đảo cần cố gẵng nỗ lực hơn nữa trong xây dựng huyện đảo sớm trở thành trung tâm chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá cho các tỉnh ven biển Bắc bộ.
Trong đó, cần bám sát quy hoạch phát triển tổng thể huyện đảo đến năm 2020, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tê- xã hội. Đồng thời, tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hoá, y tế, giáo dục đào tạo, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường, nghiên cứu đề xuất giải pháp chống xâm thực đảo, phục vụ phát triển bền vững. Kết hợp phát triển kinh tế- xã hội với nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phòng, chống bão, cứu hộ cứu nạn...
Huyện và thành phố cần chú ý tập trung triển khai nhanh, sớm đưa vào khai thác các công trình, dự án quan trọng như: đóng mới tàu thuỷ chở khách và hàng hoá ra đảo; xây dựng cảng và khu neo đậu tàu phía tây bắc đảo; xây dựng hồ chứa nước ngọt; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, hộ dân và cá nhân ra đảo đầu tư phát triển sản xuất, dịch vụ...
Phó Chủ tịch nước tin tưởng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và đổi mới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bạch Long Vĩ sẽ sớm đưa huyện đảo phát triển nhanh và bền vững, giàu về kinh tế, có hệ thống chính trị vững mạnh, vững chắc về quốc phòng - an ninh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lần đầu đến với Bạch Long Vĩ, chắc chắc ai cũng có cảm nhận được sự thân thương, gần gũi bởi người dân nơi đây, ra đến đảo không còn khoảng cách. Đứng trên cao, nơi có lầu Phật án ngự, ngắm đền thờ Đức Thánh Trần, Chùa Bạch Long thấp thoáng ẩn trong những bóng cây để cảm nhận về một cuộc sống bình yên nơi đây thân thương đến lạ.
Linh Nhâm