|
Hình minh họa |
Nếu cô không chia tôi sẽ ly dị
Hóa ra trước khi gặp và kết hôn, chồng chị Hạnh trong một phút nông nổi thời trai trẻ đã có một đứa con ngoài giá thú năm 18 tuổi với người bạn gái cùng học phổ thông. Gia đình người bạn gái đó vì xấu hổ nên đã đưa con, cháu mình chuyển nhà đi tít tận Tây Ninh sinh sống. Quá khứ đó, đứa con đó tưởng đã mờ dần trong anh khi cuộc hôn nhân giữa anh và chị Hạnh rất hạnh phúc sau 17 năm chung sống với hai đứa con một gái, một trai đều đã lớn khôn.
Nào ngờ trong một chuyến công tác Tây Ninh, ghé quán ven đường uống nước, chồng chị Hạnh đã gặp lại người bạn gái năm xưa. Đứa con gái chung của họ năm nay đã ngoài hai mươi. Thiếu thốn, ít học nên hai mẹ con họ sống rất khổ cực. Ngay cả cái quán nước mía này chắc cũng chỉ đôi bữa nữa phải dẹp vì tiền sắm sanh máy ép, bàn ghế vẫn nợ đầm đìa trong khi lời lãi bán hàng chẳng bao nhiêu. Nhìn đứa con gái nét mặt giống mình như đúc, tình phụ tử trong anh trỗi dậy. Anh quyết định khi quay về Sài Gòn sẽ nói thật với vợ để mong giúp đỡ được con gái.
Nghe xong câu chuyện và yêu cầu của chồng, vốn tính nóng chị Hạnh giẫy nẩy lên. “Ông lừa dối tôi đã đành, giờ còn định mang mồ hôi nước mắt của mẹ con tôi đi nuôi nó nữa sao?” – chị gào thét. Bất ngờ trước cách xử sự của vợ, anh chồng cũng trả miếng: “Con tôi tôi phải có trách nhiệm. Nếu cô không chia tôi sẽ ly dị”. May sao lúc đó lại có người bạn thân đến chơi, biết chuyện người bạn này khuyên hai vợ chồng hãy đến nhờ luật sư tư vấn.
Tài sản nào cho con ngoài giá thú?
Trường hợp của vợ chồng chị Hạnh, theo lời tư vấn của luật sư thì chồng chị đã có con ngoài giá thú, đương nhiên anh ấy phải có trách nhiệm đối với đứa trẻ. Trường hợp người mẹ nuôi con và có yêu cầu cấp dưỡng thì anh ấy có nghĩa vụ phải cấp dưỡng nuôi con đến khi trưởng thành đủ 18 tuổi. Pháp luật không quy định cha, mẹ phải chia tài sản cho con (kể cả con trong giá thú) trong trường hợp cha, mẹ còn sống, nên vợ chồng chị Hạnh không phải chia tài sản cho đứa con riêng.
Tuy nhiên, nếu muốn vợ chồng chị Hạnh có thể tiến hành phân chia tài sản ngay trong thời kỳ hôn nhân vì theo quy định của Khoản 1 Điều 29 Luật HNGĐ năm 2000 quy định: “Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung”. Việc chia tài sản này sẽ giúp chồng chị Hạnh thực hiện được ý nguyện giúp đỡ con riêng trong phần tài sản của anh ấy sau khi chia. Nhưng lưu ý rằng việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.
Còn trong trường hợp chồng chị Hạnh chẳng may qua đời mà không có di chúc, đứa con ấy sẽ được hưởng thừa kế theo pháp luật phần di sản ngang bằng với chị và con chung. Nếu chồng chị lập di chúc mà không để lại di sản cho đứa con riêng, thì đứa con ấy không được hưởng thừa kế nếu tại thời điểm mở thừa kế người con đó đã thành niên (18 tuổi trở lên); trường hợp trẻ chưa thành niên thì vẫn được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc, theo Điều 669 Bộ luật Dân sự.
Nếu vẫn nghi ngờ thì phải chứng minh Vì trên tờ giấy khai sinh của đứa con gái ngoài giá thú của chồng chị Hạnh chỉ có mỗi tên người mẹ nên chị Hạnh vẫn cảm thấy nghi ngờ rằng không biết đó có đúng là con của chồng mình không. Theo lời tư vấn của luật sư, nếu như đứa con ngoài giá thú của chồng chị có đầy đủ chứng cứ để chứng minh là con đẻ của chồng chị thì sẽ được pháp luật bảo vệ quyền được hưởng thừa kế. Việc chứng minh này có thể thông qua giấy khai sinh, xác nhận cha cho con, kết quả giám định ADN (nếu có), các giấy tờ khác... Nếu chưa có đủ cơ sở chứng minh thì cần làm thủ tục “truy nhận cha cho con” tại Tòa án. Điều 65, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về quyền nhận cha, mẹ: “Con có quyền xin nhận cha, mẹ của mình, kể cả trong trường hợp cha, mẹ đã chết”. |
Hạnh Quyên