Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phục dựng Tết té nước của người Lào tỉnh Điện Biên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống tạo nên một nền văn hóa vô cùng phong phú. Trong đó, Tết té nước của dân tộc Lào mang những nét văn hóa độc đáo.
Đoàn người xin nước làm lễ só nặm phạ phốn (xin nước mưa) trước gia chủ. (Ảnh: Xuân Tư - TTXVN)
Đoàn người xin nước làm lễ só nặm phạ phốn (xin nước mưa) trước gia chủ. (Ảnh: Xuân Tư - TTXVN)

Té nước cầu may

Lễ hội té nước hay còn gọi là Bun huột nặm để chào đón năm mới vào giữa tháng 4 dương lịch. Đây là lễ hội và cũng là tết truyền thống gắn với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người Lào ở Điện Biên, mang đậm triết lý nhân sinh.

Trong tiếng Lào, “Bun” có nghĩa là lễ hội hoặc tết, “huột” là té, “nặm” là nước. “Bun huột nặm” được hiểu là lễ hội té nước hoặc Tết té nước. “Bun huột nặm” có ý nghĩa gột rửa những điều xui xẻo trong năm cũ. Ngoài ý nghĩa đó thì lễ hội té nước còn mong muốn năm mới cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu cho mưa về tắm mát ruộng đồng, làm mềm đất rẫy để người dân tra hạt, muôn vật sinh sôi, phát triển; tẩy rửa những điều không may mắn của năm cũ, để bước sang một năm mới gặp nhiều may mắn cho các thành viên, các gia đình và cộng đồng.

Những ngày giữa tháng 4, từ sáng sớm, khi hoa gạo khoe sắc, những người Lào tại xã Na Sang I, huyện Điện Biên (Điện Biên) đã dậy chuẩn bị cho ngày Tết và chọn cho mình những bộ quần áo đẹp nhất, nô nức dự lễ hội té nước độc đáo. Họ tới nơi diễn ra các nghi thức cúng tế thần linh. Tại đây, thầy mo và những người cao tuổi trong bản sẽ thay mặt dân bản làm lễ cầu may mắn, bình an cho mọi người. Sau khi thực hiện lễ cúng, thầy mo và bà con dân bản mang theo lễ vật đến từng nhà trong bản để xin nước. Kết thúc phần xin nước thì đoàn người mang lễ vật ra bờ sông để cúng thần sông, thần suối cầu cho mùa mưa trở lại, bắt đầu một vụ mùa gieo trồng mới.

Tế lễ xong, các bà, các mẹ thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay cho người dân và du khách thập phương. Những sợi chỉ tay là lời cầu chúc may mắn, ấm no sẽ đến, đồng thời nó còn thể hiện thần linh, các thế lực siêu nhiên trong đời sống tâm linh dân tộc Lào sẽ bảo vệ, che chở cho người được buộc chỉ.

Sau khi kết thúc phần tế lễ buộc chỉ tay, người dân, du khách sẽ được trải nghiệm các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Lào gắn liền với các hoạt động sinh hoạt, sản xuất được hun đúc từ lâu đời như: chơi tấu phắc sá (rùa ấp trứng), ngù kin khiết (rắn bắt ngóe)… Sau đó, thầy mo sẽ dẫn đầu đoàn tế lễ, mang lễ vật đi các nhà trong bản để xin nước. Khi xin nước, đoàn người dẫn đầu là thầy mo sẽ đứng dưới nhà, đọc bài khấn; chủ nhà sẽ thay mặt, xin với thần linh cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, tươi tốt, con người không ốm đau, bệnh tật. Khi đã đi hết các nhà trong bản, đoàn xin nước sẽ mang lễ vật ra suối xếp ra mâm, thầy mo sẽ mời thần trời, thần đất, thần suối về ăn tết, chứng giám cho người dân trong bản.

Với những nghi thức độc đáo và đặc sắc, năm 2017 Tết té nước của dân tộc Lào ở bản Na Sang đã được Bộ VH,TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình văn hóa truyền thống. “Lễ Khăm bản - Hội té nước” là lễ hội truyền thống đã có từ lâu đời của bà con dân tộc Lào. Tháng 4/2024, sau rất nhiều năm bị lãng quên, năm nay, cấp uỷ, chính quyền xã Pa Thơm khôi phục lại “Lễ Khăm bản - Hội té nước” ở Pa Xa Lào”. Bà Vì Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên chia sẻ với truyền thông: “Trong quá trình phát triển, bảo tồn văn hoá và cũng từ nguyện vọng của Nhân dân, năm nay đồng bào dân tộc Lào lần đầu tiên phục dựng lại “Lễ Khăm bản - Hội té nước” này. Không chỉ giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể, “Lễ Khăm bản” chắc chắn sẽ hấp dẫn và thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế”.

Định vị bản sắc du lịch Điện Biên

Nhờ triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, du lịch của tỉnh Điện Biên đã định vị được hình ảnh và quảng bá thương hiệu. Năm 2023, tỉnh Điện Biên lần đầu tiên đạt mốc đón 1 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 107% kế hoạch năm; trong đó du khách quốc tế đạt 7.500 lượt.

Với chủ đề “Vinh quang Điện Biên Phủ - Trải nghiệm bất tận”, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 là sự kiện văn hóa - kinh tế - xã hội tiêu biểu, có quy mô quốc gia và tầm quốc tế, gắn với kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024). Định hướng phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế dựa trên ba trụ cột du lịch lịch sử - tâm linh; du lịch bản sắc văn hóa dân tộc, khám phá cảnh quan thiên nhiên; du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe. Trong Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, tỉnh Điện Biên phấn đấu đón trên 1,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 2.200 tỷ đồng.

Hiện, Điện Biên đang tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch gắn với việc bảo tồn các giá trị tài nguyên thiên nhiên; bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Điện Biên cũng chú trọng tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người dân trong tham gia vào hoạt động du lịch, tạo cơ hội cho người dân làm chủ, đồng thời hưởng lợi từ tài nguyên văn hóa; gắn việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch, bảo đảm an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, Điện Biên cũng đang nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; bồi dưỡng kiến thức về giá trị các di sản văn hóa cho các đối tượng làm công tác du lịch; có chế độ đãi ngộ các nghệ nhân dân gian, già làng, trưởng bản; đội văn nghệ truyền thống của địa phương. Ngành văn hóa, du lịch kết hợp với các cơ sở giáo dục - đào tạo chuyên nghiệp để bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng về du lịch, kinh doanh lưu trú, nghiệp vụ thuyết minh du lịch; nâng cao trình độ kỹ thuật, chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, người dân làm du lịch văn hóa...