Phú Yên: Cao su tan hoang trong bão, người dân bán cây làm củi còn bị... ép giá

(PLO) - Hàng trăm ha cao su bị cơn bão số 12 tàn phá, gây thiệt hại hàng tỷ đồng khiến cuộc sống người nông dân nơi đây lâm vào khốn khó. Bức xúc hơn khi sau bão, người dân gom cao su làm củi bán, mong vớt vát chút đỉnh, nhưng lại bị thương lái ép giá…
Anh Lê Hoài Sơn buồn rầu nói về vườn cao bị gãy đổ sau bão số 12
Anh Lê Hoài Sơn buồn rầu nói về vườn cao bị gãy đổ sau bão số 12

Khóc cùng “vàng trắng”

Anh Nguyễn Duy Bảo (39 tuổi, ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa) đứng nhìn vườn cao su hơn ba ha bị gãy đổ, buồn rầu cho biết, cho biết: “Bão tan, người dân bật khóc, cả một gia tài lớn cuốn phăng theo bão. Ở đây, mủ cây cao su được xem là “vàng trắng”, vì không có loại cây nào khác ở đây cho thu tiền nhiều như cây cao su. Nhiều gia đình từ nghèo khó đã vươn lên khá giả nhờ vào cây cao su. Giờ vườn cây tan hoang, nợ nần chồng chất”.

Tại vườn cao su hơn 2ha của anh Nguyễn Văn Trọng (ở thôn Hòa Sơn, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh), hàng loạt cây có đường kính gốc 50 đến 60cm bị gẫy đổ ngang thân. 

“2 ha cao su này tôi trồng được 5 năm, những năm trước cũng gió bão nhưng không hề hấn gì cả. Nhưng vừa qua, cơn bão số 12 gió giật quá mạnh, rất nhiều cây gãy đổ, trốc gốc, bung rễ. Đổ cả vốn liếng, gia tài để trồng cao su với mong ước thoát nghèo nhưng giờ gặp bão mọi thứ tan tành hết. Nhìn vườn cao su gãy đổ mà ứa nước mắt”, anh Trọng chua chát nói.

Vườn cao su 2,6ha của anh Phạm Văn Đạo (ở thôn Ea Đin, xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) cũng chẳng còn gì để vớt vát. Anh Đạo cho biết, anh ấp ủ ước mơ làm giàu từ cây công nghiệp này, nhưng chỉ cạo mủ đúng một lần thì cơn bão số 12 đi qua. 

“Tôi chưa có kế hoạch gì cả, trước mắt là không biết lấy tiền đâu ra để trả cho ngân hàng. Nguồn sống hàng ngày giờ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, anh Đạo trải lòng.

Vườn cao su gãy đổ sau bão số 12 ở huyện Sông Hinh
Vườn cao su gãy đổ sau bão số 12 ở huyện Sông Hinh

Thương lái ép giá

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phú Yên, bão số 12 làm hư hại ngã đổ 2.014,6ha cao su tập trung tại các huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. 

Anh Bảo rầu rĩ cho biết: “Gió bão quật vườn cao su tan tành, vợ chồng tôi ráng thu dọn cây gãy, cành nhánh bán cho thương lái kiếm đồng nào mừng đồng nấy. Cây cao su to thương lái mua 150.000 đến 200.000 đồng/cây, vườn cao su trung bình 500 cây bán được gần 100 triệu đồng, thế nhưng gần đây nhiều người chặt bán nên thương lái ép giá, chỉ còn chưa đầy 50.000 đồng/cây”. 

“Cây cao su 9 năm tuổi có đường kính 10cm mà họ đến nói ngon, nói ngọt để tôi bán với giá 50.000 đồng, trong khi ngày thường giá bán cũng gần 200.000 đồng/cây. Thương lái lợi dụng cây ngã để ép giá như vậy là đưa nông dân chúng tôi vào ngã cụt. Dù thế nào tôi cũng không đồng ý bán”, bà Vân cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, một số thương lái lạ mặt đã vận động các hộ dân tại xã Ea Bar làm “cò” ăn chênh lệch giúp họ thu mua cây cao su đổ ngã. Gỗ này sau đó được tập kết lại một điểm và được các xe tải vận chuyển về các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai. 

Ông Ksor Hét - Chủ tịch UBND xã Ea Bar xác nhận, việc một số thương lái ép giá dân để mua cây cao su bị ngã là có thật. 

“Chúng tôi vận động người dân không nên bán cây gỗ cho các thương lái một cách vội vàng, tránh bị ép giá. Thời gian tới giá gỗ cây cao su sẽ tăng, hơn nữa giữ lại cây cao su cũng là cách để các đoàn chuyên môn của cấp trên về thẩm định lại thiệt hại, xây dựng chính sách hỗ trợ cho người dân”, ông Ksor Hét nói.

Đọc thêm